27 năm làm FPT, từng kinh qua rất nhiều vị trí quan trọng, là người có ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ thông tin trong nước nhưng khi chia sẻ về trải nghiệm 100 ngày đầu tiên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, anh Hoàng Nam Tiến thừa nhận: “Rất thách thức! Tôi gặp phải tình huống mà tính xác suất ra thì 700 năm mới gặp một lần”.
Từ ngày 03/03/2020, anh Hoàng Nam Tiến chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch FPT Telecom sau 8 năm gắn bó với FPT Software. Việc bổ nhiệm nằm trong chương trình “Quy hoạch và Luân chuyển lãnh đạo FPT” được triển khai từ năm 2014 để chuẩn bị nguồn lực cấp cao cho Tập đoàn và các công ty thành viên trong những năm tới.
100 ngày là quãng thời gian quá ngắn ngủi trong lịch sử hơn 23 năm xây dựng và phát triển của một trong những công ty Viễn thông hàng đầu Việt Nam và đang ngày càng mở rộng quy mô trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, 100 ngày ngày là thời gian đủ để Chủ tịch Hoàng Nam Tiến thấu hiểu, thích nghi và quyết định những mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình và như anh nhấn mạnh, đây là thời gian để “bắt đầu yêu”.
Cùng lắng nghe những “trải lòng” của Chủ tịch sau khi đảm nhiệm cương vị mới 100 ngày nhé!
Tôi bắt đầu làm việc tại FTEL từ đầu tháng 3 thì đến giữa tháng 3, Covid-19 bùng nổ. Có lẽ không cần nói nhiều về những tác động tiêu cực của dịch bệnh này. Sự xuất hiện đột ngột và sức lây lan nhanh chóng mặt của Covid-19 đẩy biết bao nền kinh tế vào tình thế lao đao. Nền kinh tế Việt Nam cũng không ngoại lệ. Dịch hoành hành, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, đã khiến các hoạt động của FPT Telecom bị ảnh hưởng nặng nề, việc Phát triển thuê bao gặp nhiều khó khăn. Hình thức bán hàng D2D (Door to door – bán hàng trực tiếp tại nhà Khách hàng) vốn quen thuộc với đại đa số salesman không thể triển khai được; công tác chăm sóc, hỗ trợ Khách hàng cũng bị hạn chế. Đây là biến cố chưa từng có tiền lệ và chúng ta chưa hề được chuẩn bị để đối mặt với nó.
Sự cố đứt cáp quang biển AAG và APG từ cuối tháng 4 đến này chưa được khắc phục hoàn toàn cũng khiến hoạt động của FPT Telecom vô cùng khó khăn. Với một công ty Viễn thông, đứt cáp là chuyện “như cơm bữa”, thế nhưng đứt cáp nghiêm trong như lần này thì chúng ta mới gặp lại sau 7 năm. Cùng lúc mất đi 2/4 tuyến cáp quan trọng nhất khiến chất lượng Internet của FPT Telecom bị ảnh hưởng nghiêm trọng kéo theo đó là vô vàn những phàn nàn, chỉ trích, Khách hàng đòi rời mạng. Mỗi ngày bộ phận chăm sóc Khách hàng nhận đến hàng chục nghìn cuộc gọi phản ánh về chất lượng Internet. Bản thân tôi cũng phải thừa nhận, 100 ngày tại FPT Telecom, tôi nghe “chửi” nhiều hơn 27 năm làm FPT cộng lại.
“Khủng hoảng kép” xảy ra khi tiếp nhận một vị trí mới quả thực là thách thức lớn. Tôi vẫn tự tin vào khả năng tính xác suất của mình, xác suất để “khủng hoảng kép” này xảy ra chắc phải 700 năm mới có một lần. Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là cơ hội để tôi có cái nhìn toàn diện hơn về hoạt động của FTEL, đánh giá được vai trò của các bộ phận và có định hướng phát triển trong thời gian nhiệm kỳ của mình.
Một trong những thành tựu tôi tự hào nhất sau 100 ngày là: hiểu được người FTEL đang nghĩ gì, đang làm việc ra sao và đang mong muốn gì.
Ở FTEL và FSOFT có điểm tương đồng là nguồn nhân sự rất trẻ, nhiệt huyết và “máu chiến” nhưng ở FTEL mức độ tuân thủ kỷ luật mạnh hơn rất nhiều. Tại FSOFT khi cấp trên muốn yêu cầu làm việc gì thì đều cần phải giải thích, thuyết phục, chứng minh được là tại sao phải làm việc đó; sau đó giải thích tiếp tại sao lại làm như thế, phải làm theo cách này chứ không phải cách kia. Còn ở FTEL, phản hồi tôi thường xuyên nhận được nhất là “em đã nhận thông tin và triển khai ạ”. Thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc làm lãnh đạo ở FTEL dễ hơn. Nhân viên càng tuân thủ thì việc ra quyết định càng khó, mọi quyết định đều cần phải thật sáng suốt và chính xác.
Về vấn đề này, tôi có nhận được lời khuyên từ anh Đinh Tiến Dũng – GĐ Sáng tạo Truyền hình FPT: “Ở FTEL có một thực tế là việc của anh dù hay và ý nghĩa đến đâu nhưng nếu không đủ đơn giản thì xuống đến đội ngũ bên dưới sẽ bị biến tướng”. Chính vì vậy, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định gì tôi đều phải cân nhắc rất kỹ lưỡng và lắng nghe từ nhiều phía. Tôi rất tâm đắc về tác phẩm “Thực hành sinh ra hiểu biết – Hiểu biết tiến lên lý luận – Lý luận lãnh đạo thực hành” (1951) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về tầm quan trọng của việc thấu hiểu thực tiễn đối với việc ban hành chính sách.
Phong cách lãnh đạo của tôi cũng ảnh hưởng từ quan điểm đó: mọi quyết định dựa trên sự đồng thuận và có trao đổi rõ ràng với các cấp nhân viên bên dưới. Dù không đạt được sự đồng thuận thì cũng hiểu vì sao họ phản đối. Tôi rất thích được đi thực tế tại chi nhánh, được trực tiếp chứng kiến cách các bạn làm việc, được lắng nghe câu chuyện từ các bạn kỹ thuật, bán hàng và thu cước – những người tiếp xúc trực tiếp nhiều nhất với Khách hàng của chúng ta, trước hết để hiểu nhân sự của FTEL cần gì và sau để hiểu Khách hàng của FTEL muốn gì. Từ đó mới đề ra những chính sách phù hợp.
Chủ tịch Trương Gia Bình đã nhấn mạnh 3 mục tiêu phát triển trọng điểm của FPT trong thời gian tới là Lợi – Suất – Đổi (Lợi nhuận – Năng suất – Đổi mới). Đó cũng sẽ là những mục tiêu trọng tâm của FTEL.
Về Lợi nhuận, tăng trưởng lợi nhuận cao hơn là mục tiêu vô cùng thách thức với FTEL vì trong suốt 10 năm qua, chúng ta có mức tăng trưởng ổn định 13 – 15%. Vì vậy chúng ta cần làm với quy mô rộng hơn, chất lượng cao hơn và hiệu quả hơn.
Về Năng suất, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Năng suất lao động (NSLĐ) của người FTEL còn thấp nên thực tế là thu nhập của người FTEL chưa cao. So với các Công ty thành viên khác trong Tập đoàn FPT thì thu nhập của chúng ta cũng thuộc nhóm cuối. Do vậy, tôi mong muốn xây dựng những chính sách khuyến khích tăng NSLĐ và kết quả tăng NSLĐ phải được thể hiện ở tăng thu nhập. Những nhân sự làm việc chăm chỉ, chất lượng phải có thu nhập khác hẳn so với những nhân sự làm việc lười biếng, kém chất lượng. Dự án Phân công Tối ưu dành cho nhân sự thuộc TIN và PNC chính là một ví dụ tiêu biểu, từ khi triển khai dự án đến nay, dự án đã giúp tăng 28% NSLĐ tại các đơn vị này và sự phân hóa về thu nhập đã rõ ràng hơn rất nhiều so với năm 2019, năm 2019 mức chênh lệch chỉ khoảng 30%, mức hiện nay đã tăng 2,5 thu nhập.
Về Đổi mới, đây là nhiệm vụ chúng ta nên thực hiện hàng ngày từ những công việc nhỏ nhất. Tôi không đặt kỳ vọng các bạn phải cải tiến những thứ to lớn hay xa vời mà hãy bắt đầu từ công việc hàng ngày và làm nó theo cách sáng tạo hơn, hiệu quả hơn. Sáng tạo nhỏ không có nghĩa là giá trị thấp. Ở mỗi cấp nhân sự sẽ có những suy nghĩ khác nhau, thay đổi khác nhau. Việc thay đổi cách bán hàng, cách đi thu ngân đối với nhân viên ở dưới cũng quan trọng như việc ra chính sách của Lãnh đạo.
Để thực hiện được mục tiêu quan trọng Lợi – Suất – Đổi, có 3 việc mà mỗi một người FTEL cần thực hiện: (1) Doing better everyday – Làm tốt hơn mỗi ngày: làm tốt hơn việc chúng ta đang làm mỗi ngày, làm việc hiệu quả hơn với quy mô lớn hơn. (2) Doing different – Làm điều khác biệt: FTEL sẽ tiếp tục đẩy mạnh Chuyển đổi số, đầu tư xây dựng hệ thống Cloud – Điện toán đám mây, Data Center – Trung tâm Dữ liệu, hệ thống đường truyền tốc độ cao. (3) Luôn sẵn sàng chấp nhận thử thách.
Bên cạnh những mục tiêu trọng tâm và dài hạn trên, có những công việc chúng ta cần làm ngay. Cụ thể là cải tiến những công việc liên bộ phận (cross-functional). Chúng ta đang đối mặt với những thách thức lớn cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị/phòng ban. Mỗi bộ phận đều cần phát huy tối đa vai trò của mình.
Kỹ năng thuyết phục của salesman có tốt đến đâu mà hạ tầng tại khu vực đó không ổn định thì cũng không thể bán được hàng. Một bộ phim “hot’, một chương trình hay của Truyền hình FPT, FPT Play giá trị hơn rất nhiều những lời giới thiệu suông. Khi sự cố xảy ra, không chỉ có CS hay kỹ thuật, thu cước chịu áp lực mà ISC cũng phải lập tức xuất dữ liệu, lọc nhóm Khách hàng để chuyển thông tin cho các chi nhánh hỗ trợ nhanh hơn, NOC, SCC cũng liên tục phải thức thâu đêm để xử lý các vấn đề kỹ thuật. Tôi khuyến khích việc đưa những tấm gương người tốt việc tốt ở mỗi phòng ban không chỉ để động viên các bạn mà còn để chúng ta hiểu hơn về công việc của nhau và phối hợp hiệu quả hơn.
Điều quan trọng nhất là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đối mặt với thách thức ra sao, tôi mong muốn người FTEL sẽ luôn phát huy được những phẩm chất cốt lõi của mình: Tận tâm, tận lực, nhiệt huyết sẵn sàng đổi mới, kỷ luật vì mục tiêu chung là Khách hàng.
Tôi nhận ra FTEL có sứ mệnh “kết nối Con người” nên bên cạnh việc tạo ra doanh thu, lợi nhuận, tôi muốn FTEL chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh “kết nối Con người, kết nối Yêu thương”!
Quỳnh Mai – Sơn Vũ