15/04/2016 – Nếu đầy đủ quá, đôi khi người ta lại lười suy nghĩ, lười tìm tòi ra những điều mới mẻ hoặc lười cả sự sáng tạo. Để rồi, khi gặp khó khăn, chúng ta lại loay hoay trong mớ công cụ có sẵn nhưng chẳng biết nên làm gì.
Có điện thoại, cuộc gọi của một "ông anh" gọi tôi đi ăn trưa cùng đối tác của anh ấy. Tôi vội vã chạy xuống sảnh, trong lòng mừng thầm vì được sếp dẫn đi đây đó, điều mà tôi rất muốn để được nghe lỏm những vấn đề người ta bàn nhau, người ta nói với nhau mà tích góp dần vào kho kinh nghiệm, vì cái tuổi trẻ của bản thân dần dần thu hẹp đi rồi.
Thì ra tôi vội vã vô ích!
"Ông anh" bận việc nên vẫn chưa xuống. Thế thì thôi, mình có chút thời gian nhìn hoa-cỏ-mây-trời giữa cái nắng chang chang của buổi trưa. Nghĩ là làm, tôi đứng nhìn xung quanh tứ phía xem có gì có thể làm mình thấy thú vị trong khoảng thời-gian-chờ này không.
Có lẽ trời thương!
Chưa đầy một-phần-mười-giây tôi đã tìm ra được cái làm mình phấn khích – đó là cây trứng cá bên cạnh chốt bảo vệ.
Tiến đến gần và như một thói quen, tôi lấy điện thoại ra chụp ngay bông hoa trắng tinh khôi đang bung cánh, và phía sau là tán lá thưa thớt để ánh nắng ban trưa lọt qua tạo nên hiệu ứng bokeh mê hoặc kẻ đang tập tành chơi ảnh như tôi.
Bất chợt, đầu óc như say nắng mơ màng về những kỷ niệm ngày xưa.
Tôi nhớ thời tiểu học, khi đó quê tôi rộ lên mốt trồng cây trứng cá phủ mát sân nhà. Và đó cũng là khi đám trẻ con chúng tôi bắt đầu tìm cách hái những trái chín đỏ mọng, thơm ngào ngạt mang tên trái trứng cá tận hưởng như của trời ban.
Kẻ thì tìm những cành tre thật dài rồi buộc thêm sợi dây kẽm để hái, đứa thông minh hơn làm rọ lưới để khi giật hái trái không bị rơi xuống đất vỡ dập, còn người liều lĩnh leo lên tận ngọn cây nằm dài trên đó và vừa với tay hái những quả chín cho vào miệng, vừa lim dim trưa hè đầy thú vị của tuổi thơ.
Tôi giật mình tỉnh giấc mơ xa xôi để lên xe di chuyển cùng sếp và những người bạn của anh ấy. Trên đường đi là những câu chuyện về công việc, tôi ngồi nghe và lâu lâu cũng phụ họa vào được mấy câu như một kẻ cô đơn sợ mình bị lãng quên giữa sa mạc.
Rồi sau những vấn đề công việc, họ lại bàn đến… công việc. Kể cũng lạ, hình như công việc nó chiếm đến 99% bộ não của họ thay cho nước rồi thì phải, ngoài công việc ra họ chẳng bàn đến cái gì khác.
Họ nói về thiếu đủ trong công việc, nói về kẻ thiếu người thừa, và cả những "sự thật hiển nhiên" rằng cuộc sống đôi khi dư giả khiến con người ta lười sáng tạo.
Tôi lại rơi vào giấc mơ màng của quá khứ về trái trứng cá còn dang dở lúc nãy kia.
Không phải vì tôi chán ngán những câu chuyện của họ đâu, ngay từ đầu tôi bảo tôi thèm khát thông tin mà. Nhưng điều làm tôi rơi vào giấc mơ cũ chính là vấn đề thiếu đủ mà họ đang trò chuyện.
Tôi nhớ, thuở ấy, đám trẻ con như chúng tôi lấy đâu ra trái cây đầy chợ như bây giờ. Khi đó chỉ có vài ba cây mít, mấy cây đu đủ sau vườn, nhưng những trái ấy hiếm khi đến mùa, và hiếm khi được ăn. Thế nên trái trứng cá thơm ngọt kia chính là trái cây của chúng tôi mỗi ngày.
Còn bây giờ, khi mà hầu như trẻ con đều chẳng thèm ăn bánh trái, vì đã quá dư rồi, có khi trái cây thờ cúng tổ tiên đem xuống để vài ba hôm là hư và đem bỏ đi dù tiếc đó nhưng lại chẳng ai động đến. Vậy nên, trẻ con bây giờ đâu còn tìm mấy cành tre để buộc lại khều trái trứng cá, đâu có mấy đứa liều lĩnh trèo lên cành cao để với tay hái quả ngọt tận hưởng cùng với gió trời và nhìn xuống đám khều hái dưới đất kia.
Cuộc sống thường là thế, nếu đầy đủ điều kiện quá, đôi khi người ta lại lười suy nghĩ, lười tìm tòi ra những điều mới mẻ hoặc lười cả sự sáng tạo. Để rồi, khi gặp khó khăn, chúng ta lại loay hoay trong mớ công cụ có sẵn nhưng chẳng biết nên làm gì.
Tuy vậy, vẫn đâu đó còn người giữ cho mình sự yêu thích sáng tạo, giữ cho mình sự tìm tòi phát triển trong công việc, dù xung quanh luôn ngập tràn những dư giả của cuộc sống hiện đại.
Vậy, bạn là ai trong số họ? Kẻ chọn cho mình sự an phận ngày qua tháng lại bên mớ dư giả chẳng mấy khi xài, hay người quyết tâm bứt phá để một ngày nào đó sẽ ngồi trên ngọn để với tay hái những quả ngọt quanh mình?
Ranh giới giữa chưa đủ và chưa thấy đủ là mong manh lắm, bạn hãy thử suy nghĩ xem mình có phải là kẻ dư giả nhưng không tận dụng hay vẫn là kẻ còn thiếu nhiều. Để từ đó chọn cho mình lối rẽ của bản thân.