‘Tám chuyện’ sáng tạo cùng ‘biệt đội’ Gen Z nhà Cáo

Dấu ấn Gen Z (thế hệ sinh năm 1996 trở đi) đang dần thể hiện rõ nét hơn trong những năm gần đây. Nếu tìm kiếm thành viên nhà Cáo trong độ tuổi trên đang công tác tại các đơn vị có lẽ sẽ có một danh sách dài và không ngừng tăng thêm. 

Nhiều người nghĩ rằng để đưa ra một ý tưởng, cải tiến công việc, quy trình, hay đưa ra ý tưởng về sản phẩm dịch vụ mới cần người có kinh nghiệm dày dặn, gắn bó từ 5 tới 10 năm với FPT Telecom, hoặc phải là lãnh đạo. Nhưng trong những năm gần đây, thực tế chứng minh cho thấy có càng nhiều Gen Z đưa ra sáng kiến hay và được ghi nhận tại nhà Cáo. Thế hệ trẻ này nghĩ như thế nào về sáng tạo, làm thế nào để hiện thực hóa ý tưởng ấy và đạt được những thành tựu? Động lực để đưa ra ý tưởng là gì và cách duy trì nhiệt huyết trong công việc của họ ra sao? 

Cùng Foxnews “tám chuyện” với các Gen Z nhà Cáo và khám phá từ khóa “sáng tạo” trong mắt họ.

Sáng tạo đôi lúc không cần phải nghĩ ra những thứ “cao siêu”, sáng tạo có thể bắt nguồn từ chính thực tế công việc, từ sự quan sát kỹ lưỡng để tìm ra điểm có thể cải tiến, nâng cao và thay đổi, hoặc nhìn nhận một vấn đề cũ theo cách hoàn toàn mới. Đó cũng là cách mà Nguyễn Quang Vinh (Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam) cùng đồng đội sáng tạo sản phẩm “Ứng dụng AI trong bảo trì hạ tầng”.

Nhờ sự kết hợp giữa AI (trí tuệ nhân tạo) vào công tác bảo trì hạ tầng, kỹ thuật viên giảm được thời gian thực hiện công việc, xử lý được hàng nghìn sự cố mỗi năm, hơn 700.000 hộp cáp trên toàn quốc của FPT Telecom được đảm bảo vận hành. Sáng kiến giúp FPT Telecom tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, tác giả trẻ tuổi “ẵm” giải Vàng Sáng tạo FTEL và thẳng tiến đạt ngôi vương iKhiến bảng B năm 2022. 

Những ngày đầu dự thi Sáng tạo, Vinh không khỏi lo lắng. Anh cùng đồng đội gồm: Lê Xuân Hiệp – đồng nghiệp tại Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Bắc, Huỳnh Xuân Phụng – Trung tâm Ứng dụng Khoa học Dữ liệu, Trần Trọng Hiến – Trung tâm Hệ thống thông tin đã trình bày bài với Hội đồng thẩm định Sáng tạo và được đánh giá cao. 

Từ một bài thuyết trình có phần khô khan đậm chất “dân Kỹ thuật”, đến những vòng thi lớn hơn, Vinh cùng đồng đội buộc phải thay đổi phần trình bày, cách thuyết trình, học cách tương tác trên sân khấu lớn. Vinh cùng đồng đội hô to ý nghĩa cốt lõi của sáng kiến trên sân khấu hôm ấy rằng: “Ứng dụng AI – Kiến tạo hạnh phúc”.

Đối với Vinh, cảm xúc đáng nhớ nhất là khi đứng trên sân khấu Chung kết iKhiến, vừa hồi hộp, vừa lo lắng nhưng cũng đầy máu lửa, quyết dành chiến thắng về cho đơn vị. Hành trình sáng tạo của Gen Z này nhìn có vẻ thật lý tưởng, đầy vinh quang, nhưng để đạt được dấu mốc ấn tượng ấy là những tháng ngày dày công nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm hàng nghìn bức ảnh để đánh giá, tìm ra hướng đi hiệu quả nhất.

Góc nhìn sáng tạo của Vinh không có gì xa xôi, mà xuất phát từ mong muốn giúp những người Kỹ thuật viên của FPT Telecom có những ngày làm việc dễ dàng hơn, đỡ vất vả, không còn phải thực hiện bảo trì dưới trời nắng nóng, không còn phải quay lại lần 2 hay lần 3 để xử lý lỗi phát sinh.

Tháng 10 năm 2022, Nguyễn Tiến Phong cùng đồng đội mang sản phẩm Dialo dự thi chương trình Sáng tạo. Dialo là một nền tảng được phát triển bởi Trung tâm Giám sát và Đảm bảo Dịch vụ, với hai tính năng chính là Auto Call và Auto Dialer nhằm đáp ứng nhu cầu và cải tiến cách thực hiện các chiến dịch gọi điện của các đơn vị trong FPT Telecom. Đặc biệt, Auto Dialer là một tính năng mới, lần đầu được áp dụng tại nhà Cáo.

Khi kể về sáng kiến của mình, chàng trai sinh năm 1996 gọi đó là cuộc hành trình “khai hoang” vùng đất mới. Những bước đầu thực hiện dự án Dialo gặp nhiều khó khăn, cả nhóm không có trong tay tấm bản đồ hay chỉ dẫn nào cụ thể, cứ vừa mày mò vừa học vừa làm. 

Nhóm tác giả sáng kiến Dialo có rất nhiều Gen Z, đa phần đều là nhân sự “junior” với kinh nghiệm còn non trẻ trong lĩnh vực. Nhưng với đội ngũ Gen Z này, khó khăn chưa từng là rào cản hay điều cản trở. Tất cả thành viên trong nhóm đều sẵn sàng kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc, làm ngoài giờ, học hỏi không ngừng để đáp ứng tiến độ dự án, hoàn thành mục tiêu.

Vòng lặp của các Gen Z không phải giống những từ trên mạng xã hội thường nói là “Eat – Sleep – Rave – Repeat” (Tạm dịch: Ăn – Ngủ – Chơi – Lặp lại), mà thực tế gồm: Làm việc – Thất bại – Nghiên cứu – Học hỏi – Làm lại. 

Đó cũng là cách cả nhóm đạt được thành công khi sáng kiến Dialo đạt giải Vàng cuộc thi Sáng tạo FTEL và chuẩn bị tiến tới những cuộc thi ở cấp cao hơn. Sáng kiến đã được áp dụng và đem tới nhiều giá trị cho các đơn vị trong FPT Telecom. Đơn vị Trung tâm Quản lý cước đã áp dụng tính năng Auto Call cho nhiều chiến dịch gọi nhắc cước, giúp đảm bảo 100% Khách hàng cần gọi đều được gọi, tương ứng với hơn 500.000 cuộc gọi được Dialo thực hiện mỗi tháng.

Gen Z nhà Cáo có những điểm mạnh có thể dễ dàng thấy, đó là máu lửa, nhiệt huyết, có góc nhìn sáng tạo độc đáo. Với nền tảng chuyên môn vững chắc, suy nghĩ mới mẻ và hiện đại, các thành viên này mang tới những sáng kiến tích cực cho đơn vị mình làm việc, cho FPT Telecom. Điểm mới lạ đó chính là họ dám nghĩ – dám làm và cũng dám thất bại.

“Ứng dụng AI trong bảo trì hạ tầng” hay “Dialo” chỉ là hai trong số rất nhiều sáng tạo có sự tham gia thực hiện của các tác giả thuộc Gen Z, nhưng đủ để cho thấy tinh thần sáng tạo rất riêng của thế hệ này. Và chắc chắn trong năm 2023, cũng như trong tương lai, Gen Z nhà Cáo sẽ càng có nhiều ý tưởng mới, đột phá hơn, bất ngờ hơn và cũng “bay xa” tại các cuộc thi lớn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây