Sử ký FTEL 25 không chỉ nhận được sự quan tâm đông đảo của các CBNV đang công tác, chương trình còn là nơi mà những người từng gắn bó với nhà Cáo gửi gắm kỷ niệm, tâm sự về một thời vàng son và đầy nghĩa tình.
Cách đây ít ngày, anh Hoàng Trung Kiên (cựu PTGĐ FPT Telecom, hiện là TGĐ FPT Retail) đã gửi một bài thơ tới Ban tổ chức. Theo chia sẻ của anh Kiên, bài thơ này anh viết tặng Ban Quản lý và Phát triển Đường trục (PMB) nhân dịp hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường trục Bắc – Nam đầu tiên của FPT Telecom (ngày 11/11/2012).
Đặc biệt, nhiều tình tiết trong bài thơ là những câu chuyện có thật, gắn với các thành viên PMB, INF, NOC giai đoạn đó, cả trong và ngoài dự án đường trục.
Ngày Ban đường trục lên đường
Anh em cùng chúc dặm trường gặp may
P-M-B, tên rất hay
Đi đâu được đó, bắt tay thật tài
Đường đi xuôi ngược rất dài
Trải bao biến cố, thiện tai khôn lường
Có khi gặp cô gái Mường
Nghỉ chân rít thuốc, tơ vương nơi nào
Có khi đèo cả, trời cao
Dừng xe, chụp ảnh gửi vào cho em
Có khi trèo cột nhá nhem
Trượt chân rơi tõm… lem nhem dọc đường
Có ngày đèn cháy, mù sương
Gạt nước không chạy, lại đương phải về
Google lắm lúc tức ghê
Đường gần nhưng phải lên đê, xuống bùn
Nhậu nhiều, nhưng nhớ phải luôn
Giữ mình tỉnh táo, để luồn được dây
Ước gì cột điện tự xây
Cống bể tự có, thì say hết mình
Kể sao cho hết sự tình
Cho đầy nỗi nhớ của mình với ta
Bây giờ mọi việc can qua
Đường trục đã có, mình ta sum vầy
FTEL cũng kể từ đây
Có riêng đường trục, tự xây của mình
Ước mơ bao kiếp giờ đây
Đã thành sự thực, nắm tay vẫn ngờ
Bao nhiêu dịch vụ đã xây
Dựa vào đường trục, từ nay tốt dần
Và bao dịch vụ đám mây
Từ đây lại được đắp xây thêm nhiều
Chuyện vui, nên mải lắm điều
Nhờ bạn góp ý, thêm chiêu, tiếp lời
Viết nên câu chuyện để đời
Về Ban dự án, về người FTEL.
Theo cuốn Sử ký FTEL 20 – Nhiệt huyết tuổi 20, ngày 01/07/2011, với mục đích tự thân sở hữu tuyến trục, FPT Telecom quyết định thành lập Ban Dự án Đường trục Bắc – Nam để thực hiện xây dựng tuyến truyền dẫn cáp quang Hà Nội – TP.HCM với cấu hình 1+1, tạo kết nối hoàn chỉnh hệ thống đường trục gồm: Quốc tế Landline (Trung Quốc – Lạng Sơn – Hà Nội), Back-bone (Hà Nội – TP.HCM) và Quốc tế cáp biển (TP.HCM, Vũng Tàu, AAG).
Anh Vũ Viết Quân, Trưởng phòng Quản lý Vận hành Đường trục, PMB, viết trong Sử ký FTEL 20: “Đường trục, hai từ khi phát ra thành lời rất ngắn nhưng ẩn sâu phía sau hai từ đơn giản đó là cả một quá trình không thiếu sự vất vả, hy sinh thầm lặng của các thành viên trong dự án ngày đầu tiên xây dựng tuyến đường trục Bắc – Nam”.
Theo anh Quân, địa điểm khởi công là một vùng đồng trống thuộc một xã miền núi của huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Đoạn đường từ QL1A đến điểm khởi công khoảng chừng 20km, nhưng việc di chuyển đến nơi đó là cả một cuộc hành trình, con đường mưa bùn lún, không có một đoạn thẳng nào khô ráo để chúng tôi đi được an toàn. Anh em trong ban dự án phải đi bộ hơn 10km để đến được địa điểm để lo công tác chuẩn bị cho ngày hôm sau làm lễ khởi công”.
Anh Quân không phải người duy nhất cảm thấy bồi hồi khi nhớ về dự án lịch sử. Trong câu chuyện của anh Trần Hoàng Ngọc Tuấn, Phó phòng Quản lý vận hành đường trục, PMB, nhiều thành viên gác lại việc riêng cho dự án này.
“Anh nén đau chờ đến ngày quay về thành phố khám, bởi dọc tuyến đường này không có bệnh viện nào. May mắn là vết thương của Tuấn không quá nguy hiểm. Sau vài ngày điều trị, anh lại tiếp tục lên đường. Cả FTEL đang hy vọng vào dự án này. Ban Dự án Đường trục Bắc – Nam căng mình để hoàn thành công trình đúng tiến độ. Ai cũng quay cuồng và không có thời gian để nghĩ cho bản thân.
Ba tuần nữa là đến lễ cưới nhưng Tuấn chẳng chuẩn bị được gì. Mọi thứ anh phải nhờ vợ sắp cưới giải quyết để yên tâm làm nốt công việc. Nhà Tuấn thờ Phật, trong khi vợ anh lại theo đạo Thiên chúa. Việc học giáo lý với anh là bắt buộc. Anh xin với Cha xứ giảm ngày học xuống vì quá bận dự án”, anh Tuấn viết trong Sử ký FTEL 25.
Sự hy sinh đó đã được đền đáp khi ngày 11/11/2012, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành. Niềm vui vỡ òa xen lẫn những giọt nước mắt. Tất cả điều đó may mắn được những người trực tiếp có mặt, chứng kiến ghi chép lại trong Sử ký FTEL 20 và truyền tay nhau qua nhiều năm.
Đây cũng là điều mà Ban tổ chức mong muốn khi Sử ký FTEL 25 ra đời. Đây không chỉ là sân chơi của những con người hiện tại, mà còn là cầu nối gắn kết những thành viên của quá khứ và hướng tới tương lai.
Đúng như TGĐ Hoàng Việt Anh đã chia sẻ: “Để đến một ngày mai, chúng ta không có cơ hội làm việc với nhau nữa, nhưng gặp lại nhau, chúng ta vẫn nhìn thấy chất FTEL ở trong mỗi một con người. Đó là dấu hiệu để gắn kết người FTEL và những người cựu FTEL với nhau”.
Anh Hoàng Trung Kiên sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Hệ thống thông tin (MBIS) tại ĐH Tổng hợp Tự do Bruxelles, Vương quốc Bỉ. Anh gia nhập FPT từ năm 2000 với vị trí tư vấn và kinh doanh giải pháp phần mềm khối doanh nghiệp, ngân hàng tài chính… tại Công ty Giải pháp Phần mềm FPT. Năm 2007, anh gia nhập nhà Viễn Thông tham gia mảng kinh doanh Domain và Hosting, Datacenter. Anh giữ chức PTGĐ Công ty IDS trước khi hợp nhất với FTI; là Giám đốc FPT Telecom Vùng 1 và Vùng 2 trước khi được bổ nhiệm PTGĐ Viễn thông nhà F. Từ ngày 1/7/2012, anh Hoàng Trung Kiên trở thành Phó Tổng giám đốc FPT Telecom. Năm 2020, theo chính sách luân chuyển của Tập đoàn FPT, anh Kiên rời FPT Telecom và giữ chức Tổng Giám đốc FPT Retail. |
Thu Hòa