Theo anh Trần Thanh Hải – Giám đốc Công nghệ FTEL, trưởng BTC Sáng tạo FTEL 2021 nhận định, đây là vòng Chung khảo khá “đau đầu” bởi có tới 7 sản phẩm đi thi, nhưng số lượng lớn sáng kiến lại thể hiện cho tinh thần sáng tạo nổi bật từ các đơn vị.
Chiều ngày 12/10, vòng Chung khảo tháng 9 chương trình Sáng tạo FTEL 2021 chính thức diễn ra dưới hình thức Online. 7 sản phẩm dự thi tháng 9 bao gồm:
- Sản phẩm Cải tiến chi tiết móc mở nắp hầm – Tác giả Nguyễn Tấn Hưng (Trung tâm Quản lý và Phát triển Hạ tầng miền Nam – INF MN)
- Sản phẩm Tool định vị tuyến trục – Tác giả Nguyễn Thế Đại (Ban Quản lý và Phát triển đường trục – PMB)
- Sản phẩm Chương trình Sinh viên Công nghệ tập sự – Tác giả Trần Thị Diệu Linh (Ban Nhân sự – HR).
- Sản phẩm Ranking by doing – Tác giả Huỳnh Đăng Khoa, Phạm Tô Ni, Mai Thị Thu Hà (Trung tâm Quản lý đối tác phía Nam – PNC)
- Sản phẩm Hệ thống NVR – Tác giả Võ Trần Chí, Nguyễn Huỳnh Minh Thiện, Ngô Viết Phúc (Ban Giám sát thông minh – FSS)
- Sản phẩm Kim tự tháp học tập – Tác giả Nguyễn Hữu Thịnh, Nguyễn Thị Yến Nguyệt, Nguyễn Khắc Đức, Bùi Thị Bảo Khuê, Trần Thị Lệ Hằng, Trần Thị Hoài Trang, Ngô Thị Thùy Linh (Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế – FTI)
- Sản phẩm ICMS – Hệ thống vận hành tập trung – Tác giả Nguyễn Thanh Tùng và phòng số hóa (Trung tâm Quản lý và Phát triển Hạ tầng miền Bắc – INF MB).
Sản phẩm đầu tiên trình bày là sản phẩm Cải tiến chi tiết móc mở nắp hầm đến từ tác giả Nguyễn Tấn Hưng – INF MN. Theo thống kê dữ liệu về kết quả thanh tra bề mặt hầm năm 2020, có nhiều hầm trên địa bàn TP HCM bị hư hỏng liên quan tới chất lượng móc mở nắp hầm, từ đó, nhóm tác giả đã nảy ra ý tưởng cải tiến để giảm thiểu tình trạng trên.
Trước đó, đội ngũ sử dụng chi tiết móc mở nắp hầm dạng khoen tròn, thực tế tồn tại nhiều nhược điểm như thiếu thẩm mỹ, dễ bị gãy, tác động lớn đến kết cấu nắp hầm khi mở. Sáng kiến này thay đổi dạng chi tiết mở nắp hầm dạng hộp có lỗ với nhiều ưu điểm nổi bật, đặc biệt giúp công tác vận hành an toàn, thuận tiện, phù hợp với nhiều dụng cụ mở nắp hầm như xà beng, đòn bẩy và tool bánh xe trợ lực trước đó INF đã phát triển. Sáng kiến đã giúp tiết kiệm 140 triệu đồng/năm.
Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) đánh giá sáng kiến rất thực tế, tuy nhiên, anh Trần Thanh Hải mong muốn tác giả sẽ xây dựng, phát triển thêm sản phẩm để tiếp tục dự thi trong năm tới.
Sản phẩm thứ hai dự thi là Tool định vị tuyến trục từ PMB. Trước khi có sáng kiến, nhân sự vận hành tuyến cáp sử dụng Google Earth trên máy tính để đo chiều dài theo kết quả đo đã có, xác định điểm đứt khi xảy ra sự cố, trong đó thời gian xác định điểm sự cố dài, sai số lớn. Với tool định vị tuyến trục, đội ngũ PMB có thể xác định nhanh chóng, chính xác điểm đứt, đánh giá tình trạng tuyến cáp thuận lợi, từ đó giảm thời gian khắc phục sự cố, nâng cao chất lượng vận hành.
Tool định vị tuyến trục sẽ sử dụng dữ liệu khi triển khai hoàn thành tuyến cáp, dựa vào tọa độ để tính khoảng cách giữa các trụ, từ đó tool sẽ trả kết quả về vị trí cột bị sự cố đứt cáp, tọa độ, đồn trú sẽ xử lý, quãng đường di chuyển dự kiến và thống kê thông tin tuyến, số lượng măng xông, tỉ lệ MX/Km.
Chương trình Sinh viên Công nghệ tập sự là sáng kiến đến từ phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn lực, ban Nhân sự (FHR). Đây là chương trình tuyển dụng và tạo nguồn lực dành riêng cho sinh viên các ngành Công nghệ – Kỹ thuật. Chương trình đã tiếp cận hơn 4000 lượt đăng ký và 300 tập sự viên trúng tuyển.
Các thành viên từ phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn lực đã triển khai Livestream giới thiệu về chương trình với sự tham gia nhằm cung cấp thông tin chi tiết về chương trình và các đơn vị khối Công nghệ tại FTEL. Đồng thời, nhóm tác giả đã triển khai Seminar bảo trợ chuyên môn qua việc giao lưu trực tiếp với sinh viên, hướng dẫn ôn tập kiến thức và định hướng nghề nghiệp. Nhóm đã áp dụng thi tuyển Online để hạn chế tập trung đông người trong mùa dịch và sử dụng dạng đề thi mở nhằm đánh giá đúng năng lực từng ứng viên.
Chương trình đem lại những hiệu quả tích cực như tiết kiệm 10 – 20% tổng chi phí chương trình, giảm tỷ lệ hủy nhận việc.
Trước câu hỏi so sánh điểm mạnh của sản phẩm so với chương trình tuyển dụng sinh viên công nghệ tại các đơn vị khác, chị Trần Thị Diệu Linh – đại diện nhóm tác giả chia sẻ chương trình này giúp cho các bạn thực tập được thực hiện công việc (task) riêng và thực hiện xuyên suốt với sự hướng dẫn của mentor.
Sản phẩm Ranking by doing đến từ nhóm tác giả Huỳnh Đăng Khoa, Phạm Tô Ni và Mai Thị Thu Hà. Giải pháp trên giúp nhân viên được đánh giá tay nghề trong quá trình làm việc, giúp nhân viên theo dõi quá trình phát triển tay nghề, tăng năng suất công việc, nâng cao sự hài lòng của Khách hàng và đồng thời giúp tiết kiệm chi phí trong công tác đáh giá tay nghề nhân viên.
Sản phẩm ứng dụng phương pháp Gamification trong đào tạo, thay đổi hình thức đánh giá cũ là thi cử sang hình thức đánh giá mới với phương châm Khách hàng là trọng tâm, dùng Khách hàng để đánh giá tay nghề của nhân viên. HĐTĐ đánh giá đây là sáng kiến chuyển đổi số hiệu quả và giúp đánh giá nhân viên một cách chính xác, tiết kiệm, thông minh hơn so với trước đây.
FSS lần đầu tiên góp mặt vào “cuộc đua” Sáng tạo FTEL 2021 với sáng kiến Hệ thống NVR. Sáng kiến nhằm tạo ra một hệ thống tập trung, nền tảng cho một mô hình kinh doanh mới trong thị trường Camera.
Sản phẩm được tích hợp vào hệ thống FPT Camera giúp bảo mật kết nối hệ thống, cấu hình tự động và chủ động tự phát triển, dễ dàng tích hợp với đối tác. Đồng thời, sáng kiến cũng giúp đem lại hiệu quả “khủng” lên tới hàng trăm nghìn đô.
Sáng kiến thứ 6 trình bày là Kim tự tháp học tập từ FTI. Kim tự tháp học tập là một tháp mô hình tổ chức học tập dựa trên tiêu chí của mỗi lớp. Mỗi tầng của tháp đại diện cho: hình thức tổ chức, hoạt động, chất lượng khóa học và đánh giá lớp học. Tất cả các hoạt động đều được lồng ghép vào đầu buổi hoặc giữa buổi để tạo không khí cho lớp học online và lần đầu được áp dụng vào các lớp học trực tuyến ở FTI.
Sản phẩm giúp nâng cao trải nghiệm học của học viên sau mỗi khóa học, tăng số lượng học viên tham gia những khóa đào tạo, tạo nguồn năng lượng tích cực cho những buổi đào tạo trong thời gian dịch bệnh.
Hai giảng viên xinh đẹp của FTI cũng đã khuấy động buổi chấm thi bằng phần minigame thú vị đầu phần trình bày. “Làn gió mới” này đã khiến HĐTĐ dành nhiều lời khen cho nhóm bởi tinh thần tích cực.
Sản phẩm cuối cùng của vòng Chung khảo tháng 9 chính là ICMS – Hệ thống vận hành tập trung đến từ INF MB. Hệ thống công cụ giúp tự động hóa toàn trình công tác vận hành hệ thống bao gồm lập kế hoạch tự động, triển khai tự động, vận hành tự động, giám sát và xử lý lỗi tự động, phân tích và báo cáo tự động.
Tính sáng tạo của Hệ thống chính là hệ thống khép kín, số hóa và giám sát toàn bộ vòng đời của thiết bị, quy trình thống nhất liền mạch, giúp công tác quản lý vận hành được tập trung, đồng bộ, đơn giản, đem lại hiệu suất làm việc cao.
Sáng kiến đã giúp tiết kiệm 2,7 tỷ đồng/năm chi phí vận hành, loại bỏ hơn 35% loại kế hoạch cần con người thao tác, giảm 60% thời gian xử lý sự cố logic.
Siêu Ú