Thứ Sáu, Tháng Mười Một 22, 2024
spot_img

Vượt qua nỗi nghi ngờ vaccine Covid-19

TTO – Hàng tỉ người trên thế giới đang mong mỏi được tiêm vắc xin. Thế nhưng ngược lại, có những người ngay cả khi được cung cấp vắc xin lại từ chối.

Thậm chí số liệu thống kê tại một số quốc gia trên thế giới cho thấy tỉ lệ từ chối không chọn tiêm vắc xin chiếm 20-50%! Tại sao vậy?

Trường ĐH Carnegie Mellon (Mỹ) mới đây công bố kết quả nghiên cứu qua mạng xã hội Facebook về những nguyên nhân khiến cá nhân do dự không tiêm vắc xin. Kết quả tổng hợp cho thấy 45% số người trả lời nói rằng họ chắc chắn sẽ không tiêm vắc xin vì sợ tác dụng phụ và 40% nói rằng họ muốn chờ xem liệu vắc xin có an toàn hay không.

Có 29% người không muốn tiêm vắc xin nói rằng họ không tin tưởng vắc xin và 20% nói rằng họ không nghĩ rằng vắc xin có hiệu quả.

Như vậy, có thể thấy nguyên nhân gây lo lắng chủ yếu là sợ tác dụng phụ của thuốc, lo ngại về thời gian thử nghiệm lâm sàng quá ngắn chưa nghiên cứu rõ tác hại trong tương lai lâu dài… Vì vậy, họ trì hoãn và viện cớ hoặc tạo ra các câu chuyện, tin đồn để giải thích hợp lý cho sự trì hoãn hoặc sợ hãi của họ.

Dạng tin đồn thứ nhất là tiêm vắc xin có nghĩa là tôi tự đưa virus corona vào người. Đây là suy nghĩ sai lầm. Bản thân vắc xin là virus yếu, nó không phải là virus sống nên không thể gây ra Covid-19 sau khi tiêm. Ngược lại lợi ích của tiêm vắc xin tốt hơn nhiều so với việc bị nhiễm.

Dạng tin đồn thứ hai là sau tiêm sẽ có các triệu chứng và tôi sẽ bị cách ly. Tất nhiên bất cứ một loại vắc xin nào (kể cả vắc xin cúm mùa) cũng đều có nguy cơ gây ra các phản ứng phụ dạng nhẹ và an toàn.

Nhiều người cho rằng dù sao thì mình cũng sống đến thời điểm này, mình vẫn đang an toàn rồi, thôi không dại gì làm một hành động mang đến nguy cơ làm gì. Đây là kiểu suy nghĩ suy diễn, thảm họa hóa vấn đề và chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của vấn đề. Với những cá nhân này, cần đưa ra một niềm tin mới hợp lý hơn là: “Tôi đã được tiêm và việc này không dẫn đến kết quả dương tính với COVID-19, tôi sẽ không bị cách ly và sẽ không bị mất việc”.

Dạng tin đồn thứ ba là vắc xin không an toàn vì nghiên cứu phát triển nó trong thời gian quá ngắn. Tất nhiên là phát triển vắc xin nhanh nhưng chúng dẫu sao cũng đã trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt về độ an toàn trước khi được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép.

Chúng ta cần có niềm tin mới rằng: “Vắc xin an toàn và sự phát triển nhanh chóng của vắc xin là kết quả của công nghệ tiên tiến và tâm huyết làm việc của nhiều nhà khoa học chứ không phải là nghiên cứu một cách sơ sài. Tôi sẽ tiêm vắc xin để đảm bảo sự an toàn của tôi và gia đình”.

Trong y văn có một loại bệnh đó là chứng sợ tiêm (trypanophobia), là một dạng ám ảnh sợ các thủ thuật y tế liên quan đến tiêm chủng, lấy máu, cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch. Chứng sợ kim tiêm này thường là ở trẻ nhỏ nhưng đáng buồn là cũng có đến khoảng 7% những người trưởng thành thường tìm mọi cách tránh các hình thức liên quan đến tiêm chủng chỉ vì nỗi sợ hãi này.

Và trong bối cảnh tiêm chủng là phương cách tốt nhất phòng ngừa dịch bệnh, họ sẽ tạo ra những thông tin, những âm mưu gây sợ hãi để bao biện cho nỗi sợ của mình, để bảo vệ thể diện rằng việc từ chối tiêm hay có định kiến với vắc xin là hợp lý.

Tuy nhiên, hãy nghĩ đến những điều quan trọng đằng sau mỗi quyết định của chúng ta. Nếu không tiêm phòng, chúng ta có nguy cơ cao bị bệnh và lây bệnh cho những người thân. Vì vậy chúng ta sẽ lựa chọn tiêm vắc xin chống lại sự lây lan của virus.

Chúng ta sẽ lựa chọn tiêm cho bản thân và con cái các loại vắc xin trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời chứ không phải chỉ vắc xin Covid-19.

Nguồn tin: Theo Tuoitre.vn

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img