Thứ Ba, Tháng Mười Hai 10, 2024
spot_img

Chất keo của FTEL

Ngày bé theo mẹ đi chợ, tôi không ít lần kinh ngạc trước cách mẹ tôi mặc cả với các bà bán hàng. Nếu không phải là chỗ đã quen mua bán thì thường hỏi giá xong, người bán hàng nói 10 đồng thì mẹ thường sẽ trả loanh quanh mức từ 3 đến 5 đồng.

Tất nhiên là người bán không chịu, thế là hai bên dùng dằng một hồi và “chiêu” cuối cùng của mẹ tôi là giả vờ dắt xe đạp đi cùng với câu: “Mình đi con”. Việc của tôi là đi theo mẹ cho thật giống việc bỏ đi thật, dù trong lòng đang sẵn sàng cho việc chờ nghe tiếng gọi giật lại của người bán hàng, đôi khi họ cũng không gọi lại, mẹ tôi sẽ vẫn tiếp tục đi thêm vài hàng khác, nếu hàng nào cũng giá vậy thì mẹ sẽ quay lại hàng có đồ tốt nhất để mua.

Nói thật là nếu không vì cốc chè đỗ đen hay quyển truyện tranh mẹ sẽ mua cho cuối buổi đi chợ thì còn lâu tôi mới tham gia hành trình đi chợ này, vô cùng mệt mỏi. Đôi khi tôi cũng hay hỏi mẹ sao mẹ trả giá thấp thế, mẹ tôi bảo không thế thì lấy đâu ra chè đỗ đen, ra truyện tranh, ra học phí, ra quần áo, ra tiền ăn cho hai thằng con ăn như hùm đói… Rồi tiếp đến là “trường ca” nhà mình nghèo lắm con ơi, có vẻ như thời đó bà mẹ nào cũng có bài ca đó. Tôi nhanh chóng nhận ra sai lầm khi hỏi câu này nên rất ít khi dám hỏi lại.

Bẵng đi nhiều chục năm, phải mãi đến khi làm ở Truyền hình FPT, tôi mới gặp lại cảm giác theo mẹ đi chợ ngày xưa khi cùng chị sếp của tôi đi gặp các đối tác mua bán nội dung hoặc cung cấp dịch vụ. Bối cảnh thường sẽ trong những căn phòng họp sang trọng nào đó với những hợp đồng tiền trăm triệu cho đến tiền tỷ, nhưng cách thức trả giá và giả vở “dắt xe đi” của chị sếp cũng không khác mẹ tôi là mấy.

Ban đầu, tôi còn khổ tâm hơn vì đối tác là chỗ quen biết hoặc bạn bè, tôi làm cầu nối cho đôi bên gặp nhau bàn bạc, nên khi nghe chị sếp tôi trả giá, bạn tôi thường nhìn ngay sang tôi với ánh mắt “mày chơi tao hả”, tôi thường tránh ánh mắt đó nhưng vẫn cảm nhận được. Sau tôi rút kinh nghiệm là sẽ không giới thiệu chỗ quen, chỉ đi theo thẩm định hàng và ngồi yên nhìn chị sếp trao đổi với đối tác rất nhẹ nhàng, mềm mại tựa như con trăn nhẹ nhàng cuốn từng vòng quanh một con mồi tội nghiệp nào đó.’

Ảnh minh họa: “Chị sếp tôi, đầu hai thứ kính”

Vài đối tác thậm chí choáng váng mất một lúc mới nói lại được, còn chuyện giật mình sặc nước hay vội vàng hút thuốc cho bình tĩnh là chuyện quá bình thường. Điểm đáng nói ở đây là thái độ chị sếp của tôi vẫn nhẹ nhàng chớp chớp mắt ngồi đợi câu trả lời của đối tác. Không phải lần nào cũng thành công, nhưng giá đạt được cũng luôn ở mức thấp nhất có thể.

Chị sếp tôi cũng thuộc loại gia đình ba đời có điều kiện, sống rất hào sảng với đàn em, sẵn sàng bao ăn, bao uống, bao nhậu, cho quà không tiếc. Chỉ khi gặp đối tác thì cái chất KEO trong chị nó mới bùng lên. Điều này ban đầu khiến tôi vô cùng khó hiểu, nhưng về sau, tôi phát hiện ra không chỉ mình chị sếp tôi có chất KEO đó trong công việc, mà rất nhiều anh chị sếp khác trong FTEL cũng có chất KEO này. Tiêu tiền riêng thì rất hào sảng, nhưng cứ động đến tiền công ty thì KEO đến mức kinh dị. Càng cấp cao, càng KEO. 

Kể cũng lạ, ở nhiều cơ quan hay công ty khác, thường người ta hay chi tiêu hào sảng bằng tiền của công chứ ít khi lại KEO như bên mình. Nhưng rồi tôi lại nhớ tới hình ảnh đi chợ của mẹ tôi, có lẽ chị sếp tôi và các anh chị sếp khác của FTEL có được cái chất KEO đó bởi họ đang làm cho công ty chẳng khác nào như đang lo toan cho chính gia đình của mình vậy. Nên nếu phải tìm ra một chất tiêu biểu của FTEL, tôi nghĩ đó là KEO, và như chúng ta đã biết, tác dụng của mọi loại keo luôn là làm cho mọi thứ gắn chặt lại với nhau.

Tác giả: Anh Đinh Tiến Dũng – Giám đốc Sáng tạo FPL

Trích sách Sử ký FTEL 25 năm Bán Mạng

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img