Khám phá RVR – ‘siêu phẩm’ giúp FPT Telecom tiết kiệm triệu đô

Sáng kiến High Performance Cloud Recording System (RVR – Realtime Video Recording) của nhóm tác giả đến từ Ban Giám sát Thông minh (FSS) đã xuất sắc đạt giải Vàng trong cuộc thi Sáng tạo FTEL. Câu chuyện xây dựng sản phẩm của nhóm tác giả có rất nhiều điểm thú vị, lần đầu được bật mí trên Foxnews.

Sáng kiến “triệu đô”

“Một ngày đẹp trời, “sếp” đến vỗ vai ba chúng tôi và bảo: “Cùng làm cái này đi!”.

Đó là lời mở đầu trong phần thuyết trình bảo vệ sản phẩm ở vòng Chung khảo tháng 9, chương trình Sáng tạo FTEL 2021 của anh Võ Trần Chí. Phần giới thiệu này cũng được anh nhắc lại ở vòng Chung khảo iKhiến số tháng 10. Ở cả hai cuộc thi, sản phẩm RVR đều chinh phục Ban Giám khảo, xuất sắc “ẵm” giải cao.

Nhóm sáng tạo sản phẩm RVR có 3 thành viên, gồm anh Võ Trần Chí, anh Nguyễn Huỳnh Minh Thiện và anh Ngô Viết Phúc đến từ phòng Hệ thống FSS.

RVR được gọi với cái tên thân mật là sáng kiến “triệu đô” bởi những hiệu quả khổng lồ mà nó đem lại cho nhà Viễn thông. Sáng kiến được triển khai ban đầu với mục tiêu xây dựng giải pháp cho mô hình kinh doanh Camera mới, chi phí thấp, không phải mua bản quyền và phụ thuộc vào đối tác thứ ba.

Anh Nguyễn Huỳnh Minh Thiện.

Việc tự chủ về công nghệ lưu trữ giúp sản phẩm Camera có ưu thế hơn trên thị trường. Hiện mảng kinh doanh này của FPT Telecom ghi nhận tăng trưởng 30%/tháng trong đợt dịch.

Với sản phẩm RVR, hiệu năng lưu trữ được tăng cường qua việc gấp đôi số lượng FPT Camera lưu trữ được trên một máy chủ nhờ tận dụng hạ tầng mạng của FPT Telecom để xây dựng hệ thống dự phòng dữ liệu, tối ưu hoá phần cứng. Theo số liệu thống kê, sản phẩm giúp tiết kiệm 1,1 triệu USD trong năm 2020 và dự kiến khoảng 3 triệu USD trong năm 2021.

Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của nhiều Khách hàng. Theo nhóm tác giả, RVR có thể được mở rộng thêm tính năng trong tương lai và tạo nên hệ sinh thái khép kín của FPT. Hiện nhà F cũng là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm Camera có giải pháp này.

“Viên ngọc quý” được mài giũa từ áp lực và sức trẻ

Với nhiệm vụ được giao, nhóm dự án đã mất hơn 1 năm để xây dựng và hoàn thiện sản phẩm. Đối với anh Võ Trần Chí, thời gian 12 tháng là sự tổng kết của loạt cung bậc cảm xúc từ vui, buồn, mồ hôi của toàn nhóm, có cả áp lực không kể tên, nhưng cuối cùng đọng lại là sự tự hào.

Áp lực lớn mà nhóm phải đối mặt chính là việc đảm bảo tiến độ. Các tiến độ công việc thay đổi liên tục trong thời gian phát triển sản phẩm để trở nên phù hợp nhất với mô hình kinh doanh của Công ty, trong khi đó, kinh doanh là lĩnh vực đòi hỏi sự thay đổi mỗi ngày.

Nhóm liên tục phải học hỏi, tìm kiếm và bổ sung, chỉnh sửa trong thời gian thực hiện sáng kiến RVR với khối lượng công việc lớn kèm theo áp lực trên vai. Nhìn lại hành trình chăm chút cho “đứa con tinh thần” này, cả nhóm khẳng định rằng nhờ những áp lực, khó khăn ngày ấy, nhóm mới có cơ hội để mài giũa sản phẩm thành “viên ngọc quý”.

Anh Võ Trần Chí.

Đối với nhóm, sản phẩm RVR cũng gắn liền với những kỷ niệm khó quên khi làm việc cùng nhau. Các buổi họp của nhóm đều diễn ra sôi nổi, thậm chí tranh luận gay gắt, nhưng ngay sau đó các thành viên lại bắt tay nhau cười nói bình thường, ai nấy đều sẵn sàng hỗ trợ nhau.

Để tìm ra giải pháp tốt nhất, nhiều buổi họp của nhóm diễn ra dưới dạng chia thành 2 phe đối nhau, một phe sẽ nói ý tưởng của mình, trong khi phe còn lại sẽ phản bác, đưa ra phân tích xem giải pháp ấy có cần thiết và phù hợp hay không.

“Những điều chúng tôi hay nói trong lúc họp bình dân lắm. Nào là “Ấy có bị “lag” không?”, “Cá một ly cà phê không?”, “Em quỳ anh luôn đó”. Vui lắm! Tôi cảm giác như mọi người đều kết nối với nhau” – Anh Chí chia sẻ.

Những buổi họp ấy rất ồn ào và “hừng hực” khí thế tuổi trẻ, khiến “sếp” phải cười trừ nói rằng tranh luận cũng không sao, miễn là các thành viên giải quyết công việc một cách hiệu quả nhất.

Toả sáng tại iKhiến

RVR là một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể phần lõi trong hệ thống, nhờ được chăm chút kỹ càng và hoàn thiện ở mức độ cao, sản phẩm đã đem lại hiệu quả cao cho Công ty. Đối với nhóm, các hiệu quả về mặt công nghệ mới mang lại cảm giác thích thú và tự hào nhất.

Anh Ngô Viết Phúc.

1 năm nghiên cứu và phát triển là khoảng thời gian đủ dài để ba thành viên nhóm hiểu về các vấn đề đang xảy ra xoay quanh hệ thống. Anh Chí – đại diện nhóm trình bày tại các vòng thi đấu cho biết anh hiểu việc thuyết trình về hệ thống khô khan, khó hiểu và kém hấp dẫn đối với người nghe ra sao. Từ đó, anh quyết định sẽ dùng cách kể chuyện để nói về sản phẩm RVR.

Thay vì lí giải hệ thống hoạt động thế nào, anh Chí đã biến bài thuyết trình tại chương trình Sáng tạo FTEL và iKhiến thành một câu chuyện.

Anh bắt đầu bài thi bằng lời trích dẫn câu nói của “sếp” vào ngày đầu tiên giao nhiệm vụ cho nhóm, sau đó tới chuyện RVR được sinh ra thế nào, tại sao phải xây dựng. Đây là cách để người nghe tự tưởng tượng, hình dung ra bức tranh tổng thể về sản phẩm theo một cách rất riêng.

Cách kể chuyện của nhóm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Ban Giám khảo. Khi thấy điểm nào chưa rõ, người theo dõi hỏi lại tác giả, nhóm sẽ trả lời và từ đó nhận được nhiều phản hồi, góc nhìn để tiếp tục phát triển, mở rộng hệ thống.

Lần đầu bước chân tới vòng đấu sáng tạo của FPT Telecom và Tập đoàn FPT, nhóm dự án đến từ FSS không khỏi lo lắng. Hàng nghìn câu hỏi đã được nhóm đưa ra thảo luận trước buổi thi. Nhưng với sự tự tin vào sản phẩm cũng như quyết tâm của toàn nhóm, sáng kiến RVR đã toả sáng và đạt được giải thưởng cao nhất vòng thi tháng.

Hãy cùng cổ vũ cho “viên ngọc” này tiếp tục đạt được những thành công rực rỡ hơn nữa trong thời gian tới.

Bài viết: Thanh Hải

Hình ảnh: Huyền Trân

Thiết kế: Thế Huynh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây