20-11. – Lại phải “đi” cô rồi chị ạ ! – Mua quà gì đây? – Thôi, “đi” phong bì cho tiện.
Hay nhỉ, tôi còn nhớ khi xưa, lúc tôi còn đi học cấp 2, khi đến ngày Nhà giáo Việt Nam các bạn trong lớp bảo nhau góp tiền lại, hồi đó mỗi bạn chỉ góp 5.000 đồng để mua cho cô vật lưu niệm, có khi lại còn mua cả 1 tập ảnh Hoàn Châu Cách Cách được gói lại rất cẩn thận. Cứ thế, cả lũ hì hụi chở nhau đi, đường làng đất đỏ, đầu đứa nào cũng 1 lớp bụi, nếu là thời đại bây giờ thì chắc người ta nghĩ chúng tôi nhuộm tóc. Khi đến nhà thầy cô thì được thầy cô mời vào uống nước, ăn bánh kẹo, chưa kể là lục tung bếp của nhà cô vì đã “quá trưa”, cô trò kể chuyện, nói cười rôm rả, đúng nghĩa là “Lễ”, chứ không không có phần "Lạt" như bây giờ.
Thế nhưng, ngày nay mọi thứ đều thay đổi, thay đổi như sự hối hả của đô thị. Các bố mẹ muốn giáo viên quan tâm – giúp đỡ con mình hơn nên tỏ chút lòng thành bằng những món quà đắt tiền, hay chuyển hẳn phong bì cho nó tiện và thực tế. Thế là sự quan tâm của bố mẹ vô tình làm "tắt" luôn tiếng cười của con. Thấy thương các con!
Tối qua, mẹ mua giấy màu – bút vẽ về để anh con trai tự tay làm thiệp chúc mừng cô. Anh ấy nói ”Phải có quà nữa mẹ ạ! Các bạn bảo vậy”. Vậy hóa ra trong mắt các con, tấm thiệp chúc mừng không phải là quà sao? Năm tuổi, các con đã có sự phân biệt quá rõ ràng về vật chất. Mẹ không nghĩ là quà của con sẽ kém hơn của các bạn, hoặc cô không thích món quà của con hơn quà của các bạn. Vì để có tấm thiệp tặng cô, mẹ thấy gương mặt háo hức của con khi cầm trên tay tập giấy màu, mẹ thấy nụ cười “ đắc thắng” của con khi con hoàn thành được 1 bông hoa, mẹ thấy màu sắc niềm vui loang đầy trên đôi tay chàng trai của mẹ. Và gạt đi sự toan tính của người lớn, chắc chắn cô giáo của con sẽ rất vui khi nhận món quà từ con. Con thấy không, dì của con và cả bác của con cũng là giáo viên, các dì các bác sẽ khoe những bông hoa, những tấm thiệp được học trò tặng trên facebook, thay vì khoe ảnh những món quà đắt tiền mà. Vậy đó, yên tâm con nhé!
Tôi thấy may mắn khi được làm việc trong môi trường ít dùng chữ “đi”, nếu có dùng thì dùng đúng nghĩa của nó trong từ điển tiếng Việt. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ không bao giờ nói chữ “ đi” trước các danh từ “Cô, Thầy”, vì tôi muốn con lớn lên sẽ không phải thêm chữ “sếp” sau chữ "đi" ấy.