Tròn một phần tư thế kỷ, Internet từ một công nghệ lạ lẫm, nay được 77 triệu người Việt sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Giai đoạn 1996-1997, sự xuất hiện của máy tính và những công ty giải pháp đầu tiên đã đưa nền công nghệ Việt Nam tiến thêm một bước mới.
Những người có máy tính dần kết nối với nhau thành một mạng lưới có tên gọi Intranet. Một trong những mạng Intranet nổi tiếng thời đó là Trí tuệ Việt Nam, mở miễn phí cho mọi người tham gia và có lúc đạt 10.000 thành viên khắp Việt Nam.
Sau 25 năm phát triển, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu, có mặt ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội của hàng triệu người dân Việt và là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhìn lại hành trình 25 năm qua, trong phiên thảo luận “Tương lai bền vững cho Hệ sinh thái Internet Việt Nam” của sự kiện Internet Day 2022, câu chuyện quá khứ, hiện tại và tương lai đã được tái hiện qua lời kể của những chuyện gia đời đầu đã gắn bó với Internet gần ¼ thế kỷ.
Ngày 19/11/1997, Internet chính thức vào Việt Nam sau nhiều nỗ lực của những người đứng đầu Chính phủ và ngành Bưu chính Viễn thông bấy giờ. Thời gian sau đó là một quá trình “mất ăn mất ngủ” của người làm Internet.
FPT Telecom cũng là một trong 4 ISP đầu tiên được cấp phép. Dù ban đầu chỉ có 4 nhân sự, cùng tài sản quý nhất là chiếc PC Server IBM với 12 modem xếp chồng, FPT Telecom vẫn mang trên mình hoài bão lớn: Định hình các chuẩn mực cao nhất trong lĩnh vực Internet tại Việt Nam.
Thời điểm Internet bắt đầu hội nhập vào Việt Nam, Internet không chỉ kết nối toàn cầu về mặt thông tin và dữ liệu mà còn kết nối cộng đồng Internet lại với nhau. Thời đó các công ty công nghệ đều thiếu thốn đủ bề từ cơ sở vật chất đến tiềm lực kinh tế, FPT Telecom hay những đơn vị công nghệ khác bước vào thời kỳ phải đếm sự tồn tại theo đơn vị tuần.
Thời kỳ đầu, Internet được cung cấp dưới dịch vụ mạng dial -up (truy cập Internet gián tiếp thông qua đường dây điện thoại) với hình thức tương đối phức tạp. Thế nhưng, cũng chính Viễn thông FPT đã đưa ra ý tưởng thanh toán bằng thẻ cào nhanh gọn và tiện lợi. Năm 2002, FPT Internet là nhà cung cấp dịch vụ dial-up lớn thứ 2 ở Việt Nam, với 1 tỷ phút truy cập Internet.
Dù có rất nhiều hoài nghi về sự thành công của Internet. Thế nhưng nhờ những nỗ lực kết nối con người lại gần nhau hơn, Internet ngày đó không vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà đều đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết.
Sau sáu năm có mặt, đến 2002, Internet tại Việt Nam có 1,9 triệu người dùng. Chỉ sau một năm, số người dùng tăng gần gấp đôi, lên 3,1 triệu, và đến 2004 là 6,3 triệu. Đây là những mức tăng trưởng lớn nhất kể từ khi Internet vào Việt Nam nhờ sự giảm mạnh của giá cước và sự nâng cấp của công nghệ truyền dẫn.
Sự chuyển biến to lớn nhất phải kể đến khi FPT Telecom thay đổi mô hình công ty để có giấy phép thiết lập hạ tầng năm 2005. Từ đó, lịch sử ngành viễn thông Việt Nam sang trang mới, khi hàng loạt các công ty khác cũng đầu tư vào xây dựng hạ tầng.
Những giá trị mà Internet mang lại cho con người ngày nay
Sự phổ biến của Internet giúp mở rộng những “điểm chạm” của người dùng với thế giới mạng. Trong gia đình, công sở, chỉ cần mở máy tính là có sẵn kết nối Internet thay vì phải quay số như trước kia. Khi ra ngoài, smartphone 4G đưa Internet đến lòng bàn tay mỗi người.
Mạng Internet tương tự như một cuốn “bách khoa toàn thư số“, nơi mọi người có thể cùng học hỏi, trau dồi kiến thức. Không chỉ truyền tải và lưu trữ thông tin, Internet đã và đang tạo ra “môi trường kinh doanh số” cho tất cả mọi người. Đây là nơi mà người mua và người bán không cần gặp gỡ trực tiếp nhau nhưng vẫn dễ dàng trao đổi lợi ích.
“Thế giới giải trí” Internet mang đầy sắc màu, dễ dàng thu hút bất cứ người dùng nào. Phim ảnh, ca nhạc, các tác phẩm văn học hay tất cả loại hình giải trí khác đều có sẵn trên Internet. Đặc biệt hầu hết người dùng đều có thể trải nghiệm miễn phí.
Ngoài việc phát huy những giá trị nguyên bản thì Internet còn “kết nối những trái tim đơn độc”. Khi Covid-19 ập tới, kéo theo giãn cách xã hội, Internet trở thành con đường duy nhất để nhiều người, nhiều gia đình kết nối với thế giới.
Bên cạnh những mặt tích cực, một bộ phận người Việt đang phải đối mặt với nguy cơ quá phụ thuộc vào Internet, nhiều người nghiện mạng xã hội, dễ bị lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân. Internet là một công nghệ tuyệt vời và mạnh mẽ, nhưng công nghệ đó được chia đều cho cả người tốt và kẻ xấu. Vào tay kẻ xấu, Internet hoàn toàn có thể bị lạm dụng để gây hại cho cộng đồng. Chính vì vậy, việc thiết lập “bộ quy tắc ứng xử” trên Internet là hoàn toàn cần thiết đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp.
Chuyển đổi số và bài toán về nâng cấp hạ tầng mạng.
Theo Chủ tịch VIA Vũ Hoàng Liên, hiện Việt Nam đang là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc cùng hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.
Số thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone là 94,2 triệu; số thuê bao băng rộng di động là 82,2 triệu đạt tỉ lệ 74,3% dân số. Việt Nam hiện có hơn 564.000 tên miền “.vn”, đứng thứ 2 ASEAN, top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, mức độ sử dụng IP (IPv4, IPv6) thuộc top 20-30 quốc gia trên toàn cầu, tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 53% với hơn 50 triệu người dùng IPv6, top 10 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi IPv6. Và, rất nhiều các thành tựu khác….
Đặc biệt vào thời điểm dịch bênh Covid-19 gai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, theo thống kê của Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, lưu lượng Internet tại Việt Nam tăng hơn 40%, từ mức 4.955 Petabyte lên 6.977 Petabyte. Riêng lưu lượng Internet di động tăng 95%, tạo sức ép lên đường truyền.
Hạ tầng Internet bây giờ đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Nhìn vào trước đây khi muốn phát triển công nghệ, thiết bị, máy móc thì chúng ta phải xây dựng nên 1 hệ thống, phòng lab, các thiết bị thử nghiệm vô cùng tốn kém, tuy nhiên khi có hạ tầng công nghệ thì chúng ta có thể triển khai được ngay và không tốn kém như phương pháp cũ.
Internet là một trong những thành tố quan trọng nhất để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây thực sự đã trở thành một trong những hạ tầng quan trọng nhất, thiết yếu nhất của nhân loại.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng Dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; kinh tế số chiếm 20% GDP; 80% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh, 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng.
Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD. Mua hàng online, hay thương mại điện tử, trở thành thói quen của người dùng Việt, với 90% người tiêu dùng kỹ thuật số dự định duy trì và gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong tương lai.
Theo anh Tiến (Chủ tịch HĐQT FPT Telecom): “Internet giúp chúng ta kết nối, dễ hơn, bây giờ hay sau này thì sứ mệnh của Internet vẫn tiếp tục kết nối nhưng ở phương diện sâu hơn, có thể sau này chúng ta sẽ là sự kết nối giữa con người với máy móc, trí thông minh nhân tạo, có thể 25 năm nữa, chúng ta sẽ không trực tiếp có mặt tại đây mà sẽ cử những digital tween đến tham dự, và một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, Internet sẽ luôn là “Kết nối yêu thương” giữa con người”.
Kỷ nguyên Internet của thông tin đã đi qua và con người đang bước tới kỷ nguyên Internet chia sẻ giá trị. Đây là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới, thậm chí dẫn dắt một số trào lưu mới như blockchain, GameFi, metaverse, Web3… Người Việt trẻ tạo ấn tượng với cộng đồng quốc tế nhờ khả năng sáng tạo, tiếp cận tin tức nhanh và chọn lọc.
Trà My