Thứ Sáu, Tháng Năm 17, 2024
spot_img

Cán cân công việc

Một số bạn trẻ đi làm thường thẩn thơ nghĩ ngợi rằng biết làm đến bao giờ mới được thế này thế nọ, lâu dần trở nên chán nản cuộc sống công việc hiện tại, hay mơ mộng và tìm cách được làm ở một công ty thoải mái hơn với thu nhập cao hơn, trong khi không có bất kỳ thay đổi gì ở bản thân.

Theo vài kinh nghiệm của 1 người trẻ tuổi đi làm và thấy được vài câu chuyện của người khác, tôi hiểu rằng trong công việc, khi đặt vài yếu tố cơ bản của người bán chất xám và tổ chức mua chất xám lên bàn cân để thương thuyết thì thấy như sau:

Cán cân của của người bán chất xám (nhân viên) có:

1. Kiến thức: cá nhân tự quyết định, kiểm soát

2. Kinh nghiệm: cá nhân tự quyết định, kiểm soát

3. Hiệu suất, chất lượng công việc: cá nhân tự quyết định, kiểm soát

4. Khối lượng, tính chất công việc: cá nhân và công ty cùng quyết định, kiểm soát. Chiếm phần thiết yếu và trực tiếp đóng góp sinh lợi nhuận cho công ty. Đây cũng là yếu tố chiếm tỉ trọng cao nhất trên cán cân nhân viên

Cán cân của tổ chức mua chất xám (công ty) có:

1. Đãi ngộ vật chất hiện tại: công ty quyết định và kiểm soát

2. Đãi ngộ tinh thần hiện tại: công ty quyết định và kiểm soát phần lớn

3. Danh tiếng/Marketing tên tuổi nhân viên: ông ty quyết định và kiểm soát phần lớn. Nhân viên ở một công ty làm việc nhiều, va chạm nhiều, tạo nhiều mối quan hệ, tạo dựng danh tiếng…Nhân viên ở công ty càng lớn, làm nhiều dự án lớn thì tên tuổi càng nổi tiếng.

4. Tích luỹ vật chất tương lai: công ty quyết định và kiểm soát phần lớn. Những gì học hỏi, trau dồi, hành trang từ công việc hiện tại chính là tiềm năng thu nhập của tương lai.

Trong mọi cuộc thương thuyết tích cực, người bán và người mua sẽ nhìn về 1 hướng, đi đến sự hài lòng, win-win cho cả 2 và khi ấy cán cân gần như là cân bằng.

Với nguồn cung lao động lớn hơn nhu cầu hiện tại, các công ty luôn ở "kèo trên" nên mới có cái gọi là "đi xin việc", vì vậy mình cần phải chủ động tăng khối lượng phía cán cân mình kiểm soát, đầu kia chắc chắn phải tự động tăng để giữ thế cân bằng, đừng nên đợi "kèo trên" "quyến rũ" trước.

Các bạn trẻ hãy luôn chủ động phấn đấu, cố gắng rèn luyện tăng cường kiến thức, trau dồi kinh nghiệm, ngày càng sáng tạo, tâm huyết, quyết tâm làm việc để có hiệu suất và chất lượng công việc cao: chỉ cần tăng mức độ này thì cán cân phía công ty đã một phần tăng khối lượng đáng kể và là điều kiện, bàn đạp để chúng ta tăng tỉ trọng quyết định là khối lượng và tính chất công việc.

Một công ty lớn, mạnh mẽ phát triển, luôn sẵn sẵng khối lượng công việc khổng lồ và có tính chất quan trọng. Vì vậy đối với tỉ trọng số 4 này thì chúng ta cần thể hiện liên tục rằng mình đã đủ khả năng, sẵn sàng, mong muốn đảm nhiệm khối lượng công việc lớn và có tầm ảnh hưởng lớn, đóng góp nhiều cho công ty. Tỉ trọng 4 là tỉ trọng mà nhân viên và công ty cùng quyết định, cùng chung lý tưởng, người bán chất xám nào mà chẳng muốn bán nhiều, công ty nào mà chẳng muốn hoàn thành thật nhiều mục tiêu công việc để thu về lợi nhuận cao, vì khi công ty nhận thấy chúng ta có quyết tâm, khả năng, sự tin tưởng thì chắc chắn sẽ cùng nhân viên tăng mạnh tỉ trọng 4 –> khi đấy cán cân phía công ty chắc chắn sẽ tăng khối lượng để mang lại sự hài lòng, cân bằng cho nhân viên.

Chỉ có công ty nhỏ, kém phát triển hoặc nhân viên có trình độ cao hơn yêu cầu công việc của công ty thì tỉ trọng 4 mới thấp. Khi đấy các bạn cần nghĩ đến cần tìm 1 nơi khác phù hợp với mình hơn để phát triển cuộc sống. Còn nếu chúng ta không có 3 tỉ trọng đầu thì không nên nghĩ ngợi, thương thuyết làm gì, hoặc có 3 tỉ trọng đầu rất tốt nhưng lại lười nhác, không muốn làm nhiều thì cán cân phía công ty cũng nhẹ để cân bằng thôi, vì không công ty nào lại trả giá cao cho "siêu nhân viên" chỉ biết ngồi chơi xơi nước. Khi đó nên chấp nhận hài lòng với cuộc sống "nhẹ nhàng". Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.

Theo mình biết, ở các nước Phương Tây hay Nhật, người ta không có khái niệm nhảy việc để tăng thu nhập vì thông thường đãi ngộ công ty sau không tăng quá 10% đãi ngộ của công ty cũ nếu như chúng ta sang công ty mới vẫn làm đúng khối lượng công việc cũ, vẫn mang đúng những tỉ trọng cũ sang công ty mới để cân. Các công ty biết rằng ít có công ty nào trả giá thấp hơn năng lực nhân viên nhiều cả, có mặt bằng chung và sự hài lòng giữa công ty và nhân viên hiện tại cả rồi, chênh lệch lớn thì người ta ko hợp tác 1 với nhau từ lâu rồi. Vì vậy các nhân viên ở nước này nhảy việc thường vì các lý do khác lý do thu nhập. Trừ khi nào nhảy việc mang theo những hành trang nặng ký hơn trước, được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn công ty cũ, làm việc cao cấp hơn thì thu nhập mới tăng rõ rệt.

Ví dụ từ chính bản thân mình trong những tháng năm đầu đi làm, học thêm thì không tập trung học, thấy việc hàng ngày làm được thì thôi, sếp cũng ko dám giao nhiều việc hơn vì khả năng mình không có, ai mà tin tưởng giao thêm lại thành ra làm tới làm lui thì nản, để rồi lại ngồi than thở với người này người nọ. Và khi đó cũng mơ mộng âm thầm đi xin việc, cuối cùng nhận thấy rằng công ty mới có nhận mình thì cũng trả mình chẳng hơn gì công ty cũ vì mình chẳng có gì hay ho mới mẻ hơn để mang đi cân cả, thậm chí có công ty trọng lượng cao thì 3 cái tỉ trọng đầu của mình ko đạt tiêu chuẩn để vào cân chứ nói gì đến trả giá tới lui.

Nhớ ngày xưa lúc còn đi học, cậu mình cũng là 1 doanh nhân hay dạy rằng: "Đi làm thì cố gắng siêng năng, lanh lẹ, để ý nhiều thứ, làm việc cho tốt, sếp giao cho 1 việc, làm xong thì hỏi mọi người, hỏi sếp tìm việc khác, xin việc khác để làm tiếp, giúp người khác làm việc, chứ không phải xong rồi thì ngồi chơi, kêu gì làm nấy xong thì thôi, cố gắng phấn đấu lên những vị trí cao vì những vị trí đó sẽ mang lại nhiều cơ hội cho bản thân, nắm bắt được nhiều thông tin…".

Vừa rồi phỏng vấn 1 bạn trẻ khá lanh lẹ, có kinh nghiệm đi làm 2 năm và bảo rằng công ty cũ của bạn ít việc, chán, không làm được gì nhiều, không học hỏi được gì nên nghỉ xin qua chỗ mình. Phỏng vấn kiến thức về những gì bạn đang làm thì thấy chỉ biết được sơ sơ đúng cái hay làm, hỏi sâu hơn tí thì không biết. Hỏi bạn ấy thế đã học gì thêm hoặc có kiến thức nào khác ngoài trừ những việc đang làm ở công ty cũ hoặc chăng là có định hướng gì không? Bạn bảo chẳng học hoặc trau dồi gì thêm vì học cũng chẳng áp dụng được gì, công việc hiện tại chỉ có thế, làm được việc là xong. Thế là thôi, cho bạn lời khuyên và hẹn dịp khác vì không có gì mới để mang đi cân thì sang đây bạn cũng nhận được y xì vậy thôi, rồi với tinh thần như bạn thì vài ngày nữa bạn lại chán và nghĩ về 1 công ty khác trong khi trong tay bạn không có gì mới để thương thuyết với công ty tương lai.

Thế nên các bạn trẻ, hãy cố gắng phấn đấu, rèn luyện thật nhiều vào, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tinh thần làm việc chuyên nghiệp,..thế giới đang xoay rất nhanh, phát triển không ngừng, cơ hội mở ra nhiều nhưng thông tin truyền rất nhanh, nên cơ hội chỉ dành cho các bạn nhanh tay nhất nắm lấy.

Không có công việc chán một khi ta đã lựa chọn, chỉ có cách làm việc của chúng ta quá chán, không biết cách làm mới (F5) hàng ngày để mang lại hứng thú thôi.

 

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img