‘Sức mạnh AI – Kiến tạo hạnh phúc’

Một giờ trước khi trận Chung kết iKhiến “kinh điển” diễn ra, nhóm tác giả vẫn tranh thủ từng phút để tập luyện lần cuối cùng các cố vấn. Ngôi vị Quán quân ngày hôm ấy được tạo nên từ tất cả sự nỗ lực của từng cá nhân và tinh thần tập thể tuyệt vời của toàn thể người nhà Cáo.

Ngày 10/1/2023, nhóm tác giả sáng kiến Ứng dụng AI trong bảo trì hạ tầng đã xuất sắc đem chức vô địch về cho FTEL, bảo toàn “ngôi vương” 3 năm liên tiếp cho nhà Cáo. Nhiều người nói trận so găng này tương đối “dễ thở” cho đội thi FTEL, bởi FTEL đã có nhiều năm kinh nghiệm tham gia Chung kết, cũng như có một đội ngũ nhân sự hùng hậu sẵn sàng tham gia bình chọn bất kể thời gian nào. Tuy nhiên không một ai trong nhóm tác giả hay đội ngũ nhà Cáo mang tinh thần chủ quan trước tất cả những điều ấy, bởi mỗi lần thi đấu đều là thử thách mới, mà người FTEL đã chinh phục nó bằng sự cố gắng không kể ngày đêm.

Nếu như hai năm trước đó, đội thi của nhà Cáo bao gồm các thành viên dày dặn kinh nghiệm, có nhiều năm gắn bó và làm việc tại FTEL, thì nhóm tác giả dự thi Chung kết năm 2022 lại hầu hết thuộc “Gen Z” (lứa tuổi từ 1996 đổ đi). Thành viên Lê Xuân Hiệp (INF MB) sinh năm 1996, Nguyễn Quang Vinh (INF MN) sinh năm 1997 và “em út” Nguyễn Thị Minh Vượng (CADS) sinh năm 2000. Bên cạnh đó có hai thành viên Trần Trọng Hiến (ISC) và Huỳnh Xuân Phụng (CADS) là hai anh lớn cùng thuộc nhóm tác giả phát triển sản phẩm.

Sau khi biết tin nhóm sẽ dự thi Chung kết, các tác giả gấp rút họp bàn “chiến lược” đi thi. Tất cả cùng đặt ra mục tiêu cao nhất – đem chiến thắng về cho FTEL. Xuyên suốt 1 tháng, cả nhóm đã chuẩn bị số liệu, nội dung trình bày, lựa chọn người thuyết trình cũng như hệ thống để thử nghiệm ngay tại sân khấu trước Ban Giám khảo. Đồng thời nhóm cũng phân tích kỹ đối thủ để chuẩn bị trước cho phần Hỏi – Đáp. Đặc biệt, các tác giả cũng tự đưa ra các câu hỏi có thể được đặt ra cho sản phẩm Ứng dụng AI trong bảo trì hạ tầng để lên nội dung trả lời.

Ban đầu, các thành viên đã thảo luận trong nhiều ngày liên tiếp để phân chia việc trình bày như thế nào giữa “dân Công nghệ” và “dân Hạ tầng”. Các thành viên CADS, ISC hiểu rõ về công nghệ trong khi INF sẽ hiểu về hạ tầng và khó khăn của giải pháp. Việc bổ sung “bóng hồng” duy nhất trong nhóm cũng giúp đội hình được cân bằng, có sự tương trợ thích hợp để phần trình bày có chất lượng cao.

Cả nhóm đã làm việc với tinh thần nghiêm túc và tập trung tới những phút cuối cùng. Mỗi buổi họp nội bộ hay họp với các cố vấn, nhóm đều cẩn thận ghi chú vào bản tổng hợp để cả nhóm cùng dễ dàng theo dõi và bổ sung ý kiến đóng góp vào bài.

Thế mạnh của nhóm tác giả nằm ở tinh thần máu lửa, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và mong muốn được đóng góp, cải tiến công việc cho hàng trăm anh em Kỹ thuật của nhà Cáo. Anh Nguyễn Quang Vinh cho biết một trong những điều khiến anh tự hào nhất đó là sáng kiến áp dụng AI vào công tác bảo trì hạ tầng đã giúp nhiều Kỹ thuật viên đỡ vất vả hơn so với trước đây, khiến họ có trải nghiệm tốt hơn và từ đó đem lại hạnh phúc trong công việc.

“Kỹ thuật viên hạnh phúc, từ đó gia đình họ hạnh phúc, Công ty hạnh phúc, FPT hạnh phúc” là thông điệp được cả nhóm nhấn mạnh khi thể hiện sản phẩm trên sân khấu Chung kết và gây ấn tượng mạnh với Ban Giám khảo cũng như hàng nghìn khán giả theo dõi.

Mỗi người một nhiệm vụ, không ai bảo ai nhưng tất cả đều nỗ lực hết sức. Ở phần video mở đầu và kết thúc phần trình bày được thực hiện cùng Ban Truyền thông, anh Nguyễn Quang Vinh và anh Lê Xuân Hiệp trực tiếp xuất hiện, tham gia diễn xuất cho dù trước đây chưa hề thử sức cho việc này. Thậm chí, quá trình quay hình phải thực hiện hai lần để bổ sung, chỉnh sửa, nhưng anh Lê Xuân Hiệp vẫn hết mình thể hiện vai diễn anh Kỹ thuật INF “đau đầu” với những vấn đề được đặt ra. Chính diễn xuất duyên dáng, đúng với tinh thần Kỹ thuật viên trong thực tế của anh Hiệp đã giúp phần video mở đầu cho bài dự thi nhận được nhiều tràng vỗ tay thích thú của khán giả.

Anh Phạm Bùi Tuấn Vũ (PGĐ INF MN) cho rằng ở vòng Chung kết, cả nhóm đã thực sự tiến bộ, hoàn thiện các kỹ năng. Từ cách thành viên Nguyễn Quang Vinh ban đầu được nhận xét trình bày chưa có hồn, đến cuối lại trở nên máu lửa, khi bước lên sân khấu hừng hực khí thế, tới “em út” Minh Vượng ban đầu rụt rè nhưng khi lên sân khấu lại vô cùng mạnh mẽ. Tất cả đều trưởng thành, thay đổi tích cực.

Có lẽ ít người biết rằng, phía sau nhóm tác giả “Gen Z” là một đội ngũ chuyên gia, cố vấn đến từ nhiều đơn vị để hỗ trợ, giúp đỡ chuẩn bị cho trận Chung kết một cách tốt nhất. Đội ngũ đó là Chủ tịch Hoàng Nam Tiến, Tổng Giám đốc Hoàng Việt Anh, Giám đốc Công nghệ và Hạ tầng Trần Thanh Hải, tới các chuyên gia như anh Nguyễn Anh Đức (Giám đốc CSOC), anh Nguyễn Thành Công (Chuyên gia an ninh mạng), chị Phùng Thu Trang (Giám đốc Nhân sự), các đơn vị CADS, INF MN, INF MB, ISC, đội ngũ Ban Giám khảo chương trình Sáng tạo FTEL. Bên cạnh đó là các thành viên của FIP, FTC, FCC, SCC, CS hỗ trợ phần trình bày, truyền thông, video clip, hậu cần, số liệu,…

Anh Hoàng Nam Tiến là người đã gợi ý và tư vấn phần trình bày, video clip và thông điệp độc đáo “AI là AI”, “DC5 cần AI, AI cần tôi, tôi là AI, AI là FTEL”. Anh Hoàng Việt Anh là người đã luôn lo lắng và trực tiếp đồng hành cùng nhóm từ những buổi họp đầu tiên, chỉ đạo điều phối các đơn vị để cùng giúp sức cho phần trình bày của FTEL tại Chung kết.

Ở phần đặt câu hỏi, anh Nguyễn Anh Đức, anh Nguyễn Thành Công, chị Võ Thị Hồng Phương, anh Phạm Bùi Tuấn Vũ đã sao sát cùng nhóm tác giả, tư vấn từng câu sao cho đúng trọng tâm nhất. Các thành viên từ CS và FIP đã cùng nhóm rà soát phần số liệu, tính toán sao cho đúng với thực tế. Các thành viên INF khảo sát địa điểm, đường truyền, sao cho phần thử nghiệm trực tiếp được trơn tru, mượt mà. Các thành viên FCC chuẩn bị kịch bản video, quay hình, dựng sản phẩm, cũng như các khâu cổ vũ, hô hào, kết nối cùng Ban Tổ chức chương trình từ những ngày đầu. FTC cùng nhóm chỉnh sửa phần trình chiếu, thuyết trình.

Anh Phan Thế An (FTC) – người đồng hành cùng nhóm để tập luyện trước thềm trận Chung kết đã cùng 4 thành viên nỗ lực giảm thời gian nói từ 20 phút xuống 9 phút 30 giây nhưng vẫn đảm bảo đủ ý, dễ hiểu nhất với tất cả khán giả.


Giây phút sáng kiến Ứng dụng AI trong bảo trì hạ tầng được xướng tên vô địch bảng Cải tiến công cụ làm việc tại Chung kết iKhiến 2022, toàn bộ cổ động viên của FTEL có mặt xem trực tiếp và cả những đồng đội trên toàn quốc đang theo dõi Livestream đều vỡ òa. Ban Điều hành FTEL cũng ký quyết định thưởng nhân đôi cho nhóm vì sự nỗ lực xứng đáng.

Hơn bao giờ hết, chiến thắng này được tạo nên từ tất cả người FTEL, từ nhóm tác giả, tới đội ngũ cố vấn, đội ngũ hậu cần hỗ trợ, tới sự ủng hộ của đông đảo đồng đội FTEL trên toàn quốc. Đó là những người đồng nghiệp có khi còn chưa từng gặp mặt, nhưng luôn hướng về một chiến thắng chung của toàn nhà Cáo. Đặc biệt, ngôi vị Vô địch này cũng tạo thêm dấu ấn cho năm sinh nhật 25 tuổi của nhà Cáo, cũng như thể hiện tinh thần sáng tạo không ngơi nghỉ của người FTEL trong nhiều năm để mang tới trải nghiệm tuyệt vời, đem tới hạnh phúc cho Khách hàng, cho chính những Kỹ thuật viên vốn phải làm việc vất vả ngoài trời.

“DC5 cần AI, AI cần tôi, tôi là FTEL, AI là FTEL”!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây