iKhiến 2020: Chung kết khác lạ khép lại một năm đặc biệt

Hàng trăm người F tại trường quay và qua trực tuyến đã cùng ngất ngây niềm vui trong trận chung kết nhiều tiếng cười nhất lịch sử iKhiến.

Còn gần 2 giờ nữa Chung kết iKhiến mới chính thức khai màn, các cổ động viên (CĐV) FPT Telecom đã đổ bộ tầng 13 FPT Building trong bộ đồng phục rực sắc cam, “xâm chiếm” toàn bộ ghế ngồi. Phải chờ đợi 2 năm mới được quay lại tầng 13 cổ vũ “gà nhà” đấu chung kết iKhiến, đội cổ vũ Viễn thông FPT vẫn bài bản như thường lệ nhưng độ “máu lửa” đã tăng hơn vài phần.

Bông kim tuyến, băng rôn, logo cầm tay, khẩu hiêu, gậy cổ động, vòng tay phát sáng… Lực lượng cổ động FPT Telecom như “kéo” cả một cửa hàng dụng cụ cổ động đến chương trình. Kèn trống tưng bừng đúng theo nghĩa đen, họ khấp khởi chờ đợi từng phút đến giờ “mở hội”.

Giữa lúc trường quay không còn chỗ trống nào cho CĐV FPT Software thì đoàn quân Phần mềm kéo đến. Tầng 13 FPT Building lại thêm một lần “chao đảo”, tưởng chừng vỡ trận thì anh Lê Hồng Quân – Trường phòng Văn hóa Đoàn thể FPT Software Cầu Giấy – đứng lên cùng ban tổ chức “dẹp loạn”. Phần lớn ghế ngồi được rút bớt, chỉ giữ lại vài hàng đại diện. Hai đội cổ động đồng lòng làm theo và người Phần mềm đã có thể trưng ra dàn dụng cụ cổ động phong phú của riêng mình.

Để phục vụ các đội chơi và dàn CĐV “nạp năng lượng”, BTC đã bố trí một khu vực tea break. Thế nhưng chỉ sau ít phút, các bàn đầy bánh ngọt và hoa quả “tan hoang” một cách chóng vánh sau sự càn quét của hàng trăm người. Đội cổ vũ từ hai đơn vị nhanh chóng ổn định vị trí, trang bị dụng cụ sẵn sàng tiếp lửa cho chương trình.

Giờ G đã điểm. MC “ruột” của chương trình – anh Hoàng Cao Chung xuất hiện trên sân khấu với nụ cười tươi thường trực. Ở dưới, khán trường chật cứng người F hò reo.

Mở đầu đêm gala, chương trình điểm lại những ấn tượng của mùa iKhiến năm nay. “Xuất phát” muộn hơn mọi năm, lại chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng chương trình lại nhận về tới 685 hồ sơ chỉ trong hơn 4 tháng. Theo anh Hoàng Cao Chung, những gì diễn ra trong năm đặc biệt này đã vượt khỏi mọi kỳ vọng của BTC, bởi họ “chỉ mong có khoảng 150 sáng kiến gửi về là đã mãn nguyện rồi”.

Chia sẻ về những điểm nổi bật của mùa iKhiến này, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Khoa cho rằng riêng số lượng sáng kiến BTC nhận được lên đến 683 đã nói lên một điều: lúc khó khăn nhất là lúc tinh thần FPT được bộc lộ. “Chúng tôi hạnh phúc khi tinh thần này được các bạn trẻ thể hiện và giữ được ngọn lửa đó suốt 5 tháng qua”, anh xúc động.

Đề cập giải thưởng, anh Khoa nhắc lại về “lời hẹn” trao cho đội nhất iKhiến mùa 4 một ô tô Vios trị giá 500 triệu. Nhưng khi Covid-19 xảy ra, làm lại chính sách thì các lãnh đạo nhận thấy giải thưởng này “khó chia”, nên cần có cách khác để CBNV gắn kết với công ty nhiều hơn và được hưởng những thành quả của chính mình nhiều hơn. Và từ đó, chính sách khuyến khích sáng tạo ra đời. “Hãy để sản phẩm chạy trong FPT, giúp ích cho công việc thường ngày, hay nhân rộng ra bên ngoài, cung cấp cho thị trường những sản phẩm Made by FPT. Sản phẩm còn mang lại hiệu quả thì các bạn còn nhận được lợi ích từ nó. Đây là bước đi hướng tới sự gắn kết lâu dài”.

Anh Khoa cũng gửi lời cảm ơn những người đã “cầm cân nảy mực” các chung khảo iKhiến thời gian qua, khi đã không quản áp lực và thiếu thốn thời gian để đồng hành các đội thi, mang lại thành công cho chương trình.

