03/03/2015 – Không phải là người dạn dày kinh nghiệm ở môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhưng gần hai năm chịu đựng áp lực với tinh thần cầu tiến, tôi nghiệm ra rằng, muốn được đồng nghiệp “coi ra gì”, phải gắn hai chữ “kinh nghiệm” và “trách nhiệm” liền nhau.
Các mảng nội dung đặc thù và có tính chọn lọc nhân sự như thể thao chúng tôi, ngồi ở ghế nóng với hai chữ “chủ nhiệm” là cả một bề dày vốn liếng đã tích lũy trước đó. Những biên tập viên mới vào nghề thường lấy các anh, các chị làm tấm gương phản chiếu để nỗ lực phấn đấu, với hy vọng có thể đạt được mức độ bao nhiêu phần trăm của họ để ghi dấu bản thân trong môi trường báo chí thể thao phong phú nhưng cũng không ít cạm bẫy.
Kinh nghiệm, có thể quy ra theo năm công tác, theo những chương trình tác nghiệp hay số tin bài tự sản xuất. Trách nhiệm lại khác, đó là khái niệm trừu tượng không có ranh giới rõ ràng mà được đánh giá từ những nhận xét, đánh giá. Người có trách nhiệm sẽ toàn tâm toàn ý với tất cả những gì thuộc về phạm vi được xử lý và luôn cầu toàn gấp đôi so với “người thường”. Những nhân tố kinh nghiệm dạn dày đòi hỏi trách nhiệm theo cũng phải tỷ lệ thuận hoặc hơn thế, điều đó giúp họ phản ánh đúng đẳng cấp trong môi trường nhiều cạnh tranh và ai cũng tiến lên phía trước. Trách nhiệm có thể kéo một người đầy kinh nghiệm về phía sau, đồng thời ban thưởng cho ai có tâm huyết nhiệt thành. Nhưng nghiệt ngã, trách nhiệm đôi khi làm khổ những người thật sự chăm chỉ và phung phí cho những kẻ sống ảo trong hai chữ như gánh nặng cả đôi vai.
Làm việc với đam mê và tình yêu khác với lao động vì miếng ăn và vật chất. Với những ai nhiều kinh nghiệm bất cứ lĩnh vực nào, chắc hẳn họ sẽ nằm ở nhóm số một. Tuy nhiên, trong xã hội mà mưu cầu về đời sống vật chất cao hơn, kinh nghiệm nhiều chưa chắc đã đi liền với câu chuyện trách nhiệm. Ở đây, ở ngoài kia hay đâu đó trên thế giới này, câu chuyện “trách nhiệm” vẫn còn nóng ran và được báo động mỗi ngày.
Quan sát những người bên cạnh ta mỗi ngày, sẽ biết ai là ai!
Tất cả nằm ở ý thức mỗi người.