Nghị lực phi thường của ‘nàng hổ’ một chân nhà F

Bất ngờ gặp tai nạn giao thông, Nguyễn Hoàng Ly (CB Quản lý công nợ, CN Đồng Nai) mất đi một chân và không thể tiếp tục công việc năng động trong vai trò nhân viên kinh doanh. Dù vậy, cô vẫn mỉm cười một nét nhẹ nhàng và trầm tĩnh khi nói về những biến cố đã qua. Như rằng, không có gì là không thể đối diện, không có gì là không thể vượt qua. 

Bởi chính Ly đã là minh chứng sống động cho sự thật ấy.

Thứ Sáu, ngày 13/9/2019.

Dù là sinh nhật Tập đoàn, ngày làm việc mới của nữ nhân viên kinh doanh sinh năm 1986 bắt đầu bên ly cà phê cùng danh mục quen thuộc đang được sắp xếp. “Mình sẽ xử lý nốt số việc còn tồn hôm qua: ký hợp đồng bị treo và xem liệu khách hàng có cần hỗ trợ thêm không”. Cô vừa chú tâm vào điện thoại, các giấy tờ mang theo và cũng định hình thị trường cho ngày hôm nay.

Như mọi hôm, Ly gặp đồng nghiệp thân quen mà mỗi ngày đồng hành vài chục cây số trên các chuyến gặp gỡ và làm việc với khách hàng. Nhưng điện thoại reo liên hồi, khách giục quá nên không như những lần khác, cả hai quyết định tách riêng cho thuận tiện. Vào giờ cao điểm buổi sáng, lưu lượng giao thông tại vòng xoay Tam Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai) đông đúc, ai cũng chỉ có thể nhích từng chút một. Tự nhận bình thường lái xe “cũng không kỹ lắm, chạy khá nhanh” song với tình hình lúc đó, Ly cũng không thể nào không đi chậm. Giữa dòng xe lúc nhúc, không tránh khỏi va chạm, bất giác cô thấy mình ngã xuống đường. Đang định bụng đứng dậy, nhưng không may, một chiếc xe tải trờ tới. Ly nhận ra mình không thể làm gì nữa. Cô chỉ biết nhắm mắt lại.

Chỉ một phút sau, khi mở mắt, Ly thấy chân trái của mình gần như đã không còn, người đau khắp và cử động khó khăn. “Đau lắm nhưng không hiểu sao mình không xỉu”. Ly có thể cảm nhận tất cả những gì đang xảy ra trong cơ thể mình, biến động của sự vật xung quanh và cả những mơ hồ trong niềm tin về cái gọi là tình thương giữa con người với nhau. Tài xế xe tải đang vẫy gọi taxi đưa cô đi cấp cứu. Nhưng đáp lại đều là những lặng thinh giữa tiếng còi xe inh ỏi, những cú tăng ga và sự phớt lờ để khỏi bị làm phiền. Cô không thể nghĩ gì khác ngoài tìm mọi cách để tự đưa mình đến bệnh viện. Ly không hiểu sao mình lại có thể tỉnh táo để dặn tài xế xe tải ra giữa đường lớn chặn xe hơi cá nhân đang di chuyển để cứu lấy mình. Cô không hiểu sao bản thân lại có đủ bình tĩnh để vội tìm điện thoại gọi báo tin cho mẹ. Cô vẫn nhớ như in khi ấy màn hình hiển hiện 8:45 phút.

“Phải phẫu thuật ngay, trường hợp này không đợi được”, Ly nghe tiếng bác sĩ cấp cứu với giọng nói giục giã.

Tỉnh lại sau ca mổ, cô bất ngờ khi biết mình không chỉ mất một chân. Ly bị đa chấn thương: hoại tử chân trái, trật khớp háng chân phải, giập hai lá phổi, gãy xương sườn, xương chậu, xương cùn trái phải, xương mu ngành trái phải, xương chân mu… Nhìn các loại thuốc đang được truyền vào cơ thể, rất nhiều dây nhợ và băng gạc chằng chịt khắp người, Ly chưa biết tương lai sẽ ra sao. Cô cũng không biết khi nào có thể trở lại với công việc.

“Liệu mình có thể tiếp tục với đôi chân nay đã mất đi vĩnh viễn một điểm tựa?”

Từ ngày định mệnh ấy, Ly cảm giác chiếc chân trái vẫn còn đây với bao nhiêu cơn đau dai dẳng. Y khoa gọi trường hợp này là đau chi ma. Theo đó, đau chi ma còn có tên gọi khác là cơn đau ảo. Đây là cảm giác phổ biến xảy ra trong các ống tay, chân nơi bệnh nhân cảm thấy đau ở vùng cơ thể đã không còn tồn tại. Cơn đau có thể từ một cơn đau nhẹ, như thể chân tay đã ngủ cho đến cảm giác bỏng rát khó chịu và cảm giác đau nhói từng hồi.

Ly là một trong số ấy. Khi chân trái đã không còn, cô vẫn cảm thấy nhói đau ở những vị trí mà con mắt vật lý của cô và tất cả mọi người xung quanh đều không hề nhìn thấy một thành phần nào. Vậy mà nó cứ xuất hiện cả đêm lẫn ngày, lúc dài lúc ngắn, khi thì chỉ thoáng qua và trong khả năng chịu đựng. Nhưng cũng có lúc, nó khiến Ly vật vã, kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần. Những lúc như thế, cô chọn cách nghiến răng, thay vì khóc hay la hét cho vơi bớt cảm giác kinh khủng mà chỉ người trong cuộc mới thấu. Bên trong người phụ nữ có vóc người nhỏ nhắn là một trái tim can trường.

“Tôi chỉ nghĩ đây là cái số”, cô nói về ngày định mệnh lấy đi chân trái của mình nhẹ nhàng như thế.

Có lúc nằm một mình trên giường bệnh với bao nhiêu cuồng phong của cơn đau trên cơ thể lẫn những chất vấn trong tâm trí, cô bật khóc và tự hỏi tại sao chuyện này lại xảy đến với mình. Nhưng đó chỉ là khoảnh khắc hiếm hoi. Nó chỉ như một cơn gió thoáng qua rồi chợt đi lúc nào không biết. Trước người thân, đồng nghiệp và bạn bè thân thiết, họ chỉ thấy Ly vẫn bình tĩnh, lạc quan và kiên cường. Từ xưa đến nay cô đã luôn sống như một hình mẫu của một “nữ cường nhân”. Cô mạnh mẽ, quyết đoán và không bao giờ chùn bước trước những thử thách.

Trước khi gặp tai nạn, cũng không nhiều người biết Ly trải qua nhiều biến cố lớn trong cuộc sống gia đình. Cha mất sớm, anh trai cũng vắn số vì tai nạn giao thông, cô cùng mẹ và em trai nương tựa nhau đi qua những bão giông để gầy dựng tổ ấm. Đến khi lập gia đình, cô tưởng đời mình cũng yên ổn phần nào nhưng cuộc hôn nhân dần đi đến rạn nứt. Thời điểm mất một chân, Ly đã chia tay chồng một thời gian và sống cùng hai cô con gái nhỏ. Với Ly, những từ như “thử thách”, “biến cố”, “khó khăn” không phải là điều gì quá ghê gớm. Ly đã quen sống một cuộc đời bươn chải, thăng trầm, đã quen đối mặt với sương gió, tự mình đương đầu với mọi thứ. Cô nói có lẽ mình học được tích cách tự lập phần nào từ mẹ và chính những trải nghiệm của quá khứ tạo nên một người phụ nữ có tính nam trội hẳn trong cô.

Khi nhắc đến những chông gai từng trải, Ly dường như thản nhiên, điềm tĩnh và thậm chí nở nụ cười an nhiên như một người xuôi theo dòng chảy của tự nhiên, không cưỡng cầu bất cứ điều gì. Song khi mở lòng nhắc đến mẹ, nước mắt cô dần tuôn rơi. Lúc gặp tai nạn, người cô nghĩ đến đầu tiên là mẹ. Không phải cô nghĩ đến việc mẹ đến bệnh viện săn sóc cho mình, mà cô hồi tưởng quá khứ mà bà cam qua với nỗi đau mất chồng và con trai. Ly sợ mẹ không chịu đựng nổi nếu cô có mệnh hệ gì. Mình phải sống tiếp và sống thật tốt. Cô đã nhủ thầm như thế, khi nằm dưới gầm xe tải.

Nội lực tự thân và từ chính người mẹ yêu quý đã trở thành sức mạnh và điểm tựa để dũng khí trong Ly được lên tiếng mạnh mẽ. Suốt một tháng ở viện, một tháng nằm ở khách sạn gần bệnh viện để y tá tiện bề chăm nom vết thương và nhiều tháng dưỡng bệnh tại nhà, Ly nhẫn nại với từng cơn đau, kiên trì với việc nằm yên một chỗ không thể di chuyển nhiều, thậm chí có lúc không thể xoay trở cơ thể. Mọi hoạt động và vệ sinh cá nhân đều phụ thuộc vào mẹ và chị họ.

Ly chăm sóc tinh thần bằng những suy nghĩ tích cực, giải tỏa trí óc bằng những bản nhạc bolero hay tiếng kèn saxophone. Khoảnh khắc lần đầu cảm nhận trở lại ánh nắng mặt trời xuyên qua da thịt và nhìn thấy dòng người đông đúc ngoài phố, Ly mới biết tự do quý giá biết bao. Cô ước gì mình còn chân trái dù biết điều đó là không thể. Khao khát sống và sống đời ý nghĩa càng mạnh mẽ hơn trong cô. Biến cố không phải dấu chấm hết. Biến cố lại càng khiến Ly mãnh liệt hơn, biết ơn cuộc đời nhiều hơn và tin vào tương lai hơn nữa.

Từ hàng ghế chờ của khách hàng tại điểm giao dịch, người viết bị ấn tượng mạnh bởi một cô gái thường trực trên môi nụ cười rạng rỡ, bước đi vững chãi, thong thả và ung dung. Không có bất cứ chi tiết nào đáng kể cho thấy cô ấy chỉ còn một chân và đã bước qua những ngày có thể nói là đen tối nhất của cuộc đời. Nhưng cô chính là Nguyễn Hoàng Ly – từng là nhân viên kinh doanh, nay đảm trách công việc dịch vụ khách hàng tại văn phòng FPT Telecom trên đường Hà Huy Giáp, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Ly đã trở lại với công việc, sau đúng một năm ngày định mệnh. Cô đã lắp chân giả và đi lại khá ổn dù không thể như khi còn đủ hai chân thật. Trải qua gần chục ca phẫu thuật xử lý vết thương nặng đến ghép da để nối chân giả, Ly đã có thể trở lại với cuộc sống bình thường. “Chỉ có thể nói là vi diệu”, cô nói về hành trình bản thân đi qua.

Sau những ngày vật lộn tập đi trên chiếc chân giả đến chảy máu khắp nơi, Ly đã quen với người bạn đồng hành mới. Những lúc mỏi chân vì áp lực tì cả người vào khớp da đã cụt, cô tháo chân giả ra cho cơ thể thả lỏng và nghỉ ngơi. Không thể di chuyển nhiều vì sức chân yếu, Ly trở thành nhân viên dịch vụ khách hàng. Mọi thứ diễn ra không như Ly từng dự liệu nhưng nó đã tốt theo cách cô không thể ngờ tới.

Những ngày chữa bệnh, Ly nhận ra mình may mắn biết bao vì là một thành viên của nhà F. Nếu bình thường cô thấy FPT là một nơi làm việc tốt với môi trường chuyên nghiệp, linh động và gắn kết. Thì ở những thời khắc cô cần sự động viên, lãnh đạo và đồng nghiệp nơi đây đã cho cô cảm nhận rõ sự ấm áp và tình người không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. Dù phải bán đi một căn nhà để lo chi phí, Ly cho biết công ty đã hỗ trợ cô rất nhiều để không phải lo lắng hay đắn đo về tiền bạc trong các ca phẫu thuật, lắp chân giả, thuốc men. Khi Ly cần thực hiện một cuộc phẫu thuật quan trọng, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa đã đích thân tìm người trợ giúp. Bây giờ cũng thế, khi biết cô muốn tiếp tục đi làm, công ty tạo điều kiện cho cô với công việc văn phòng phù hợp với sức khỏe.

“Cuộc sống có hai phần là kinh tế và tinh thần mà công ty cho mình cả hai thì quá là tuyệt vời, mình không thể mong muốn gì hơn”, cô tâm sự.

Với công việc mới, Ly phải học lại nhiều thứ. Không còn mỗi ngày tung tăng khắp nơi để tiếp xúc khách hàng và ký hợp đồng, thỉnh thoảng cô hồi tưởng những ngày rong ruổi ngoài đường, đi bộ hàng chục cây số là bình thường. Nhớ vậy thôi, Ly rất hài lòng với công việc hiện tại. Được các sếp và đồng nghiệp hỗ trợ hết mình, cô rất biết ơn.

Sau tất cả những chuyện đã qua, Ly thấy mình trầm hơn dù vẻ ngoài luôn tươi tắn, tích cực. Cô không suy nghĩ quá xa xôi mà chỉ tập trung vào hiện tại. Mỗi ngày làm thật tốt công việc được giao, về nhà thì là người bạn thân thiết của con, dành một chút thời gian tập đi bộ cho linh hoạt, đọc báo, nghe nhạc và xem phim. Những cơn đau vẫn hay bất chợt đến khiến cô thường thức giấc nửa đêm. Đã quen với việc chịu đau, Ly không thấy quá khó khăn để giải quyết tâm trạng những lúc như thế. Cô để chúng tự đến rồi tự đi.

“Chuyện đã như vậy rồi mình có làm gì nó vẫn là như vậy. Đừng làm nặng nề nó đi mà làm sao để tốt đẹp nhất là được”, cô tâm niệm như thế.

Đằng sau nụ cười nhẹ nhàng và trầm tĩnh của Ly, đôi lúc ẩn chứa một nét buồn phảng phất. Ly nói thế. Không phải là nét buồn của trách giận, khó chịu hay hoang mang, đó chỉ là sự trầm lắng của một người bước qua nhiều sóng gió trong đời. Nét buồn không bi quan, không bị động, chỉ là một chút buồn vương lại mà thôi. Ly nhận mình là người nội tâm, thích những thứ thiên về bên trong, yêu việc tự tay trồng cây và chăm hoa. Đã sống ở Đồng Nai hơn chục năm, Ly vẫn luôn ấp ủ cơ hội trở về quê hương để sống gần với những gì thuộc về nguồn cội của mình nhất. Cô hy vọng vào một ngày không xa, văn phòng FPT tại quê hương Bình Định sẽ đón nhận mình.

Khi nhắc đến những giá trị cốt lõi trong cuộc đời, ánh mắt Ly dịu dàng và sâu lắng. Điều đó làm người đối diện hoài nghi khi cô nhắc đi nhắc lại nhiều lần là mình “nam tính”. “Có lẽ do tuổi Dần nó thế”, cô cười giải thích.

Theo Chungta

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây