Những lựa chọn quyết định của Truyền hình FPT

Cứ như định mệnh, khoảng 2-3 năm tôi được điều chuyển vị trí công tác một lần, lần nào cũng vào các đấu trường cam go. Đầu năm 2013, toàn thể cán bộ quản lý nhận được email từ chị Chu Thanh Hà – Nguyên Chủ tịch HĐQT của FTEL thông báo về việc FTEL có được giấy phép kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp (Cable TV), đại loại giống như SCTV đang kinh doanh bán buôn.

Xem qua email, cảm xúc của tôi dâng trào vì trong mail chị HàCT chia sẻ rất nhiều thông tin về chặng đường gian khổ của đội làm dự án xin giấy phép này, về tương lai, về cơ hội to lớn của FTEL khi có được tờ giấy phép này, tương lai của mỗi con người FTEL.

Khi đó tôi đang là Giám đốc Ban đường trục (PMB), về cơ bản công việc chẳng liên quan gì đến tờ giấy phép đấy, nhưng đã là người FTEL thì tôi vẫn luôn quan tâm sát sao đến các diễn tiếncủa công ty. Thời điểm đó, từ đơn vị kỹ thuật đến đơn vị kinh doanh, đâu đâu cũng rần rần không khí nghiên cứu dịch vụ truyền hình, phương án kinh doanh truyền hình, các cuộc họp của Ban LĐ diễn ra liên tục, cái không khí ấy làm tôi cũng nôn nao khôn xiết.

Không khí ồn ào đó chính là bối cảnh cho việc tôi được điều chuyển công việc, từ phụ trách Dự án Ban đường trục, BĐH tin tưởng giao cho cho tôi phụ trách Dự án dịch vụ truyền hình, một lĩnh vực hoàn toàn khác với chuyên môn của tôi. Thật tình thời điểm đấy, tôi chẳng hứng thú chút nào khi tiếp nhận nhiệm vụ mới này nhưng “Quân lệnh như sơn!”.

1. Cable TV hay IPTV

Sau màn chia tay hoành tráng của tôi và ban Đường trục, tôi bắt tay vào công việc của Dự án truyền hình.Theo truyền thống của những dự án trước,vạn sự khời đầu nan, vào giai đoạn đầu của mỗi dự án, tôi phải tập trung toàn bộ thời gian, trí lực, sức lực để tìm hiểu, nghiên cứu, lên kế hoạch triển khai công việc mới.

Tiếp nhận Trung tâm kinh doanh IPTV cũ (Sản phẩm OneTV) cùng tờ giấy phép kinh doanh truyền hình cáp (Cable TV). Sau vài tháng phối hợp với các đơn vị nghiên cứu các thể loại mô hình kinh doanh dịch vụ truyền hình, càng nghiên cứu tôi và anh em càng thấy bế tắc về mô hình kinh doanh. Mọi người đều băn khoăn về khả năng triển khai mới hạ tầng cáp đồng trục (coxial) song song với hạ tầng cáp đồng, cáp quang hiện hữu, rồi năng lực quản lý vận hành, rồi hiệu quả kinh doanh. Rất nhiều thứ phát sinh và sau cùng chúng tôi phải đứng trước lựa chọn có triển khai kinh doanh truyền hình cáp hay không?

Hàng loạt buổi họp được tổ chức để thảo luận mô hình kinh doanh truyền hình cáp với sự tham gia chỉ đạo của anh KhoaNV (nguyên TGĐ FTEL).Có những buổi họp diễn ra hết sức căng thẳng và những trận tranh cãi vô cùng quyết liệt giữa tôi và các đơn vị, đôi khi chúng tôi tranh luận với nhau đến đỏ mặt tía tai, chỉ để bảo vệ được quan điểm phải triển khai kinh doanh truyền hình cáp (Cable TV).

Sau bao trận chiến quyết liệt của tôi thế mà kết luận cuối cùng của anh KhoaNV là ngưng triển khai giấy phép truyền hình cáp, tập trung vào kinh doanh dịch vụ IPTV (tiền thân Truyền hình FPT).

Sau trận chiến cuối cùng ấy, các đơn vị đều thấy sung sướng vì không phải nghiên cứu dự án kinh doanh truyền hình cáp nữa, tiếp tục làm những gì đang làm (tức là tiếp tục bán sản phẩm One TV). Chỉ riêng tôi là không vui chút nào và mất luôn những hứng thú ban đầu khi nhận việc này.Tôi gặp riêng anh Linh (PGĐ FTEL) xin từ chức và rút lui khỏi dự án vì làm như cũ thì đâu cần mình làm gì!

Giờ nghĩ lại phải công nhận rằng chị HàCT, anh KhoaNV đã đưa ra quyết định thật sáng suốt trong cuộc họp cuối cùng ấy.

2. OneTV hay Truyền Hình FPT

Phụ trách Trung tâm IPTV (lúc đó anh ThịnhBT và QuyNK đang là PGĐ Trung tâm) với thiết bị HDBox hiện có, tôi cứ nghĩ không phải làm gì, cứ từ từ triển khai công việc. Nhưng mọi thứ không như những gì mình nghĩ, càng tìm hiểu kỹ công việc,tôi càng thấy hứng thú với sản phẩm IPTV và vô cùng thích thú khi phát hiện ra rằng hoá ra dịch vụ IPTV là dịch vụ tuyệt vời mà bấy lâu nay nó đang yên giấc ngủ ngon.

Cảm xúc đấy đã thúc đẩy tôi, tạo hưng phấn cho tôi để bắt tay định hướng cho những ý tưởng của mình trở thành hiện thực.Tôi đặt ra mục tiêu rất lớn:đó là biến sản phẩm hiện có – OneTV thành sản phẩm Truyền hình thực thụ, một sản phẩm giải trí đúng với thế mạnh tiềm ẩn vốn có của nó và người người nhà nhà sẽ săn tìm sản phẩm này để trang bị trong căn nhà của mình.

Lúc đấy, ngoài anh Phạm Anh Tuấn (TuanPA), dự án của tôi được tăng cường thêm nữ tướng đến từ FTI là chị Tô Nam Phương (PhươngTN), người trực tiếp hỗ trợ và lo về mảng nội dung, kinh doanh và thương hiệu.

Khi quyết định chọn tên cho sản phẩm dịch vụ truyền hình, chị PhươngTN đã phải rất nhiều lần gọi cho tôi chỉ để xác nhận cho chắc rằng có quyết tâm đổi tên gọi thành Truyền hình FPT hay vẫn giữ OneTV (vì dù sao sản phẩm OneTV đã được bán trên thị trường nhiều năm trước đó). Dĩ nhiên, thời điểm đấy ngoài tên gọi Truyền hình FPT còn có nhiều cái tên khác được đặt lên bàn cân như FPT TV, Truyền hình, FPT Tivi… Và cuối cùng chúng tôi quyết định chọn tên cho dịch vụ của mình là Truyền hình FPT.

Hàng loạt các hoạt động cho chiến dịch đăng ký thương hiệu, xây dựng logo, tên sản phẩm,hàng loạt hoạt động đào tạo diễn ra trên phạm vi toàn quốc chỉ với mục đích làm cho mọi người trong nhà FTEL rõ rằng:Truyền hình FPT không bán “Thiết bị HD Box” mà chúng ta đi bán “Dịch vụ truyền hình” và HD Box là thiết bị của dịch vụ…

Oài! thay đổi này hết sức vất vả và công phu, nhưng nhờ quyết liệt thay đổi này mà chúng tôi đã thuận lợi hơn cho công tác truyền thông sau này và giờ đây ở Việt Nam, mọi người đã ít nhiều biết đến FPT có sản phẩm dịch vụ truyền hình và nó đang len lỏi hiện diện trong nhiều hộ gia đình trên khắp mọi miền đất nước.

Ngoài tên gọi sản phẩm dịch vụ, logo hiển thị trên các kênh truyền hình cũng là điều thật kỳ công. Đa số mọi người chỉ nghĩ đơn giản là hiển thị logo FPT lên kênh truyền hình theo đúng quy định của Nhà nước là xong. Nhưng cá nhân tôi lại nhận định rằng logo hiển thị trên kênh truyền hình lúc khách hàng xem tivi là cơ hội để quảng bá sản phẩm rất tốt, nên tôi đã rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn hình ảnh hiển thị, vị trí hiển thị.

Khi đó team thiết kế sản phẩm, trong đó có bạn An (giờ là nhân viên thiết kế thuộc team của SơnNT49) và team hệ thống (HE) của Chánh HT đã vô cùng vất vả (phải nói là vật vã) phối hợp với tôi cùng kiểm tra chất lượng hình ảnh, vị trí logo hiển thị trên màn hình. Tôi liên tục yêu cầu anh em đưa logo lên màn hình kiểm tra rồi hạ xuống. Hành động này cứ lặp đi lặp lại liên tục vào mọi thời điểm trong ngày và kéo dài hơn tháng trời.

Công việc vất vả đến nỗi anh em đã gọi tôi với cái tên rất buồn cười là Tuấn Logo (giờ logo đã yên vị, nên không ai gọi tôi bằng tên này nữa). Giờ đây khi các bạn và khách hàng xem truyền hình FPT sẽ thấy logo FPT trên các góc cao/thấp của màn hình nhưng đâu biết rằng đó là kết quả của tình yêu, tình cảm, tâm huyết, và biết bao nhiêu công sức của chúng tôi đổ vào đấy!

3. TV Only hay Combo (Internet + Truyền hình)

Trở lại thời kỳ đầu của sản phẩm, khi đấy cả team chúng tôi có thống nhất là cần có sản phẩm riêng cho Truyền hình để phục vụ cho khách hàng chỉ có nhu cầu xem truyền hình, không có nhu cầu Internet. Và tôi, với vai trò người chấp bút xây dựng sản phẩm này, đã phải ngồi tự kỷ hết cả tuần trong phòng riêng chỉ để liệt kê các thông số, nội dung… rất chi tiết của sản phẩm để gửi cho FTQ (chị Yến Bùi, anh TuấnDQ) cùng bàn bạc thảo luận… Sau khi chốt hết các phương án thực hiện, tôi tự đi bảo vệ với anh KhoaNV (TGĐ FTEL).

Thật may mắn, anh ấy ra quyết định rất nhanh, ủng hộ triển khai, không phải giải thích nhiều (chắc là lúc đấy anh ấy đang hết sức ủng hộ team truyền hình). Từ đó sản phẩm TV Only ra đời!

Nhớ lại, trước khi sản phẩm này được chính thức triển khai, tôi đã làm phiền quá nhiều người ở nhiều đơn vị khác nhau, như chị Yến, anh TuấnDQ (FTQ), anh Luận, anh HảiTT (NOC), chị Thuỷ (BDD), anh Huy (INF)…

Chính gói sản phẩm TV Only đã tạo đà cho sản phẩm truyền hình FPT phát triển như ngày hôm nay. Thời điểm đấy khi tung sản phẩm này ra, chúng tôi đã xoá được trong suy nghĩ đội ngũ anh em kinh doanh là khách hàng không cần có Internet vẫn có thể đăng ký được dịch vụ truyền hình của FPT và nó đã tạo được sự bùng nổ về tốc độ bán hàng, số má tăng liên tục mà bản thân tôi cũng không nghĩ rằng nó tăng nhanh thế.

Truyền hình FPT đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đùng phát vào một ngày mùa xuân 2015, BĐH quyết định ngưng bán sản phẩm TV Only trên toàn hệ thống vì lý do ABC; còn chúng tôi thì ra sức bảo vệ để duy trì việc bán sản phẩm TV Only vì lý do XYZ.

Bao nỗ lực đàm phán của ban dự án truyền hình cũng không làm thay đổi được quyết định của Ban Điều hành.Khi ấy, tinh thần của toàn bộ team Truyền hình  thật hụt hẫng, mà buồn nhất là Cô Tô (tên nội bộ của PhươngTN) vì quyết định của BĐH đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.

Còn cá nhân tôi thì cảm thấy mất đi một cơ hội lớn để đánh chiếm thị phần truyền hình và đến lúc này đây tôi vẫn đang nuối tiếc cơ hội đó. Nhưng tôi hoàn toàn chia sẻ về quyết định này của BĐH, vì suy cho cùng: Tiền mình khó khăn kiếm được lúc nào cũng phải cân nhắc thật kỹ khi sử dụng.

4. FPT TV (HD Box version 2)

Với quyết tâm thay đổi mẫu mã bộ thiết bị mới, chúng tôi gồm Anh TuấnPA, SơnNT và các anh em trong đội thiết kế đã xây dựng kế hoạch rất chi tiết và tiến hành tiếp xúc với hàng tá đối tác chuyên sản xuất box đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, kể cả Pháp, Đức và Mỹ… Có khi phía đối tác Trung Quốc đem cả bao tải thiết bị mẫu qua cho chúng tôi chọn lựa, nhưng mãi cũng không chọn được mẫu nào ưng ý.

Sau cùng anh SơnNT có hỏi tôi rằng: Thế anh muốn box mới của mình thế nào?

Tôi trả lời: Anh cũng chưa hình dung ra, nhưng mẫu của các đối tác đang có anh không ưng cái nào.

Và hỏi lại SơnNT: Mình có tự làm được không (ý là tự thiết kế box)?

SơnNT vừa nghe đã kêu: Trời!

Nhưng sau đó Sơn có nói: Nếu anh muốn thì chúng ta hãy thử!

Và chúng tôi quyết tâm tự thiết kế mẫuTV box cho riêng mình.

Quá trình làm Box mới, chúng tôi vẫn trung thành với đối tác Đài Loan bao lâu nay và quá trình triển khai thật sự là rất gian nan vì những cái anh em thiết kế được thì đối tác này lại thực hiện không được và những cái đối tác làm được và gợi ý thay đổi thì chúng tôi lại không ưng ý…

Oà! Quá mất thời gian cho tham vọng tự làm của tôi.

Sau bao nỗ lực tiếp tục thiết kế và tìm kiếm đối tác thì vào một ngày đẹp trời, chúng tôi được đối tác Sigma (đối tác làm chipset bộ giải mã) giới thiệu với Foxcon (đơn vị sản xuất các sản phẩm cho Apple).Vừa nghe đến Foxcon là mắt chúng tôi sáng ngời, nhưng sau đó là dấu hỏi rất lớn xuất hiện trong đầu chúng tôi: Liệu Foxcon có làm box cho mình không (vì nhu cầu của truyền hình FPT quá bé so với năng lực sản xuất của họ). Thôi kệ cứ liều tiếp xúc thử xem sao.

Tiếp xúc và làm việc với Foxcon chúng tôi mới biết rằng những gì chúng tôi đang thiết kế họ đều làm được, không những thế mà còn làm tốt hơn nhiều lần. Không giống đối tác cũ: cái gì cũng khó, cái gì cũng không được…

Quá trình làm việc với Foxcon đã giúp cho team Truyền hình học hỏi nhiều hơn về kinh nghiệm triển khai dự án của họ và phải thừa nhận rằng Foxcon làm việc rất chuyên nghiệp và sản phẩm của họ làm ra thật đẹp vì được quan tâm chỉn chu trong từng công đoạn.

TV Box Version 2 ra đời từ đây và Huân chương Chiến Công từ Chủ tịch tập đoàn FPT là phần thưởng ghi nhận chiến tích này của team Truyền hình.

Tác giả: Anh Phạm Thanh Tuấn

Giám đốc Phát triển Kinh doanh

Nguyên Giám đốc Truyền hình FPT.

2 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây