Vụ “nói xấu” này được ghi nhận trên nền tảng Slack, một kênh truyền thông không chính thống, và theo như ban lãnh đạo Netflix đưa ra, nó đã kéo dài từ đầu năm đến giờ.
Vấn đề này đã tạo ra một cuộc tranh cãi tưng bừng trên các nền tảng. Ở một xứ sở tự do như nước Mỹ, đuổi việc ai đó vì bất đồng quan điểm, xem ra không thể là lý do chính đáng. Nhất là khi Netflix là một công ty hình mẫu về việc đề cao nhân viên, trao quyền cho họ, và luôn quan tâm đến việc giữ người hơn là sa thải.
Các cuộc tranh cãi còn đi sâu vào chi tiết, khi chỉ ra những sự thực khác nhau. Trong khi Netflix nói đối tượng bị nói xấu là “đồng nghiệp” thì một nguồn tin của báo Hollywood Reporter lại khẳng định “đối tượng đó thật ra là các sếp ở Netflix”.
Nhóm bị sa thải chiếm khoảng một nửa số lãnh đạo cùng cấp bậc ở Netflix. Phó chủ tịch Jonathan Helfgot, người chịu trách nhiệm về mảng marketing, đồng thời cũng bị nói xấu trong nhóm chat trên cho biết, ông rất miễn cưỡng khi phải ra quyết định sa thải ba người này.
Một nguồn tin nội bộ tiết lộ rằng một nhân viên đã phát hiện ra nội dung nhóm chat kể trên suốt nhiều tháng và đã báo cáo lên cấp trên.
Netflix được biết đến là một công ty có văn hóa minh bạch. Công ty này từng công bố bộ văn hóa Netflix dài 127 trang vào năm 2009, tuyên bố coi trọng “tính minh bạch triệt để” và nhấn mạnh nhân viên “nên nói mọi điều về các đồng nghiệp và lãnh đạo ngay trước mặt họ”.
Vấn đề ở đây thật ra không hẳn là ai bị nói xấu, và điều họ nói là gì, hay trong bao lâu, hay nó ảnh hưởng đến ai? Vấn đề ở đây là hành động này có phù hợp với văn hóa của Netflix?
Netflix có Giá trị cốt lõi là Chính Trực, trong đó có chuẩn hành vi: “Bạn chỉ nói về đồng nghiệp những điều bạn có thể nói thẳng trực tiếp với họ”
Netflix cũng có giá trị cốt lõi là Dũng Cảm: “Hãy đặt câu hỏi với những hành động trái với giá trị cốt lõi của chúng ta”
Netflix cũng xây dựng một mô hình về “Dream team” theo đó khuyến khích mọi người gắn kết với nhau như một team, “dành thời gian để giúp đỡ đồng nghiệp, chủ động chia sẻ thông tin một cách cởi mở, và “nếu không đồng ý điều gì, hãy giải thích tại sao, bằng trao đổi trực tiếp và viết email”.
Hành động của ba quản lý kia đã đi ngược lại những gì Netflix đề cao và tin tưởng.
Từ góc nhìn đó, ban lãnh đạo Netflix đã cho biết họ sa thải ba quản lý kia chính là bởi họ vi phạm vào giá trị cốt lõi của công ty. Netflix luôn tự hào là một công ty có văn hóa mạnh, và luôn nhất quán trong việc tham chiếu văn hóa doanh nghiệp khi khen thưởng hay kỷ luật nhân viên.
Điều đó cũng lý giải một phần nguyên nhân Netflix là một trong những big tech có được một đội ngũ nhân sự thật sự mạnh, và gắn kết phối hợp rất hiệu quả để đưa công ty trở thành một trong những Big Tech thành công nhất thế giới.
Theo MVV Academy