Thứ Tư, Tháng Chín 11, 2024
spot_img

Văn hoá FPT và những lầm tưởng

Lịch sử phát triển trải suốt gần 4 thập niên với những đặc điểm “không giống ai” khiến FPT nhận nhiều cái nhìn tò mò từ người ngoài. Tò mò nhất có lẽ là về văn hoá, bởi đó là điều tạo nên “chất” FPT. 

Đầu tiên, phải khẳng định: không thể đưa ra một định nghĩa cho văn hoá FPT, bởi nó mênh mông, sâu, rộng và dài. Trong một nỗ lực tìm về những gì cơ bản nhất, Chúng ta thử điểm qua những từ ngữ/khái niệm thường được “gán” cho văn hoá FPT.

Văn hoá FPT là chửi sếp?

Khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của Cách mạng Pháp đã cổ vũ những nhà sáng lập FPT. Tập đoàn thường tự hào 2 tiếng “dân chủ”. Nhờ đó, không phân biệt sếp với quân, người FPT làm gì cũng “a lô xô” tất cả cùng “chiến”, và rõ ràng đã đạt nhiều thành tựu. Nhờ đó, tiếng nói của mỗi người đều được lắng nghe, tạo môi trường bình đẳng. Nhờ đó, nhiều người đã rời vẫn lưu luyến về công ty.

Một buổi làm việc của CBNV FPT tại “ngôi nhà” đầu tiên, số 89 Láng Hạ.

Nhưng cũng bởi đó, việc tự do trao đổi đôi khi bị hiểu sai nghĩa, và vì thế, đi quá giới hạn. Từ những ngày đầu cho tới khi quân số FPT bằng khoảng 1/5 hiện tại, tức là vào khoảng giữa những năm 2010, những cuộc cãi vã trong công việc, nhất là cãi sếp, vẫn được coi như chuyện thường tình. Nhiều bài viết của nhân viên Tập đoàn còn ca ngợi việc này. Thậm chí một số người được ca tụng vì có khả năng… chửi hay.

Không ai lạ gì giai thoại về câu “mắng” của anh Hoàng Nam Tiến – thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT – giữa buổi họp với lãnh đạo, khi còn là nhân viên: “Các anh ng* bỏ m*!”. Sau đó, thay vì bị sa thải, anh Tiến được giao dự án lớn và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong FPT. Vin vào lẽ đó, nhiều người quả quyết FPT có văn hoá “chửi sếp” và trọng dụng những nhân viên dám “chửi” sếp. Tuy nhiên, anh Tiến đã giải thích khi đó anh chỉ “bốc” rồi “buột miệng” mà thôi. Sau câu “mắng” đó, cả phòng họp im lặng. Anh Trương Gia Bình hơi giật mình nhưng quay sang hỏi nhẹ: “Chú nói anh dốt thì chú có làm được không?”. Vào thế “đâm lao phải theo lao”, anh Tiến gật đầu “tất nhiên làm được”. May mà anh làm được, và làm tốt.

Người ta quên – hoặc cố tình bỏ qua – “tảng băng chìm” của câu chuyện này thường xuyên tới mức TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa từng phải lên báo “đính chính”: “Bảo FPT có văn hóa nhân viên chửi sếp là không đúng đâu. Chửi là cho đi luôn đấy”.

Văn hoá FPT là nói bậy?

Nét ngông nghênh, trào lộng, thích châm biếm của người FPT đã sẵn có từ dàn sáng lập viên, truyền qua nhiều thế hệ, tới nay không ghi nhận nhiều thay đổi. Thêm vào đó là sự gần gũi, tinh thần “đồng chí”, làm nảy sinh một thói quen gần giống “chửi sếp”: nói bậy.

Về khoa học, việc văng tục được thừa nhận rộng rãi là sự giải tỏa cảm xúc, tạm thời làm giảm áp lực, căng thẳng và cả nỗi đau. Bên cạnh đó, hành động này cũng có thể tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong nhóm, cùng hoạt động trong môi trường căng thẳng cao độ. Họ có chung cách giải tỏa là chửi thề.

“Không hiếm khi chúng ta nghe thấy mọi người văng tục trong các cuộc họp” – Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng phát biểu trên báo Chúng ta, số phát hành ngày 7/8/2004. “Tôi mơ thấy, một ngày không xa, mọi thành viên FPT đều thanh lịch như truyền thống của người Tràng An. Người FPT đi đâu cũng được mọi người yêu mến, quý trọng. FPT sẽ không chỉ nổi lên như một Tập đoàn công nghệ hàng đầu mà còn là một tập đoàn nề nếp, lễ nghĩa, trong đó mọi người luôn yêu thương, chia sẻ, gắn bó với nhau”, anh Bình tâm sự với phóng viên.

Như vậy, từ cách đây 20 năm, anh Bình đã kêu gọi một văn hoá ứng xử “thanh lịch”. Khi công ty còn ở quy mô nhỏ, cùng nhau nói tục có thể thể hiện một sự gắn kết hồn nhiên. Nhưng khi tổ chức đã “phình” ra tới vài chục đất nước và vùng lãnh thổ, khi nhân viên đã lên tới vài chục nghìn người, cả quốc gia quốc tế nhìn vào, thì nét hồn nhiên thô mộc đó chắc chắn không còn phù hợp.

Văn hoá FPT là STCo?

Ngày 13/9/1992, hiện tượng mang tên STCo (hay STC, Stico, phát âm là sờ-ti-cô) chính thức xuất hiện tại FPT. Ngay từ cái tên nửa tây nửa ta Công ty Sáng tác – Sáng tác Company, STCo đã báo hiệu sự độc lạ trong văn hoá FPT. Song hành tinh thần tiên phong của công ty, STCo mở màn phong trào “hát chế” của người FPT, nếu không muốn nói rộng ra là của cả giới trí thức Việt Nam sau thời kỳ Đổi Mới. Người FPT “hà hơi” cho đủ thể loại nhạc: nhạc xanh, nhạc đỏ, nhạc vàng, nhạc ngoại, dân ca, cổ điển, đem đến cho những giai điệu này sức sống mới. Các bài hát STCo thể hiện góc nhìn của người FPT về cuộc sống, công việc, đồng đội, có nội dung dễ nhớ, hài hước.

Các anh tài STCo FPT trong Đại hội quần hùng năm 2002.

Không trực tiếp tác động đến kết quả kinh doanh, nhưng STCo ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của FPT, đặc biệt là đời sống tinh thần. STCo mang lại những giây phút sảng khoái, sức mạnh đoàn kết. STCo khiến FPT tuy rất đông người mà hành xử như một người. Từ lãnh đạo tới nhân viên, ai nấy đều say sưa chung những bài ca. Vượt ra khỏi âm nhạc, người FPT còn đưa STCo vào cả kịch, thơ, khiêu vũ. Những tác phẩm STCo có sức sống bền bỉ, hay chí ít tới nay vẫn còn như vậy. STCo khiến người ngoài nhìn FPT như một “vương quốc riêng”.

Tuy thế, STCo không phải là tất cả của văn hoá FPT. Như lời anh Nguyễn Thành Nam – thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, Thủ lĩnh STCo – được ghi trong nhiều tài liệu: “STCo với slogan ‘Sáng tác theo tinh thần mới, theo nghị quyết mới’ thực sự phản ánh tinh thần cốt lõi của những người khai phá lúc đó: mong muốn sáng tạo không ngừng của cả tập thể. Bởi thế STCo không phải là văn hóa mà là một phong cách sống. STCo gắn với FPT như phong cách gắn với con người”. Còn anh Nguyễn Văn Khoa cũng giãi bày trong một bài phỏng vấn: “STCo là một đặc sản của người FPT nhưng có thể xã hội không thích”. Đúc kết đó được đưa ra sau bao thăng trầm của STCo – phong cách sống hồn nhiên đôi khi cũng từng làm FPT “điêu đứng”.

Một tiết mục tại Hội diễn năm 1999. Người đang “bay” là “nghệ sĩ dân tộc” STCo Nguyễn Duy Hưng (Hưng “đỉnh).

Như vậy, STCo chỉ là một hình thức sáng tạo, một phong cách sống. Hát chế chỉ là một biểu hiện của STCo. Nói bậy, chửi sếp chỉ là những biến tướng của tinh thần dân chủ.

*Văn hoá FPT thực chất được xây dựng toàn diện hơn thế.  

Văn hoá ấy bao trùm mọi mặt, mọi hoạt động của Tập đoàn và công ty thành viên; là tiêu chuẩn cho mọi quyết định; ảnh hưởng đến phong cách lãnh đạo; có tiếng nói trong việc đánh giá thu nhập; đóng vai trò lớn trong công tác kỷ luật – khen thưởng; chi phối việc tuyển chọn, đào tạo; tác động đến quan hệ với đối tác, khách hàng. Văn hoá ấy phải làm cho CBNV yêu mến công ty và cảm thấy hạnh phúc. Và quan trọng nhất, văn hoá ấy phải được xây dựng trên giá trị cốt lõi.

“Văn hoá là những giá trị cốt lõi về đạo đức, ứng xử mà chúng ta tin tưởng, thậm chí tôn thờ, được thống nhất từ cấp lãnh đạo cao nhất tới toàn thể nhân viên, được hiểu và thực hiện giống nhau, có tính lan toả, bền vững”, anh Đỗ Cao Bảo – thành viên Hội đồng Sáng lập, Uỷ viên HĐQT FPT – chia sẻ gần đây.

Bộ giá trị của FPT lần đầu tiên được đề cập trong thông điệp 20 năm FPT gửi toàn thể CBNV (tháng 9/2008) của Chủ tịch Trương Gia Bình. “Người FPT chúng ta Tôn trọng cá nhân, Đổi mới và Đồng đội. Đây là nguồn sức mạnh tinh thần vô địch, đem đến cho FPT thành công nối tiếp thành công. Tinh thần này là hồn của FPT, mất nó đi FPT không còn là FPT nữa. Bởi vậy, mỗi người FPT có trách nhiệm bảo vệ đến cùng Tinh thần FPT. Lãnh đạo các cấp – người giữ lửa cho tinh thần này cần Chí công, Gương mẫu và Sáng suốt. Làm được vậy FPT sẽ phát triển và trường tồn cùng thời gian”.

“Tôn – Đổi – Đồng, Chí – Gương – Sáng”, bởi thế, chính là nền tảng cơ bản nhất của FPT, được những người đứng đầu công nhận và khẳng định, là một phần không thể thiếu kiến tạo nên bộ Gen FPT, là tinh thần FPT, là sức mạnh thúc đẩy lãnh đạo, CBNV Tập đoàn không ngừng phát triển.

Hay nói cách khác, nếu muốn biết về văn hoá FPT, phải tìm hiểu về “Tôn – Đổi – Đồng, Chí – Gương – Sáng”.

Theo Chungta

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img