Hội đồng thẩm định sẽ ‘đỡ đầu’ sản phẩm tại Sáng tạo FTEL 25

Sau vòng Chung khảo tháng 7/2022, các thành viên Hội đồng thẩm định chương trình Sáng tạo FTEL 25 đã chia sẻ cảm nhận về chất lượng các sản phẩm dự thi, đồng thời bật mí điều lần đầu xuất hiện tại cuộc thi.

Năm 2021, chương trình Sáng tạo FTEL 25 trải qua 7 số chấm thi Chung khảo, trong đó có tới 5 số chấm theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mỗi tháng, 7 thành viên của Hội đồng thẩm định lại “Online”, cùng ngồi họp để xem xét, chấm điểm và lựa chọn các sáng tạo “đắt giá” nhất đạt giải và đi thi cấp Tập đoàn FPT.

Cuộc thi Sáng tạo lớn nhất nhà Cáo chính thức trở lại vào tháng 6 năm nay, với nhiều điểm mới, trong đó có việc bổ sung thêm 4 thành viên Hội đồng thẩm định đến từ mảng Kinh doanh, Thu cước và Công nghệ. Số tháng 7 cũng đánh dấu lần đầu tiên sau hơn một năm, buổi Chung khảo được tổ chức trực tiếp tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM.

5 sản phẩm lần lượt được trình bày trong không khí hào hứng, sôi nổi và cổ vũ nhiệt tình từ các cổ động viên. Chính các thành viên Hội đồng cũng đã có những cảm xúc “không thể quên” trong lần trở lại lần này của Sáng tạo FTEL 25.

Các sản phẩm được đánh giá cao về tính “ai khiến”

Chị Bùi Hồng Yến – Trưởng ban Chất lượng, thành viên Hội đồng thẩm định chương trình chia sẻ: “Việc chấm thi trực tiếp thích hơn nhiều, rất thoải mái và sướng”. Chị cho rằng việc có thể nhìn thấy “tận mắt” các tác giả và lắng nghe họ trình bày về sản phẩm của mình đem lại cảm giác hấp dẫn hơn rất nhiều, không khí cũng trở nên mới lạ hơn khi có các khán giả hết mình cổ vũ. 

Đối với chị Yến, phần lớn các sáng kiến trong vòng Chung khảo tháng 7 này đều có điểm chung là số hoá hoạt động nghiệp vụ thường nhật, giúp nâng hiệu suất, tăng năng suất lao động và gián tiếp giảm chi phí mềm tới hàng chục tỷ đồng, giảm nguồn lực nhân sự và đặc biệt nâng cao trải nghiệm nhân viên. 

Các tác giả trình bày sản phẩm trong Chung khảo tháng 7.

“Đó chính là động cơ iKhiến cho Trung tâm Chăm sóc Khách hàng vô địch về số lượng sáng kiến. Tôi có đùa rằng, chắc Ban Nhân sự không cần phải tuyển người cho Trung tâm Chăm sóc Khách hàng trong vài năm nữa”, chị Yến chia sẻ. 

“Mảnh ghép” mới của Hội đồng thẩm định Sáng tạo FTEL 25, anh Vũ Đức Huy – Giám đốc Vùng 5, đánh giá chất lượng các sản phẩm tham gia số Chung khảo tháng 7 khá tốt, đem lại nhiều cải tiến trong công việc, có tính “iKhiến” cao, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị. Anh cho biết truyền thống của nhà Cáo lâu nay luôn chăm chỉ, kỷ luật, chương trình Sáng tạo FTEL đã thúc đẩy các hoạt động sáng tạo của CBNV. 

Các năm trước, hầu hết các sáng tạo ở mảng Công nghệ – Kỹ thuật, Dịch vụ Khách hàng, tuy nhiên, năm nay đã xuất hiện thêm nhiều sáng tạo đến từ khối Bán hàng & Chăm sóc Khách hàng. “Rất mong FPT Telecom có thêm ngày càng nhiều sáng tạo để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động”, anh Huy chia sẻ. 

3 thành viên mới của HĐTĐ: Anh Nguyễn Minh Toàn, anh Lê Nguyên Hoàng và anh Vũ Đức Huy.

Anh Lê Nguyên Hoàng – Giám đốc Trung tâm Hệ thống Thông tin cũng là thành viên Hội đồng lần đầu tham gia ngồi “ghế nóng” của chương trình. Anh khá bất ngờ trước sự đa dạng của các sáng kiến, từ Kinh doanh, nghiệp vụ tới Back office. Theo anh, các sáng tạo đang ở mức số hoá và tiến tới chuyển đổi số khi áp dụng nhiều công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo) và BOT. 

Hội đồng thẩm định là các nhà nhận xét giúp cho sáng tạo hoàn thiện hơn

Điểm đặc biệt của chương trình Sáng tạo FTEL 25 chính là việc các thành viên Hội đồng có thể dành hàng giờ để góp ý, chỉnh sửa, đặt câu hỏi cho các sản phẩm. Thậm chí có buổi chấm thi kéo dài 5 tiếng vì thời gian đặt câu hỏi và tư vấn của Hội đồng kéo dài hơn dự kiến. 

Theo chị Bùi Hồng Yến – thành viên Hội đồng thẩm định chia sẻ quá trình sáng tạo giống như làm phim và đều cần có giai đoạn hậu kỳ. Chị cho rằng việc của Hội đồng thẩm định có phần nào tương đồng giống phần hậu kỳ ấy, làm sao để giúp sản phẩm có thể được trình bày một cách hiệu quả nhất, dù hầu như sản phẩm đã được định hình. 

“Hội đồng thẩm định cũng như các nhà phê bình, nhà nhận xét. Họ đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn, họ nhìn ra được các điểm hay của sản phẩm mà có thể chưa được thể hiện rõ nét, họ chia sẻ mong muốn để sản phẩm biết có thể làm thêm điều gì và nói điều mình tâm đắc nhất để tác giả tiếp tục phát huy. Những việc này giúp cho nhóm có thể bổ sung và hoàn thiện sáng kiến”, chị Yến cho biết. 

Ngoài ra, chị Yến cho rằng Sáng tạo FTEL 25 giúp khích lệ và tôn vinh các sáng kiến, dù có tác động nhỏ hay lớn và đặc biệt góp phần gìn giữ cũng như phát huy văn hoá sáng tạo, giúp nhà Cáo trở thành nơi luôn sáng tạo, đổi mới, vận động không ngừng. Chị khẳng định:“Tôi nghĩ đây là trải nghiệm có giá trị đối với nhân viên, khi được đề cao sáng tạo của từng cá nhân, đội nhóm. Ai cũng được thoả sức nghĩ, thoả sức làm và được áp dụng, được… sướng”!

Chị Yến cũng là người có nhiêu năm đồng hành cùng các chương trình của nhà Cáo như Xe cải tiến từ 2015 – 2018 và Sáng tạo FTEL từ 2019 – 2022.  Thành viên Hội đồng thẩm định cũng nhấn mạnh rằng phạm vi của chương trình đã vượt ra khỏi đánh giá trực tiếp các sản phẩm.

Đối với chị, mỗi thành viên Hội đồng giống như một “think tank”, sẽ nêu các mong muốn, dự định phát triển, ứng dụng sâu rộng hơn về các sản phẩm, nhằm hoàn thiện hệ thống vận hành, quy trình kinh doanh, đưa vào một hệ thống chung hay một hệ sinh thái không chỉ ở sản phẩm cho Khách hàng, mà còn cho hoạt động vận hành – sản xuất – kinh doanh của FPT Telecom.

Hội đồng thẩm định sẽ “đỡ đầu” cho các sáng kiến

Vừa qua, Hội đồng thẩm định đã đưa ra quyết định mới, đó là mỗi thành viên Hội đồng sẽ “đỡ đầu” cho các sáng kiến theo tiêu chí phù hợp nhất, nhằm giúp các sản phẩm hoàn thiện và được nâng tầm.

Nhiệm vụ của các người đỡ đầu sẽ gồm việc chỉnh sửa, hỗ trợ, giúp nâng tầm sản phẩm. Cùng với nhóm tác giả, họ sẽ đưa ra các gợi ý, hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ nguồn lực ngoài nhóm tác giả để nâng cấp sản phẩm lên một phiên bản mới giá trị hơn về mặt sáng tạo, công nghệ, kinh doanh. 

Trong buổi Chung khảo tháng 7, anh Lê Nguyên Hoàng đã đảm nhận vai trò “đỡ đầu” cho sản phẩm Liên kết dữ liệu tự động từ Survey sang Inside của Trung tâm Chăm sóc Khách hàng và Foxskill – Diễn đàn học tập chủ động của Trung tâm Đào tạo. Chị Bùi Hồng Yến sẽ hướng dẫn cho sản phẩm Số hoá kiểm soát giao dịch của Trung tâm Chăm sóc Khách hàng.

Chương trình Sáng tạo FTEL không chỉ là nơi tìm kiếm và tôn vinh các sáng tạo của người nhà Cáo, mà còn giúp các tác giả hoàn thiện sản phẩm của mình với sự giúp đỡ từ Hội đồng thẩm định – những người dày dặn kinh nghiệm ở các mảng Công nghệ, Kinh doanh, nghiệp vụ, … 

Hãy thử sức ngay với Sáng tạo FTEL 25.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây