Cô giáo vùng cao

19/11/2016 – Tôi quen chị trên Facebook trong một chương trình thiện nguyện. Chị là một cô giáo vùng cao với tâm hồn nghệ sĩ.

Trong thơ, văn của chị, tôi thấy được các bản làng ngập chìm trong mây trắng, thấy cả những nụ hoa đào thắm nở sớm giữa mùa đông, thấy từng nụ hồng, quả mận nơi vườn nhà chị. Nhưng ngoài những lãng mạn, thơ mộng vụt qua ấy là những hình ảnh thực tế đời thường, những sự thật hiện hữu cùng cơm, áo, gạo, tiền hằng ngày của các trò và các thầy cô nơi đây.

Chị không phải là người bạo dạn nhưng đích thân chị đã phải gỡ chiếc túi nylon cáu bẩn mà cậu học trò nhỏ 6 tuổi của chị đã dùng trong suốt mấy ngày để quấn chặt vết thương do dao dựa chém vào tay khi chặt củi. Các cô giáo trẻ đã phải ngoảnh mặt quay đi khi chị gắp từng con dòi trong vết thương hoại tử của em đó ra, rồi lại đun nước muối rửa sạch và băng bó lại với một mảnh vải màn được giặt sạch sẽ. Chị đã rùng mình, run tay khi nhúng vết thương của học trò vào nước muối loãng để khử trùng nhưng cái cậu bé nhỏ xíu đó chỉ cắn răng chịu đựng không một tiếng khóc, không một tiếng rên vì nước muối có xót nhưng cũng không đau đớn bằng vết thương nhiễm trùng trong suốt những ngày qua.

Cái lạnh về trên vùng cao buốt giá không có bút nào tả nổi khi những học trò của chị vẫn chân đất đến trường, mong manh trong tà áo mỏng. Chị và các đồng nghiệp đã buốt lòng và cảm giác mình đi giầy và mặc áo ấm là tội lỗi khi các học trò thân yêu vẫn chân trần nơi nền đất lạnh. Các em chẳng thể cầm nổi bút khi từng cơn gió cứ rít qua, tràn vào các bức vách nứa thủng lỗ chỗ nơi gọi là phòng học rồi xoáy sâu lên da thịt các em qua lần áo mỏng.

Sức của chị cùng các cô giáo nơi điểm trường xa xôi trên từng đỉnh núi này chẳng thể bao bọc hết được các em, chẳng thể giúp được tất cả các em có manh áo ấm nhưng chị lại chẳng thể thay mặt nhà trường nhận quà tài trợ từ các nhà hảo tâm vì trường chị không phải trường nghèo. Đó vẫn là ngôi trường tiểu học 2 tầng khang trang, hoành tráng bậc nhất các thị trấn vùng cao và hơn nữa chị cũng không phải là lãnh đạo của trường. Chị chỉ là một cô giáo ở điểm trường hẻo lánh mà thôi.

Hằng ngày, chị và các cô giáo trẻ phải quấn xích xe đạp vào lốp xe máy tạo thành các chiếc xe tăng mi ni để có thể leo qua từng con dốc lầy lội, trơn nhẫy, ngập bùn, vượt qua từng quả đồi dốc đứng, ngoằn nghèo để vào bản vận động từng em nhỏ đến trường trong mùa lạnh giá vì nếu không các cô sẽ “mất dạy” vì học trò nghỉ hết.

Ở đâu đó vẫn có những trẻ bị đuổi ra ngoài vì gia đình chưa đóng tiền ăn, thì ở trên cái đỉnh núi cao chỉ có mây mù và gió lạnh này, chị và các cô giáo vẫn ngày ngày sẻ đôi củ sắn nướng cho học sinh nhỏ tuổi của mình đủ sức ngồi trong lớp học, rồi mấy cô trò chung nhau một con cá khô cho bữa trưa mặn chát để duy trì sự học nơi đây.

Giáo dục Việt Nam tiêu cực ở đâu chưa nói đến nhưng với tôi, chị là một nhà giáo cao cả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây