Chủ Nhật, Tháng Năm 19, 2024
spot_img

Người FTEL và câu trả lời cho bài toán “Hòa nhập, hòa tan”

Nhiều năm trở lại đây, những ngày lễ như Giáng Sinh, Halloween,… đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, đem đến nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Song song với việc tiếp cận sự đa dạng từ nền văn hóa nước ngoài, những giá trị truyền thống của người Việt cũng cần được gìn giữ, phát huy. Cùng lắng nghe ý kiến người FTEL xung quanh câu chuyện giao lưu văn hóa trong thời buổi hội nhập này.

Vào mỗi dịp lễ hội Halloween, những con đưởng, góc phố lại trở nên nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu nhưng lại phảng phất một chút ma mị, kỳ quái bởi những quầy hàng bán đồ chơi, phụ kiện, quần áo. Halloween, trong tiếng Anh là từ viết tắt của từ “All Hallows’ Eve” – Đêm trước Lễ các Thánh.Trọng tâm theo truyền thống của Halloween xoay quanh chủ đề sử dụng "sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết". 

Trong nhiều năm trở lại đây, ngày lễ này bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam. Các hoạt động trong lễ hội Halloween không còn mang ý nghĩa tôn giáo mà mọi người đều coi đó là một lễ hội vui chơi với những bộ trang phục quái lạ, không gian trang trí huyền bí và được các bạn trẻ đón nhận rất nồng nhiệt. 

“Bé nhà mình giỏi lắm, biết hát bài Halloween luôn, cũng thường xuyên nhắc mẹ sắp đến lễ Halloween rồi, mẹ mua đồ cho con mặc để con tham gia biểu diễn ở trường” – chị Nguyễn Thị Tuyết (nhân viên Quản lý chất lượng, phòng Quy trình) chia sẻ về cảm nhận của bé trai nhà mình trong ngày Halloween sắp tới.

Không đơn thuần là lễ hội hóa trang, người tham dự có thể học được cách chia sẻ yêu thương. Điều làm nên giá trị của ngày lễ Halloween không phải ở bộ đồ hóa trang hay sự ma mị ở cảnh sắc trang trí mà là mang đến niềm vui cho mọi người không phân biệt lứa tuổi và không gian địa lý. “Bình thường mấy đứa trẻ hay sợ ma thì mục đích của ngày lễ Halloween đang hướng đến “sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết”, bọn trẻ được hòa nhịp cùng những trang phục hóa trang kinh dị sẽ cảm nhận được mọi thứ chẳng có gì đáng sợ hết”– chị Tuyết giải thích.

Là một nhân viên Marketing, việc nắm rõ các xu hướng và văn hóa là điều một điều cần thiết cho công việc. Tuy nhiên với anh Đinh Nguyễn Trường Khoa (Trung tâm Marketing), không khí lễ Halloween cũng khiến anh háo hức tham dự. Anh vẫn nhớ không khí đêm Halloween mà mình tham gia cách đây 5 năm trước tại công viên 23/9. Vào dịp ấy, khuôn viên được trang trí ma mị, hấp dẫn, mọi người tham dự hóa trang thành những nhân vật mình yêu thích, vui vẻ giao lưu và chụp ảnh lưu niệm. “Dù rằng địa điểm xưa đã không còn nhưng chắc năm nay, anh cũng sẽ tiếp tục vào những trung tâm thương mại để tham gia lễ hội cùng mọi người” -anh Khoa cười và nói. 

Việc tiếp thu những nét hay của văn hóa nước ngoài cũng tạo thêm nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt Nam. Nhưng dường như chúng ta quên mất một điều ở ta cũng có những ngày lễ tương tự, những ngày lễ truyền thống vô cùng đặc sắc như Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương hay Lễ Vu Lan,.. “Các bạn trẻ nên tìm hiểu về rõ về ý nghĩa của những ngày hội văn hóa của Việt Nam và nhờ vào sự rộng rãi của Internet để giới thiệu đến bạn bè nước ngoài những nét hay và đặc trưng” – Anh Khoa chia sẻ.

Bạn Nguyễn Phương Thảo (Phòng Tuyển dụng, Ban Nhân sự) cũng hoàn toàn đồng tình với anh Khoa rằng, việc du nhập văn hóa phương Tây, bao gồm những ngày lễ như Giáng Sinh, Halloween, Lễ Tạ Ơn,… là một điều rất hay, thú vị, và đó cũng là một điều vô cùng cần thiết: “Người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ luôn có mong muốn được mở mang hiểu biết về Văn hoá, con người nước ngoài nói chung và các nước phương Tây nói riêng; đôi khi chỉ cần nghe đến từ “Tây” cũng có thể kích thích sự tò mò của họ về một vấn đề nào đó”. Thảo cũng chia sẻ, việc hội nhập văn hóa sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị, giúp chúng ta thấy sinh động nhiều màu sắc hơn. “Những trải nghiệm đó giúp con người ta học hỏi và có cho riêng mình nhiều điều đáng trân quý”.

Tuy nhiên, Phương Thảo lo ngại rằng, sự hấp dẫn của những văn hóa mới lạ đến từ phương Tây sẽ khiến người Việt quên đi những truyền thống mà mình đang có. “Với quan điểm chủ quan, mình thấy phần lớn trong chúng ta vẫn giữ thói quen “có mới nới cũ”. Dù sao đi nữa, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mới là thứ nuôi dưỡng tâm hồn ta trưởng thành". Thảo khẳng định, Văn hóa phương Tây nên là những nét màu hiện đại, tô điểm vào bức tranh truyền thống, đem lại một sự hòa quyện hài hòa và làm cho cuộc sống của chúng ta thêm đẹp hơn. Ở chiều ngược lại, Phương Thảo tin rằng, việc phát triển du lịch sẽ là một cách hữu hiệu giúp quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới bên ngoài. “Hãy để những du khách trải nghiệm những nét truyền thống Việt Nam một cách đúng nghĩa và văn minh nhất. Họ sẽ gián tiếp chia sẻ về đất nước Việt Nam đến với quê hương họ”.

Cuối cùng, cô bạn tiết lộ, mình sẽ tham dự lễ hội Halloween cùng với bạn bè. “Mình biết Halloween là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm, nơi người ta dự tiệc hóa trang, đốt lửa, khắc bí ngô và cùng nhau xem phim hoặc kể các câu chuyện kinh dị. Mình chưa có cơ hội, nhưng năm nay, sẽ tham gia cùng bạn bè”– Phương Thảo kết luận.

Trịnh Thị Hương Giang (Công ty TNHH Hạ tầng Viễn thông miền Bắc – TIN) chia sẻ, bản thân mình cũng đã từng tham gia lễ hội Halloween ở trường đại học, được tổ chức bởi khoa quốc tế (nơi mà theo bạn, thường xuyên cập nhật những xu hướng mới để đem về giới thiệu cho sinh viên trường).  Bạn cũng hoàn toàn tin tưởng, việc các lễ hội Phương Tây du nhập vào Việt Nam là một điều tốt đẹp, bởi vì, “trong xã hội hiện nay, việc giao thoa văn hóa là chuyện bình thường và cần phải có. Mỗi một lễ hội đều có ý nghĩa của nó, mình hiểu về lễ hội của các quốc gia nghĩa là hiểu về văn hóa, con người của họ”. Cô gái thuộc phòng truyền thông cũng khẳng định, các lễ hội phương Tây như Giáng Sinh, Halloween,…khi được tổ chức tại Việt Nam sẽ là cầu nối giúp Việt Nam gần hơn với các quốc gia trên thế giới, và cũng là cách mà chúng ta làm phong phú đời sống văn hóa người Việt.

“Tuy nhiên, du nhập cũng cần có chọn lọc” – Hương Giang tiếp lời. “Có một thực tế là bây giờ chúng ta đang khá loạn lễ hội, loạn ngày kỷ niệm”. Đối với Việt Nam, để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, trước hết bản thân mỗi người Việt phải hiểu về văn hóa, và yêu văn hóa truyền thống của nước mình. “Bên cạnh đó còn là bài toán nâng tầm. Trước mắt là nâng tầm trong chính quốc gia, ví dụ, các lễ hội ngoài việc để người dân tự tổ chức, hãy nâng tầm thành lễ hội quốc gia, được tổ chức với quy mô toàn quốc. Như vậy, bản thân những khách du lịch đến với Việt Nam, họ cũng sẽ hiểu, và chính họ là những người sẽ quảng bá đối với những bạn bè quốc tế” – Hương Giang kết luận.

Việc du nhập lễ hội đồng nghĩa với việc tiếp xúc nền văn hóa ngoại là điềucần thiết, giúp mỗi chúng ta mở rộng tầm hiểu biết về thế giới mình đang sống, cũng như khiến cuộc sống mỗi người thêm phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, giữ gìn bản sắc truyền thống nước nhà cũng vô cùng quan trọng. “Hòa nhập, đừng hòa tan” – câu nói từ xa xưa vẫn còn nguyên giá trị đến tận bây giờ.

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img