Những con số, thuật toán rắc rối không thể làm khó Đỗ Minh Hiệp – INFMB, nhưng chàng trai 24 tuổi này lại “tẽn tò” khi kể về tìm một nửa của mình.
Với tưởng tượng của nhiều người, những ai học CNTT như Đỗ Minh Hiệp sẽ khá khô khan và ít nói. Nhưng tiếp xúc với chàng “tiến sĩ CISCO” vừa nhận chứng chỉ CCIE, cậu có phần lém lỉnh.
24 tuổi, ở độ tuổi rất trẻ ấy chàng trai này đã được Cisco – Tập đoàn số 1 thế giới về Mạng và Internet chứng nhận là chuyên gia công nghệ mạng quốc tế (CCIE). Sở hữu nụ cười hiền lành Đỗ Minh Hiệp với những hoài bão cháy bỏng đã cho tôi một góc nhìn rất khác.
Tự học, tự kiếm tiền và đi thi đơn độc
Hiện nay, hệ thống chứng chỉ của Cisco có giá trị trên 200 quốc gia. Trong đó, kỳ thi CCIE của Cisco còn được đánh giá là một trong những kỳ thi khó nhất thế giới. Trên thực tế, các “sĩ tử” khi thi CCIE có thể phải trải qua những bài thi khó hơn ví dụ và với câu hỏi trắc nghiệm, chỉ có duy nhất một lần chọn đáp án, không thể quay lại.
Trên thế giới hiện nay, chưa đến 3% chuyên gia mạng đạt được chứng chỉ CCIE. Trong cuộc thi tại HongKong vừa qua, Đỗ Minh Hiệp là một trong số 3% đó. Khi xác định sẽ thi CCIE, Hiệp đặt mục tiêu phải đỗ ngay từ lần đầu tiên.
Tuy nhiên, lần thi cách đây 6 tháng, may mắn chưa mỉm cười với Hiệp. “Lần thi thứ 2 còn hồi hộp và áp lực hơn lần đầu rất nhiều. Sợ trượt, sợ phải chờ đợi để thi tiếp”, Hiệp chia sẻ. Gia nhập INFMB từ tháng 3/2019, trong 4 tháng vừa rồi cũng là những thành ngày vừa đi học vừa đi làm của Hiệp.
Ban ngày đi làm, nên Hiệp luôn tận dụng bất cứ khi nào có thời gian rảnh để nghiên cứu và luyện thi. Thông thường, cậu hay “cày” từ 8h tối đến 1h sáng. Không đến một lớp bổ túc, đào tạo nào, Hiệp tìm kiếm tài liệu trên mạng và tự học, lần mò từng case. Tổng chi phí thi CCIE của Hiệp trong hai lần là 160 triệu đồng, hoàn toàn do cậu tự tiết kiệm và bỏ ra.
Chàng trai đến từ Sơn Tây chia sẻ lần đầu tiên sang HongKong thi, đặt chân đến nước bạn lúc 2h sáng và bị lạc đường. Lòng vòng mãi mới về được khách sạn mà mừng rơi nước mắt. Hai lần thi là hai lần căng não, nhất là trải nghiệm 8 tiếng trong phòng thi thực hành. “Khi thi, nhiều bài toán đưa ra khó hơn lúc ôn luyện ở nhà rất nhiều. Việc luyện thi CCIE đã rèn cho mình tính nhẫn nại, kiên trì đến cùng”, Hiệp chia sẻ.
Mỗi lần chinh phục một bài toán khó là một lần Hiệp tăng thêm “độ lì” của bản thân. Cậu kể rằng mình yêu thích kinh doanh, thích bay nhảy nhưng khi chọn ngành CNTT, Hiệp muốn bản thân mình thử sức ở những lĩnh vực khác. “Chứng chỉ CCIE là bước đi đầu tiên trong kế hoạch cuộc đời mình”. Chàng trai 24 tuổi cũng bày tỏ mong muốn đóng góp cho ngành CNTT của Việt Nam, cho hệ thống Quản trị mạng của FPT Telecom.
Dù vậy, tâm sự với FoxNews, Hiệp “tẽn tò” nói rằng mình vẫn chưa có bạn gái. Có vẻ như với anh chàng sinh năm 1995, một nửa là “nhiệm vụ bất khả thi”. Với vẻ ngoài điển trai có phần thư sinh, cách nói chuyện lém lỉnh và thông minh, dường như độ lì, độ kiên trì khi làm việc chưa giúp gì cho Hiệp trong nhiệm vụ cá nhân của mình.
Nói về những dự định tương lai, Đỗ Minh Hiệp cho biết mỗi người đều có một đam mê và khao khát học hỏi. Công nghệ thay đổi từng ngày, đam mê học hỏi sẽ là yếu tố giúp mỗi “chiến sĩ” bắt kịp với xu hướng để trở thành người tiên phong.
“FPT Telecom sẽ tận lực mời về thêm nhiều tiến sĩ CISCO nữa”
Về phía Ban Lãnh đạo, chia sẻ với FoxNews, anh Phan Văn Khoa – PGĐ Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng Miền Bắc – INFMB và cũng là một trong những người quản lý trực tiếp của Đỗ Minh Hiệp cho biết “tiến sĩ Cisco” mới là ứng viên tiềm năng tại đây.
“Thực sự tôi vỡ òa khi biết tin INFMB có Hiệp đạt thành tích quốc tế. Đây là một trong những chứng chỉ cho thấy năng lực của người thi. Việc FPT Telecom xuất hiện thêm một tiến sĩ Cisco là tín hiệu tốt cho chúng ta”, anh Khoa nhận định.
Trong quá trình làm việc, anh Khoa cũng chia sẻ Hiệp là một nhân viên ham học hỏi, mặc dù mới gia nhập FPT Telecom không lâu nhưng cậu đã chứng minh khả năng của mình. Vì Hiệp âm thầm đi thi nên ngay khi mang chứng chỉ về, Ban Giám đốc INFMB đã kiến nghị tới Ban lãnh đạo để nâng lương và hỗ trợ chi phí thi cho Hiệp trong đợt vừa rồi.
“FPT Telecom sẽ tận lực mời về thêm nhiều tiến sĩ CISCO nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Nguồn nhân lực chất lượng hay bất kỳ một nâng cấp nào cũng nhằm mục tiêu cuối cùng là khách hàng của FPT Telecom”, anh Khoa nhận định.
– Cisco đã bắt đầu chương trình CCIE của mình vào năm 1993.
– FPT Telecom hiện nay đã có một số Tiến sĩ Cisco như PTGĐ Vũ Anh Tú, GĐ Công nghệ Trần Thanh Hải…
– Để đạt được chứng chỉ CCIE, người học cần phải trải qua hai kỳ thi: Một kỳ thi lý thuyết trong vòng 140 phút và kỳ thi Lab cấu hình trên thiết bị thật trong 8 giờ.
– Để được tham gia dự thi Lab, yêu cầu người đó phải thi đậu được kỳ thi lý thuyết với yêu cầu điểm đậu là 70%, một số điểm tương đối cao đối với lượng kiến thức khổng lồ mà chứng chỉ CCIE yêu cầu.
Ảnh: NVCC