Cái hay của “thương” chính là sự bao dung, độ lượng. Tình yêu thuần túy nhiều khi gây ra khổ đau triền miên vì trong thâm tâm ta đã xuất hiện ý niệm chiếm hữu. Thương thì khác.
Vì mù đường xá nên sáng nay tôi bắt taxi đến sân bóng Công an để cổ vũ cho đội bóng công ty. Trên đường đi, tôi và anh tài xế nói chuyện phiếm để… giết giờ. Không biết trò chuyện lan man thế nào, anh kể ngày xưa hai quen hai cô cùng một lúc. Một cô anh thương và một cô anh yêu. Tôi tò mò hỏi: “Anh ơi, ở trong miền Nam người ta hay dùng từ thương, “anh thương em”, “em thương anh”… em thấy hay hay. Vậy thương này có gì khác với yêu? Nó thua yêu một bậc hay sao anh?”.
“Em nhầm rồi. Thương là cao hơn yêu đó”, anh nói. “Yêu là lúc nào em cũng muốn được đáp lại, được sỡ hữu 100% người ta. Nhiều khi em chưa hiểu gì về họ em cũng có thể yêu. Còn thương hay lắm em, em hiểu, em chấp nhận hết, không cần đáp lại, dù không gặp họ em vẫn thương.
“Ôi rắc rối quá anh ơi”, tôi cười khì khì.
Trên suốt dọc đường đi tôi trộm nghĩ, có lẽ do mảnh đất Nam bộ từ xưa đến nay đất đai trù phú, màu mỡ, con người sống rất hào hiệp và nghĩa tình nên họ đã mang cái tấm lòng rộng lượng, trượng nghĩa ấy để đối đãi với tình yêu?
Bất giác tôi cảm thấy, “thương” có lẽ là một thứ tình cảm quân tử và đáng trân quý mà con người ta có thể trao cho người yêu. Bởi thương được xây trên nền tảng của sự hiểu. Đã hiểu rồi, đã chấp nhận được rồi… thì mai này có gió to, mưa lớn, giấc mơ tan vỡ hay vạn điều bất xứng ý… ta vẫn có thể bình thản đón nhận.
Cái hay của “thương” chính là sự bao dung, độ lượng. Tình yêu thuần túy nhiều khi gây ra khổ đau triền miên vì trong thâm tâm ta đã xuất hiện ý niệm chiếm hữu. Thương thì khác, đó là một thứ tình cảm trao ra vô điều kiện, không ràng buộc, không bắt bản thân phải có được bằng mọi giá… Đôi khi, chỉ cần biết người mình tận thương mến vẫn còn đó, vẫn hít thở dưới cùng một bầu trời với ta. Vậy cũng đã là “Xin đủ cho một đời”.
“Có hiểu mới có thương. Tình yêu phải được xây dựng trên cơ sở của sự hiểu biết”. Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.
Khi ta ở trong một tình yêu say mê và mù quáng, ta không thấy gì được ngoài người mình yêu. Và cũng vì thế có đôi lần ta làm họ tổn thương vì đòi hỏi được nhận lại một tình cảm vô biên và tuyệt đích. Trong cõi đời này, nhân danh tình yêu, người ta làm khổ nhau. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.
Xin hãy thử một lần, trong khoảnh khắc nào đó, cố vượt lên trên tình yêu thuần túy đó.
Phải, xin hãy thử một lần nghiêng đời xuống nhìn lại mối tình của mình như một lữ khách đứng từ trên núi cao nhìn xuống nhân gian với con mắt vô vi và công bình nhất.
Rồi anh tự vấn mình: Ta yêu người kia vì ta muốn có một thứ tình cảm thương yêu gần gũi cho bản thân mình hay ta yêu người ấy vì đơn giản ta muốn họ có thêm nguồn vui, hạnh phúc từ ta? Ta vẫn đi bên cạnh cuộc đời, bên cạnh người tình của mình. Song, đã bao giờ hiểu được những nỗi đời sâu kín, những đớn đau, dằn vặt… của thân phận người mình yêu?
Tự vấn như vậy nhiều khi cũng là bắt bí con tim quá. Thôi thì, lữ khách đứng trên đỉnh núi cao cao ấy xin hãy lắng lòng nghe một câu kinh tình yêu thưở trước: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng, chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.