Sau màn tri ân các giám khảo iKhiến của 4 số chung khảo, MC tiết lộ, điểm khác biệt của chương trình so với mọi năm là ngoài 5 vị giám khảo có mặt tại trường quay, chương trình còn 1 “giám khảo” nữa, đó chính là toàn bộ khán giả nhà F với những lượt vote cá nhân qua chatbot. 500 bình chọn được tính là 1 điểm và 5000 votes trở lên được tính thang điểm 10 cho đội thi. Ngoài ra, thời gian nhận xét của giám khảo sau vòng đầu tiên – Thuyết trình và Phản biện đối thủ – cũng được rút bớt bằng việc sử dụng emoji để thể hiện cảm xúc.

Tiếp đến là phần luôn được đón chờ của chung kết: CEO FPT chỉ định 5 thành viên Hội đồng giám khảo. Người đầu tiên là “cha đẻ” iKhiến – Phó Chủ tịch HĐQT FPT Bùi Quang Ngọc. Người thứ hai là nhân vật “cầm tiền” của FPT – Phó TGĐ Nguyễn Thế Phương. Giám khảo số 3 là một gương mặt uyên thâm – một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho iKhiến, anh Phan Phương Đạt. Giám khảo tiếp theo là GĐ Công nghệ nhà F Vũ Anh Tú. Và thành viên cuối cùng, không ai khác là anh Nguyễn Văn Khoa.

18h30, đại diện hai đội akaAT Studio và Customer insight Platform (CIP) tiến lên sân khấu bốc thăm. akaAT Studio là đội thi đấu đầu tiên.

Nguyễn Duy Vinh từ tốn khởi động phần thuyết trình sản phẩm. “Cuộc chơi đi hơi xa, hơn những thứ mà ta từng mơ về”. Anh bắt đầu phần thi bằng một câu rap hợp thời. Tác giả akaAT cho biết nhờ iKhiến anh mới tìm hiểu nghiêm túc về thị trường automation test (kiểm thử tự động) – rất rộng lớn và hấp dẫn.

Không quen nói trước đám đông, Nguyễn Duy Vinh giữ âm lượng hơi nhỏ, nhưng càng nói, anh càng thả lỏng và nhận được sự cổ vũ nhiệt thành từ toàn bộ khán giả bởi sự hài hước chân thật của mình. Theo Vinh, sản phẩm của anh và cộng sự hướng tới cộng đồng 1 triệu người dùng năm 2021 và top 10 sản phẩm phổ biến nhất trong mảng automation test.

Có nhiều cơ hội làm việc với các khách hàng trong và ngoài nhà F chỉ sau vài tháng triển khai, akaAT mang đến bằng chứng cho hiệu quả sản phẩm là video tổng hợp những lời khen ngợi từ người dùng dành cho giá trị mà sản phẩm mang lại. Thời lượng 10 phút không cho phép trình chiếu hết video, anh Vinh bèn “xin” 1 phút “khoe” món quà giáng sinh từ COO của khách hàng Phần Lan là lời chào FPT và lời cảm ơn akaAT. Tò mò và thú vị trước đề nghị này, BGK đồng ý.

Trình bày xong, Nguyễn Duy Vinh xuống thẳng khỏi sân khấu mà quên mất đúc kết sản phẩm trong 7 từ. MC Hoàng Cao Chung “than vãn”: “4 mùa iKhiến tôi chưa thấy phần trình bày nào đủng đỉnh thong thả như thế này”. Cả hội trường cười vang.

Không cần đến 7 từ, anh Vinh chỉ cần 3: Quality at speed. Khẳng định chất lượng của akaAT nằm ở tốc độ, nói xong, anh lại ngay lập tức rời sân khấu. Được MC gọi lại lần nữa để đến phần hỏi đáp với đội CIP, NDV gãi đầu cười hiền lành. Những phản ứng của Vinh “tàu ngầm” đặc sệt chất dân công nghệ nói ít làm nhiều khiến giám khảo và khán giả cười không ngớt.

Đến với phần “hỏi xoáy” đối thủ diễn ra trong 5 phút, CIP nhanh chóng đặt ra câu hỏi nhưng lại bị sự đủng đỉnh của Nguyễn Duy Vinh làm chậm nhịp. Sau câu hỏi khá dài về giá trị cốt lõi để cạnh tranh mà anh Vinh “quên mất”, anh khẳng định thị trường AT là 1 thị trường tiêu hao, và akaAT chứng minh giá trị dần dần bằng cách kết hợp cùng các sản phẩm aka khác của FPT Software. Phần hòi đáp tiếp tục mang đến rất nhiều tiếng cười cho hội trường khi anh Vinh lại một lần nữa quên câu hỏi của CIP, nhưng vẫn bắt kịp để giải đáp qua về tính cạnh tranh của akaAT.

Khẳng định sản phẩm không hề lép vế trước các đối thủ, bởi “lý do rất hay nhưng mình lại quên mất rồi”, Nguyễn Duy Vinh lại khiến BGK và khán giả bùng nổ những tiếng cười và vỗ tay. Rất nhiều like và tim được thả cho sự vụng về thật thà của người đứng đầu đội thi từ FPT Software. Những tiếng hô “Đủng đỉnh” làm dậy sóng cả một phía khán phòng.

Phong cách khác hẳn Nguyễn Duy Vinh, với sự nghiêm túc và bình tĩnh, anh Nguyễn Văn Lành trình bày về CIP rất rành mạch. Không quá khác biệt so với vòng bán kết, nhưng phần giới thiệu của anh Lành vẫn mang đến sự dễ chịu cho người theo dõi bởi thông tin cụ thể, rõ ràng.

Đại diện Trung tâm Chăm sóc khách hàng FPT Telecom, chị Võ Hoàng Thiên Ái cho biết CIP đã giúp ích cho bộ phận rất nhiều, từ chăm sóc KH kịp thời, hỗ trợ bán hàng, đến nâng cao năng suất CSKH. Đặc biệt, sản phẩm giúp mang lại tổng doanh thu “khủng” 88 tỷ đồng từ khi áp dụng. Con số này tiếp tục tăng kể từ sau bán kết iKhiến (79 tỷ).

Đội CIP kết thúc nhanh gọn phần trình bày mà vẫn còn thừa hơn 1 phút, kịp đính kèm cả phần đúc kết sản phẩm trong 7 chữ: CIP – Vũ khí cho mọi doanh nghiệp. Dùng thêm 24s để tóm tắt lại về sản phẩm, Nguyễn Văn Lành lại khiến hội trường giòn giã những tràng vỗ tay và giám khảo gật gù bởi căn thời gian rất chuẩn.

Tới phần phản biện dành cho CIP, FPT Software thay đổi phong cách “đủng đỉnh” khi để chị Nguyễn Thị Phương Thúy dồn dập đặt ra những câu hỏi. Thắc mắc về tính bảo mật được các thành viên CIP giải đáp trơn tru. Khi nhận câu hỏi về khả năng cạnh tranh trước các đối thủ sừng sỏ trên thị trường, Nguyễn Văn Lành khẳng định đối tượng khách hàng của CIP nằm ở mảng viễn thông và rất khó so sánh, có chăng sẽ cần kết hợp giữa các nền tảng để giải những bài toán cho khách hàng nằm ngoài mảng này.

Kết thúc phần đầu đầy sôi nổi, hai đội tiến đến vòng 2: Phản biện trước BGK. Bắt đầu với CIP, anh Bùi Quang Ngọc rất háo hức đặt ra những câu hỏi. “Phải chăng chữ ‘platform’ ở tên sản phẩm không chuẩn? Tôi có cảm giác đây là ứng dụng hơn là platform”, anh “phủ đầu” đội chơi. Thừa nhận “hơi rối” trước sự quan tâm của anh Ngọc, Nguyễn Văn Lành đáp “Team định nghĩa sản phẩm là platform vì tập hợp tính năng để hỗ trợ, khai thác để đem lại giá trị khác”. Không hài lòng, anh Ngọc vẫn lắc đầu cho rằng đây không phải nền tảng.

Trước câu hỏi của anh Phan Phương Đạt về mô hình xử lý data của CIP có dựa trên lý thuyết nào không, đội thi hơi bối rối và phải bàn luận khá nhiều. Anh Nguyễn Thành Công sau đó cho biết anh Lành chính là tác giả của lý thuyết 3 lớp information-knowledge-wisdom mà CIP ứng dụng.

PTGĐ Nguyễn Thế Phương lại muốn biết về giá trị tâm đắc nhất của CIP và trong 3 năm tới hiệu quả sản phẩm quy đổi ra con số như thế nào. Đội thi nhanh chóng đáp: “Chăm sóc khách hàng và bán hàng đan chéo với nhau là giá trị CIP tâm đắc nhất. Doanh thu dự kiến năm tới không dưới 191 tỷ đồng”.

Ấn tượng trước kết quả mà CIP mang lại, anh Phương đề nghị lãnh đạo FPT Telecom áp dụng ngay chính sách thưởng 10% hiệu quả kinh doanh cho đội. Cả hội trường reo vang phấn khích.

Đến lượt akaAT Studio đối mặt BGK, Nguyễn Duy Vinh “rào trước” xin trả lời từng câu hỏi một, vì “sợ” anh Bùi Quang Ngọc hỏi dồn dập. Anh Phan Phương Đạt yêu cầu đội kể về sự cố kỹ thuật đáng nhớ nhất. Anh Vinh cho biết, tính năng recorder cho web của sản phẩm khá dễ nhưng làm cho mobile có nhiều platform thì chưa xử lý được hết, bởi đó không phải thế mạnh của đội – những người kiểm thử tự trang bị kỹ năng lập trình. “akaAT đã vượt qua bằng cách mời anh em có kỹ năng mobile để xử lý cùng”.

Giám khảo Nguyễn Thế Phương thắc mắc về cách sản phẩm hợp lực với các sản phẩm aka khác. Đội chơi chia sẻ đây cũng là nội dung họ mong đợi giới thiệu mà chưa có thời gian. “Hệ sinh thái aka có rất nhiều sản phẩm đã rất ‘chín’. Ví dụ, akaAT tận dụng lợi thế akaBot, học hỏi từ đó về mặt kỹ thuật, đồng thời bổ sung cho các bạn về phần testing. còn với akaWork, akaSafe thì hoàn thiện mô hình DevSecOps (tự động hóa quá trình chuyển giao sản phẩm phần mềm và thay đổi kiến trúc hệ thống). Trong hệ sinh thái aka thì không có lý do gì để không kết hợp”, Nguyễn Duy Vinh khẳng định.

Anh Bùi Quang Ngọc bày tỏ sự “tò mò” về sự khác biệt của sản phẩm. Nguyễn Duy Vinh cho biết akaAT Studio khác biệt ở chỗ trực tiếp làm, tự làm, với giá trị là tinh thần vượt khó. Câu trả lời được đánh giá là lạc đề nhưng vẫn nhận được nhiều “tim” từ các giám khảo.

“Cướp diễn đàn” để chia sẻ cảm xúc, Phó Chủ tịch FPT Software Trần Đăng Hòa khiến cả khán phòng ồ lên xúc động khi cảm ơn iKhiến đã giúp nhà Phần mềm tìm ra một viên kim cương là akaAT. “Năm ngoái akaBot được giải và đã được dồn rất nhiều nguồn lực bởi khai thác hướng đi mới là RPA. Còn akaAT thì chúng tôi ban đầu quan niệm là công cụ automation test có nhiều rồi, làm làm gì cho tốn thời gian, và không cấp cho team xu nào, để anh em tự xoay xở. Nhưng rồi vô cùng ngạc nhiên bởi hết khách hàng này đến khách hàng kia tìm đến”, anh nhắn gửi và khẳng định dù nhất hay nhì thì năm tới akaAT cũng sẽ được đơn vị đầu tư. Trên sân khấu, Nguyễn Duy Vinh và đồng đội nở nụ cười vui sướng, cảm động.

Kết thúc phần play-off là lễ trao giải phụ. Theo đó, giải thưởng “Đơn vị có nhiều sáng tạo nhất” được trao cho FPT Software với 507 sáng tạo gửi về. Giải thưởng “Sáng tạo có vote nhiều nhất trên mạng xã hội” thuộc về chính đội thi CIP. Và giải cho đội cổ vũ thể hiện “năng lực yếu kém” của BTC khi có đến hai chủ nhân là FPT Software và FPT Telecom.

Bước lên sân khấu chuẩn bị trao giải, anh Bùi Quang Ngọc cho rằng Covid-19 đã không làm iKhiến đi xuống. “Các sản phẩm đi vào chung kết luôn có tính thực tiễn rất cao. Đó là điều hết sức trân trọng, vừa khoa học vừa thực tiễn, đúng phong cách FPT”, anh nhận định.

“Tính sáng tạo là điểm cốt lõi của một công ty công nghệ. Với tư cách sáng lập viên, Phó Chủ tịch HĐQT, tôi rất tin tưởng tinh thần sáng tạo đó sẽ làm cho FPT phát triển và trường tồn”, anh Ngọc đanh thép trong tiếng vỗ tay vang dội và khẳng định mình có thể “chém tiếp” đến 12h đêm.

Nếu như năm trước chung kết sử dụng drone “hoành tráng”, thì năm nay iKhiến quay về cách trao giải truyền thống, thậm chí rất “dung dị” đúng tinh thần bình thường mới: thông báo kết quả trên giấy, thậm chí tên Quán quân được viết tay. Và đội được anh Bùi Quang Ngọc xướng tên là Customer insight Platform từ FPT Telecom. Với tổng điểm từ BGK và bình chọn là 51,67, CIP lên ngôi xứng đáng, nhận 100 triệu đồng từ BTC và 100 triệu đồng từ công ty chủ quản. Nhận 43,97 điểm, akaAT Studio “đủng đỉnh” về nhì nhưng đã tạo dấu ấn khó phai trong BGK cũng như toàn bộ khán giả bởi phong cách chơi “chưa từng thấy” trong lịch sử iKhiến, thoải mái, không ganh đua và rất đỗi chân thành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây