Bài học của người mới vào nghề

05/04/2015 – Một người trẻ bước vào nghề va chạm với các chú, các anh, điều đó là cần thiết. Nhưng cũng vì trẻ mà cần giữ vững lập trường trong sự xô bồ của quan điểm ấy.

Nguyên một tuần cuối tháng 3 vừa qua, tôi tham gia tác nghiệp tại một giải thể thao quốc tế ở “đất thiêng” Quảng Trị. Với một phóng viên mới vào nghề được vài ba năm như tôi, những chuyến đi quý giá vô cùng.

Được tiếp đãi chu đáo trong điều kiện ăn ở thuộc hạng VIP, các phóng viên báo đài đến với giải gần như được tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình tham gia tại sự kiện này. Điều tôi thích thú nhất phải kể đến việc được ngồi chung bàn ăn với các cây bút nổi tiếng của các báo mà trước kia tôi chỉ nhìn thấy tên họ qua chữ ký cuối mỗi bài viết. Với tôi, đó là vinh dự, là dịp để học hỏi nhiều về kinh nghiệm để tự tin vào nghề. Thế nhưng, một vài buổi đầu để nhìn ngắm họ, để đoán tính cách và nhìn nhận cá tính, tôi biết rằng, báo chí cũng là một mạng xã hội thu nhỏ của những người cầm bút, cái tôi cá nhân lớn theo độ nổi của bút danh, và sự đối lập quan điểm nhiều khi nảy sinh ngay trên cùng chiếc bàn ăn hình tròn.

Tôi, cây bút trẻ vào nghề, ai nói gì cũng “vâng, dạ” rất ngoan và luôn biết cách ứng xử ‘phải phép’ trước những ý kiến đúng – sai. Nhưng tôi cũng có cái tôi của một con bé phóng viên, tôi nói những điều tôi nghĩ, tôi viết những thứ tôi thấy cần khai thác và cảm giác được các bậc tiền bối đồng nghiệp đọc bài, đôi khi đó là cả áp lực. Tôi không phát ngôn nhiều trong những cuộc tranh luận, thay vào đó, tôi lắng nghe. Tôi không viết tràn lan, thay vào đó tôi cảm. Vậy nên, tôi hiểu rằng, cách tôi chọn và đang đi, quá nhiều thứ không dễ dàng chứ chưa nói rằng đầy hiểm nguy.

Làm báo cũng là làm cách mạng. Với người trẻ, tâm lý chiến vững vàng thì ngòi bút mới có dấu ấn cá nhân. Tôi đã được mời tham gia vào một cuộc đại cải tổ của bộ môn này ở vị trí “người cầm lái” cho đội tuyển quốc gia của một bộ phận các nhà báo, phóng viên lớn; dĩ nhiên tôi có quan điểm để tán thành hoặc không. Nhưng tôi tự thấy chưa đủ tầm để kiến nghị người sắp bị “trảm” kia, không phải tuổi đời hay thâm niên chuyên môn giữa họ và tôi, mà bởi tôi cần nhiều hơn góc nhìn về họ để đưa ra phán quyết chính xác.

Một người trẻ bước vào nghề va chạm với các chú các anh, điều đó là cần thiết. Nhưng cũng vì trẻ mà cần giữ vững lập trường trong sự xô bồ của quan điểm ấy. Làm việc liên quan nhiều đến viết lách, văn phong lớn theo thâm niên, tên tuổi là uy tín.

Câu chuyện của một phóng viên thể thao trẻ hôm nay ít nhiều sẽ có ích với những ai trẻ hơn chọn con đường này để theo đuổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây