‘Sử ký là kỷ vật không thể thiếu của FTEL’

Năm 2016, FTEL lần đầu tổ chức cuộc thi Sử ký, chào mừng tuổi 20. Không khí sôi động của “người người nhà nhà” viết Sử ký lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Thời điểm đó, cầm trên tay cuốn sách thành hình, Ban Giám khảo không khỏi xúc động và bồi hồi. 

Từng dòng thư gửi trao, từng lời nhắn gửi hay từng bức ảnh kỷ niệm đều gói gọn cả bầu trời ký ức, gian khổ và cũng quá đỗi tự hào. 

5 năm sau, cuộc thi Sử ký một lần nữa được phát động, hướng tới sinh nhật FTEL 25 tuổi. Không chỉ CBNV hào hứng, Ban Giám khảo, Ban tổ chức một lần nữa như được sống lại cảm giác của tuổi 20 tươi trẻ và thêm phần mới mẻ. 

“Sử ký là kỷ vật”

Đặt bài toán “Chất FTEL trong bạn là gì”, những thành viên trong Ban tổ chức hy vọng mỗi câu chuyện, bài dự thi sẽ cho chúng ta cách giải mã khác. Và với Ban Giám khảo, lời giải cho bài toán đó cũng là lăng kính đa sắc. 

Là Trưởng Ban tổ chức, chị Phùng Thu Trang (Trưởng Ban Truyền thông) chia sẻ: “Trong suy nghĩ của chị, chất FTEL sẽ không thay đổi cho dù thời gian đã qua 5 năm hay thêm nhiều năm nữa. Nó có thể bớt hoặc thêm vài đặc tính, nhưng cái gọi là ‘chất’ sẽ không đổi. Với chị, đó là chữ ‘Thật’. FTEL làm bằng sức, càng lao động nhiều càng ra tiền. Làm thật ăn thật. Dù định hướng hay phương thức triển khai có thay đổi, thì hiệu quả vẫn là thật”.

Với Giám đốc Sáng tạo của FPT Play – anh Đinh Tiến Dũng – chủ đề năm nay vừa khó và vừa dễ. Khó vì không phải ai cũng định nghĩa được chất FTEL trong mình là gì. Nhưng dễ ở chỗ là ai cũng có một định nghĩa riêng. 

Trong khi đó, anh Nguyễn Công Toản (Giám đốc Trung tâm CSKH), đồng thời cũng là thành viên BTC Sử ký FTEL 20, tâm sự: “5 năm qua có rất nhiều thay đổi, sẽ có nhiều bạn háo hức chờ đợi cơ hội này để được kể ra câu chuyện của mình, của đơn vị mình. Tôi mong chờ được đọc những câu chuyện, những cảm xúc ấy được thể hiện theo nhiều hình thức và có cả sự hỗ trợ rất khác biệt, ấn tượng về công nghệ trong cuốn Sử ký 25 năm FTEL”. 

Còn với chị Bùi Hồng Yến (Trưởng Ban Chất lượng), “cảm xúc vẫn nguyên vẹn như khi ta 20. Vì nó là dấu mốc quan trọng trong hành trình của mỗi người khi lựa chọn gắn bó với FTEL dù đã từ lâu hay mới. Và những ai đi chặng dài cảm xúc cũng sẽ có màu sắc khác, nhưng đảm bảo sự nguyên vẹn và háo hức không kém những ai đi chặng ngắn. Vốn dĩ Sử ký là kỷ vật không thể thiếu của văn hóa và lịch sử và theo cách tự nhiên nhất, nó cũng sẽ là chân ái của Foxer”.

Một sản phẩm kết hợp giữa lịch sử và công nghệ

Sau 5 năm, cuộc thi Sử ký có nhiều điểm thay đổi. Theo chị Phùng Thu Trang, năm 2016, chỉ một bộ phận lãnh đạo viết. Năm nay, toàn dân tham gia và hình thức đa dạng hơn như truyện, thơ, âm nhạc… Vì vậy, chị Trang chia sẻ cuốn Sử ký FTEL 25 sẽ là một sản phẩm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, lịch sử và công nghệ. 

Là thành viên BTC, anh Toản đặt mục tiêu sáng tạo cách thể hiện mới để hòa cùng tất cả thành viên tham gia trong cuốn Sử ký. Thay vì bài viết thuần túy, người đứng đầu Trung tâm Chăm sóc Khách hàng tiết lộ sẽ tham gia với tác phẩm có thức, thể loại mới.

Giám đốc Sáng tạo của FPT Play – anh Đinh Tiến Dũng – lại gửi gắm lời nhắn đầy hóm hỉnh: “Tôi mong tất cả anh em nhân viên FTEL sẽ tham gia nhiệt tình dự án Sử ký để không ai bị dọa trừ tháng lương 13 cả”. 

Cuốn sách độc đáo, sáng tạo nhất từ trước tới nay

Đây chính là điều mà anh Toản khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Foxnews. “Người FTEL vốn rất sáng tạo và luôn sáng tạo theo cách rất riêng, đậm chất… FTEL. Tôi tin tưởng rằng Sử ký FTEL 25 năm sẽ là cuốn Sử ký sáng tạo, độc đáo nhất từ trước đến nay”, anh Toản nói.

Cùng quan điểm, chị Phùng Thu Trang “háo hức khi tìm ra những chất lạ, hoặc chất độc đáo trong các bài viết của các bạn”.

Với Trưởng Ban Chất lượng, chị Yến mong đợi nó toát ra được khí chất chỉ có ở FTEL, hơi thở của FTEL dù chỉ là lưu lại một khoảnh khắc đáng nhớ và là những kỷ ức được viết lại để khẳng định rằng Fox tự hào có tôi.

“Tôi nhớ năm làm bích báo, tôi đã rất xúc động và viết caption cho một bức ảnh của bạn Công, QA tại Cà Mau khi leo lên thang đang tựa vào cáp để kiểm tra mối nối là ‘dù bạn không cao, nhưng ai cũng phải ngước nhìn’”, chị Yến chia sẻ thêm.

 

 

Thu Hòa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây