Thứ Bảy, Tháng Mười Một 23, 2024
spot_img

‘Sức sống mới’ từ Quỹ nhà F – điều kỳ diệu cứu người, cứu đời

Quỹ FPT Vì cộng đồng đang thầm lặng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả CBNV nhà F – những người từng góp ít nhất “1 ngày lương” xây dựng nên quỹ.

“1 ngày lương” đã và đang tạo nên điều kỳ diệu trong cuộc sống, trong chính nội bộ nhà F với những câu chuyện tử tế, đồng hành và hỗ trợ nhân viên vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật…

Cho đi để rồi nhận lại

Nằm trên giường bệnh với ống thở quanh người, Nguyễn Thị Thanh (FPT Software) nhìn lên trần nhà, nước mắt chực trào, tuyệt vọng. Tiếng “bíp bíp” của máy monitor phòng cấp cứu, chậm, đều từng nhịp đến ám ảnh. “Chẳng lẽ đời mình phải gắn với bệnh viện!”. Chính cô nàng cũng không nghĩ rằng, bỗng một ngày mình mắc suy thận. Nhưng sự thật nghiệt ngã ấy đã đến. Ập đến bất ngờ ở cái tuổi 25.

Mọi chuyện bắt đầu trong đợt khám sức khoẻ định kỳ do công ty tổ chức, Nguyễn Thị Thanh được bác sĩ gọi vào gặp riêng. Kết quả trước mặt cô là rất nhiều chỉ số sức khoẻ vượt ngưỡng cho phép, chuẩn đoán ban đầu Thanh bị suy thận. Không dám tin vào mắt mình, cô một mạch vào thẳng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Nhưng rồi, kết quả khám lại còn tệ hơn. Thanh ở giai đoạn suy thận nặng, đang nguy hiểm đến tính mạng và cần phải chạy thận gấp.

Mọi thứ như đổ sụp. Thanh ngồi thất thần ở hàng ghế chờ của Khoa Thận – Tiết niệu. Gia đình hốt hoảng nghe tin, vội vã vào bệnh viện. Ở công ty, thông tin về bệnh tình của Thanh cũng được cán bộ quản lý nắm bắt, báo cáo lên công đoàn để có phương án hỗ trợ.

Lúc đó, Thanh thậm chí không thể đứng vững. Cô nàng được yêu cầu nhập viện và thực hiện ngay việc chạy thận nhân tạo. Bác sĩ cũng thông báo, từ nay về sau, Thanh phải đều đặn chạy thận 3 lần/tuần để duy trì sự sống. Cú sốc ấy khiến một cô gái 25 tuổi như đánh mất tất cả.

Vũ Xuân Tiến, Nguyễn Thị Thanh và bé Minh (con anh Lê Quốc Vương) – những người F nhận sự sẻ chia yêu thương từ Quỹ FPT Vì cộng đồng. Ảnh: NVCC

Thanh kể, căn phòng với rất nhiều bệnh nhân suy thận, gầy guộc, ốm yếu. Tiếng của những chiếc máy thở khiến bất cứ ai thậm chí khoẻ mạnh cũng phải rùng mình. Còn Thanh, điều này gói gọn ở 2 từ… tuyệt vọng!

Trên giường bệnh sau ca chạy thận đầu tiên, đau đớn, cô nàng nghĩ về những ngày còn lại, với viễn cảnh gắn với bệnh viện. Rồi đối mặt với căn bệnh ấy, là sự tốn kém rất nhiều về kinh tế. Tiền đâu? Thanh tự hỏi khi bố mẹ làm nông, gia đình đông anh em, nuôi con ăn học đã là quá sức. Còn Thanh, vừa tốt nghiệp cũng chưa kịp dành dụm được tiền. Trong đầu cứ nghĩ về khoản chi phí ước tính có thể lên tới hàng trăm triệu. 3 lần/tuần, mỗi tháng ít nhất cũng mất tiền triệu chạy chữa. Lấy đâu ra?

“Mình khóc không chỉ vì bệnh tật bản thân, mình khóc khi thấy bố mẹ ngược xuôi vay mượn tiền. Mình sợ sẽ là gánh nặng cho cả nhà. Rồi gia đình mình và chính bản thân mình sẽ ra sao?”.

Cùng người thân, gia đình vượt nghịch cảnh

Tháng 7/2021, thấy con trai 1 tuổi liên tục bỏ ăn, quấy khóc, vợ chồng anh Lê Quốc Vương, nhân viên FPT Telecom Kon Tum, đưa con đi khám. Cả hai bàng hoàng nhận chẩn đoán của bác sĩ. Bé mắc bệnh u ác trong gan kèm nhiều chứng bệnh khác như: nhiễm trùng máu, sán máng, sỏi mật và bệnh Caroli (giãn đường mật trong gan bẩm sinh). Cả bầu trời như đổ sụp. Chị nhà ôm con vào lòng, khóc nghẹn. Anh Vương cố tỏ ra bình tĩnh nhưng khuôn mặt thất thần ấy không che nổi sự tuyệt vọng, lo lắng.

Để cứu sống bé Minh, gia đình phải có được khoản tiền lên đến 1 tỷ đồng để điều trị cho bé – một khoản tiền quá sức đối với gia đình. Cố nén nỗi lo, anh Vương giao con cho chị chăm sóc. Còn mình thì gõ cửa từng người thân nhờ hỗ trợ. Anh gọi điện cả bạn bè, thậm chí là họ hàng xa để mượn tiền.

Trên chiếc xe chuyển cháu Minh ra Bệnh viện TW Huế chữa trị, anh Vương nhẩm tính vẫn chưa thể đủ chi phí. Nhưng vì con, anh quyết liều một phen. Vừa chữa vừa xoay tiền.

Vợ anh túc trực trong bệnh viện để chăm bé, anh thuê một căn trọ giá rẻ bên ngoài. Hàng ngày, vừa làm online, vừa mua thuốc, cơm, cháo… mang vào. Nhiều lúc bé trở bệnh nhưng tiền vẫn chưa đủ, anh lo sốt vó. Để tiết kiệm, thậm chí hai vợ chồng còn chia nhau hộp cơm, ăn tạm cho qua bữa.

Bé Minh, con trai anh Lê Quốc Vương (FPT Telecom KonTum) đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: NVCC

Cũng không may lâm cảnh ngặt nghèo, anh Vũ Xuân Tiến (FPT IS) nhớ mãi cảnh chạy vạy khắp nơi xoay tiền cho bố mẹ chữa bệnh. Bố anh gặp tai nạn giao thông, được kết luận chấn thương sọ não và sống thực vật 3 tháng ròng rã thời điểm đó. Sau thời gian sống thực vật, bác may mắn tỉnh lại nhưng di chứng của lần tai nạn giao thông đã khiến bác bị liệt nửa người.

Trong nhà, người chăm sóc duy nhất cho bác trai là mẹ anh Tiến. Ấy vậy, gần đây, bác gái mới phát hiện bị ung thư gan di căn vào phổi và làm tổn thương gan nặng.

Anh Tiến là trụ cột trong gia đình, một tay chạy chữa lo chi phí. Tiền thuốc và tái khám cho bác trai mỗi lần hơn 5 triệu đồng. Tổng chi phí thuốc thang điều trị cho Bác gái từ khi phát hiện bệnh tới nay đã lên đến hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra ước tính chi phí cho đợt hóa trị tới cũng không dưới 100 triệu vì phải dựa vào kích thước khối u và loại thuốc hóa trị được dùng.

Viết tiếp những câu chuyện đẹp…

Trong hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, giá trị của sự sẻ chia lại càng thấy rõ. Sẽ ra sao nếu Thanh, anh Vương, anh Tiến phải một mình gồng gánh ?

Thanh ôm lấy mẹ mình, nghẹn ngào: “Có tiền rồi, mình đủ tiền rồi!” Vừa nói, cô vừa vỗ vỗ vào lưng mẹ. Ngay khi phát hiện bệnh, Thanh luôn có sự ấm áp, sẻ chia từ người thân, bạn bè và chính đồng nghiệp FPT. Rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi thăm hỏi, động viên. Thanh không cô đơn, cô nàng còn rất nhiều người ở bên, ủng hộ và đồng hành.

Sức sống mới, cuộc đời mới tới với Nguyễn Thị Thanh sau ca ghép thận thành công. Ảnh: NVCC

Niềm tin ấy được còn thắp lên một cách tình cờ, từ một cuộc gọi với đầu số không có trong danh bạ. Thanh nhấc máy, thoạt đầu chỉ biết là “chị Vân ở FPT”. Trò chuyện một hồi, cô nàng mới sực nhớ, hoá ra là chị Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn FPT Software. Thanh xúc động, cô chưa từng trò chuyện với chị Vân nhưng biết đến chị qua những hoạt động thiện nguyện của công ty.

Cuộc gọi ấy có thể gói gọn qua những lời thăm hỏi, đặc biệt, kết thúc là lời cam kết được nhắn gửi: “Quỹ của công ty sẽ hỗ trợ em chi phí chữa bệnh. An tâm nhé!”.

Ngay sau cuộc gọi, tài khoản của Thanh cũng nhận liền hỗ trợ với nội dung giản dị “Quỹ FPT Vì cộng đồng” – cụm từ nghe quen mà lạ. Quen vì hàng năm, mỗi người F đều chung tay ít nhất 1 ngày lương vào quỹ. Lạ là vì hôm nay, chính Thanh lại nhận hỗ trợ từ nguồn quỹ mà mình đã từng đóng góp.

6 tháng ròng rã chạy thận nhân tạo, Nguyễn Thị Thanh được bệnh viện thông báo đã có người tự nguyện hiến thận, phù hợp với cơ địa của Thanh. Cô nàng vỡ oà. 500 triệu, đó là số tiền mà gia đình cần chuẩn bị gấp để thực hiện ca ghép. Một lần nữa, Quỹ FPT Vì cộng đồng lại là chỗ dựa vững chắc, giúp Thanh có cơ hội sống tiếp, sống một cuộc đời trọn vẹn.

Ngay hôm trước khi lên bàn mổ, Thanh tự hứa sẽ không khóc nữa nhưng rồi vẫn không kìm được lòng. Cô tình cờ đọc được một bài đăng kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ từ một đồng nghiệp ở FPT. Hoá ra, địa chỉ kêu gọi lại chính là mình. Bên dưới, mọi người bình luận rất nhiều. Thanh cố đọc, đọc hết. “Đó là động lực để tôi mạnh mẽ hơn”.

Ngay khi biết tin về trường hợp đặc biệt khó khăn của gia đình anh Lê Quốc Vương, Quỹ FPT Vì Cộng đồng đã hỗ trợ anh số tiền 30 triệu đồng, Công đoàn FPT hỗ trợ 10 triệu đồng, Quỹ Trường Tồn đã hỗ trợ 25 triệu đồng. Bên cạnh đó, đồng nghiệp chi nhánh, PNC cũng đã kêu gọi quyên góp số tiền khoảng 80 triệu đồng. Đại diện công ty, phòng Văn hóa & Đoàn thể FPT Telecom đã kêu gọi quyên góp được gần 114 triệu đồng.

“Tôi rất biết ơn sự quan tâm của công ty. Với bệnh tình của cháu, gia đình tôi không đủ điều kiện để lo. Khoản tiền hỗ trợ quả là rất thiết thực với gia đình trong tình huống khó khăn nhất. Theo tôi, các quỹ hỗ trợ cộng đồng và CBNV nên được duy trì, vì với những gia đình có điều kiện thì không nói, còn với các gia đình như gia đình tôi vùng sâu vùng xa, kinh tế còn nhiều khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ tài chính của công ty, chúng tôi không thể gánh vác được”, anh Vương ngậm ngùi.

Quỹ nhà F cũng đến với gia đình anh Tiến – như một sứ mệnh sẻ chia của người FPT. “Tôi cảm thấy như nợ FPT, nợ đồng nghiệp một ân tình. Thời điểm dịch căng thẳng, chẳng ai biết sống chết thế nào nhưng vẫn đi hỗ trợ đồng nghiệp, nhân viên thì thật sự tôi không thể quên được”.

Mẹ anh Tiến sau thời gian điều trị đã tạm ổn, kiểm soát được tình hình bệnh và tinh thần cũng không còn lo lắng như trước.

Cháu Minh hiện đang tiếp tục điều trị tại một bệnh viện ở TP HCM. Chặng đường ấy còn dài, còn lắm gian nan nhưng anh Vương luôn thầm cám ơn FPT, đã hỗ trợ, đồng hành cùng gia đình trong lúc gian nguy nhất.

“Lâm cảnh ngặt nghèo, tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của việc đóng góp “1 ngày lương”. Mình còn khó khăn nhưng đâu đó còn những người khó khăn hơn mình. Mỗi người 1 chút, chung tay sẽ mang lại những điều kỳ diệu”.

Tháng 2/2021, Nguyễn Thị Thanh trở lại công ty trong vòng tay chúc mừng của đồng nghiệp. Cô đã trải qua ca ghép thận thành công, hồi phục sức khoẻ và có thể đi làm bình thường.

Thanh đã sống, sống bằng một cuộc đời mới, tươi, đẹp và tràn đầy yêu thương. Không còn đau đớn, không còn những ám ảnh của phòng chạy thận. Cuộc đời mới được vun đắp từ sự sẻ chia của rất nhiều người, trong đó có Quỹ FPT Vì cộng đồng. “Tôi đã trở lại để làm một nhân viên nhà F, trả nợ đời bằng chút sức lực nhỏ bé, viết tiếp những câu chuyện đẹp, tử tế của FPT”.

Theo Chungta

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img