Thứ Ba, Tháng Tư 30, 2024
spot_img

Tết Trung Thu và những kỷ niệm tuổi thơ người Nhà Cáo

Đến hẹn lại lên, vào dịp rằm tháng tám hằng năm, hình ảnh đèn ông sao cùng hoạt động phá cỗ, múa lân,.. đã trở thành một phần không thể thiếu của ngày ‘Tết’ đậm đà bản sắc dân tộc dành cho thiếu nhi. Và người FTEL đã cùng nhau kể lại những điều đáng nhớ về dịp lễ đặc biệt này.

Với chị Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng quầy Giao dịch số 1 thì ngày lễ Trung Thu là một dịp tuyệt vời để người lớn thể hiện tình cảm yêu thương với con trẻ, cũng là dịp để tình cảm gia đình thêm gắn bó, đầm ấm.

Nhớ về tuổi thơ, chị Nhung chia sẻ, lúc nào mình cũng mong ngóng tới Trung Thu vì ngoài được ngắm trăng, mình còn được phá cỗ và chơi rất nhiều trò chơi, ngoài ra còn được xem Múa Lân, rồi đèn ông sao, cờ ngũ sắc. “Đám múa Lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau rất vui vẻ.”

Tuy vậy, chị Nhung cũng nhận định, Trung Thu ngày xưa khác Trung Thu bây giờ lắm. “Trước đây con nít chờ mong nài nỉ bố mẹ làm cho đèn lồng, đèn ông sao trước cả tháng, tới đêm rằm là chuẩn bị sẵn sàng cùng bạn bè, gia đình phá cỗ linh đình. Còn Trung Thu nay có vẻ như Trăng ko còn tròn vành vạnh như xưa, không chỉ trẻ em ào ra đường đi chơi mà rất nhiều người lớn, các bạn trẻ cũng lấy đây là một ngày để vui chơi nên đâu đó Trung Thu đã mất đi màu sắc vốn dĩ của nó? Trẻ con bây giờ cũng có nhiều thứ để chơi hơn nên Trung Thu có lẽ chỉ là ngày đặc biệt hơn một chút so với các ngày khác trong năm thôi”.

Về kế hoạch trông trăng sắp tới, chị Nhung sẽ cùng với 2 bé gái Bùi Mai Chi (8 tuổi) và Bùi Bảo Ngân (4 tuổi) làm bánh trung thu và mặt nạ. “Năm nào cũng vậy, cách Trung Thu ít ngày, mình sẽ mua giấy màu về làm đèn, làm mặt nạ… cho các con tự cắt dán. Đến ngày lễ cả nhà sẽ cùng làm bánh Trung Thu, những loại đơn giản như bánh dẻo chay, hay bánh Trung Thu khoai môn, đậu xanh … do chính các con nhào nặn bột và làm cùng mẹ. Buổi tối cả nhà cùng phá cỗ những bánh các con đã làm đồ chơi các con đã cắt dán, kèm thêm ít hoa quả. Sau khi phá cỗ ở nhà xong, các con sẽ đi chơi cùng khu xem múa Lân và đi theo đoàn múa Lân tới tối”. Với chị Nhung, đó là cách đón Trung Thu tuyệt vời nhất, vừa gần gũi, ấm áp, vừa giúp Mai Chi và Bảo Ngân cảm nhận được hương vị ngày rằm tháng tám đậm đà bản sắc truyền thống.

Chia sẻ suy nghĩ với chị Nhung, anh Nguyễn Hoàng Hiệp đến từ TTKD Hà Nội 11 cũng lựa chọn cho gia đình mình cách đón Trung Thu đầy ý nghĩa. “Mình sẽ tặng bé nhà mình những món đồ chơi Trung Thu truyền thống, cổ mà không cũ, như chiếc đèn lồng. Mình tin rằng, những món đồ như thế sẽ giúp con trẻ có những trải nghiệm đáng nhớ trong ký ức tuổi thơ ngọt ngào về một mùa Trung Thu trọn vẹn. Tâm trạng của các bé đang rất háo hức, rạo rực mong chờ đến giây phút đón Trung Thu và đi rước đèn.”

Anh Hiệp tiết lộ, mỗi dịp Trung Thu đến, anh lại nhớ đến tuổi thơ của chính bản thân mình trước đây: “Trung Thu về, trẻ em lại được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước, tò he, và được ăn bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích. Đây là những nét truyền thống có từ bao đời nay và là nét văn hóa đẹp của Việt Nam”.

Tuy vậy, cũng như chị Nhung, anh Hiệp tin rằng, ngày rằm tháng tám giờ đã không còn giữ nguyên vẹn nét truyền thống của nó: “Những đồ chơi , trò chơi ngày xưa dần trở nên hiếm thấy trong những năm gần đây , thay vào đó là những trò chơi tẻ nhạt cùng với những đồ chơi không mang bóng dáng của ngày Tết Trung Thu, thậm chí là những trò chơi bạo lực. Trung Thu đã mất dần đi tính truyền thống của một ngày lễ tết đậm chất văn hoá. Thậm chí đèn lồng giờ đây cũng được làm bằng nhựa và thắp đèn pin. Giờ thì còn đâu hình ảnh khum khum bàn tay nhỏ nhoi để che ngọn gió vô tình thổi mất một ngọn lửa, cũng không thấy nữa hình ảnh đứa trẻ nhỏ khóc rưng rức khi lỡ tay làm cháy chiếc lồng đèn của mình.” – anh Hiệp tâm sự.

Ở một khía cạnh khác, đồng nghiệp cùng TTKD của anh Hiệp, chị Hồ Thị Anh, tin rằng rằm tháng tám không chỉ là dịp để quan tâm đến trẻ em – thế hệ tương lai của gia đình, đất nước, đây còn là cơ hội để mỗi cá nhân hướng về gia đình, mua những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô… thể hiện tình yêu gia đình thêm khăng khít gắn bó.

“Tuy vậy, không khí Tết Trung Thu của ngày xưa và giờ khác nhau nhiều quá” – chị Hồ Thị Anh tiếp lời. “Nhớ hồi còn nhỏ vào dịp Tết Trung Thu, mình được ông ngồi vót tre để làm đèn lồng, mẹ thì bổ bưởi bày mâm cỗ. Giờ thì các em không còn cầm những chiếc đèn ông sao làm bằng tre từ ông, bố mất công làm ra, mà được bố mẹ mua cho những chiếc đèn đa dạng màu sắc, đủ kiểu, có chức năng phát sáng, phát nhạc.”

“Xưa mỗi dịp Trung Thu đến mọi nhà đều chuẩn bị những mâm cỗ để buổi tối cả gia đình cùng nhau phá cỗ ngắm trăng rằm. Ngày nay các bạn trẻ không còn nhớ đến mâm cỗ trông trăng cùng gia đình mà thay vào đó là đi với bạn hay vào các nhà hàng, quán ăn. Đón Trung Thu của những em nhỏ xưa thì chúng thích được cùng bố mẹ phá cỗ ngắm trăng nghe kể về chị Hằng, Chú Cuội thì ngày nay các em nhỏ lại thích được bố mẹ cho vào các khu vui chơi, siêu thị.. và dần các em cũng quên cả tích về Trung Thu, về những nét đẹp truyền thống vốn có của dân tộc.”

Những ngày sắp tới, chị Hồ Thị Anh sẽ dành tặng cho con trai mình một chiếc đầu sư tử để bé có thể múa cùng các bạn. “Ngoài ra, như mọi năm, mình kết hợp với các cô giáo tại trường để tổ chức cho các con buổi lễ hội trăng rằm, phá cỗ và kể cho con nghe câu truyện về chú Cuội và chị Hằng. Tâm trạng của con đang rất háo hức mong chờ tới ngày Trung Thu. Ngày nào đi học về con cũng nhắc mẹ ơi sắp đến Trung Thu rồi đó.” – chị Anh cho biết.

"Vì một hoạt động thiện nguyện dành cho các em thiếu nhi trong ngày của mình" là chia sẻ đầy hào hứng của anh Đinh Tiến Thịnh đến từ Trung tâm Đào tạo Nội bộ (FTC) trong quá trình thực hiện chiếc đèn ông sao phiên bản 'khủng' cùng với người đồng nghiệp Nguyễn Chí Lập thuộc TTKD Sài Gòn 9 cho chương trình “Trăng sáng yêu thương” dành cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Quận 8 vào ngày 21/9. 

Vì mỗi người đều có công tác riêng nên các anh đều tranh thủ tận dụng thời gian vào buổi chiều cuối ngày để hoàn thiện chiếc đèn ông sao kịp tiến độ chương trình.

Thế hệ ngày nay chắc chắn sẽ lại có những ký ức khác về Trung thu so với ngày trước nhưng những kỷ niệm đẹp cho những người đã từng đi qua tuổi thơ với chuyện phá cỗ đêm rằm, cùng nhau trông trăng, xem múa lân, rước đèn ông sao sẽ còn đọng lại và giữ mãi để mai này khi nhìn lại, đó sẽ là những điều tuyệt vời nhất trong hồi ức của mỗi người.

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img