Chủ Nhật, Tháng Mười Một 24, 2024
spot_img

‘Sếp’ FPT sẵn sàng lắng nghe nhân viên nói thẳng

Việc đẩy mạnh truyền thông 2 chiều đang nhận được nhiều sự quan tâm từ CBNV và cán bộ quản lý (CBQL) trong FPT. Điều này giúp thúc đẩy tinh thần nói thẳng, chia sẻ quan điểm chân thành của mỗi cá nhân trong Tập đoàn. Không nằm ngoài “xu hướng”, các “sếp” nhà FPT cũng lên tiếng ủng hộ sự thẳng thắn một cách văn minh.

Lắng nghe nhân viên để nhìn nhận bản thân

Đồng cảm với anh Khoa, anh Nguyễn Hoàng Dân – Phó giám đốc trung tâm Kinh doanh doanh nghiệp của FPT Life (thuộc FPT Telecom) – thường xuyên đẩy mạnh hoạt động chia sẻ thẳng thắn trong đơn vị. Anh cho biết, hoạt động diễn ra liên tục, đều đặn để kịp thời lắng nghe những phản hồi của khách hàng vì chính nhân viên là cầu nối trực tiếp, là điểm chạm với khách hàng.

Việc lắng nghe ý kiến nhân viên cũng là một cách để anh quản lý, nhìn nhận lại công việc và bản thân mình. “Tôi và các anh chị lãnh đạo tại FPT Telecom không có lý do gì để không ủng hộ và sẽ luôn lắng nghe, tìm hiểu các vấn đề của các bạn một cách cẩn thận, nghiêm túc, không chỉ trên kênh chính thức mà cả trong các hoạt động hằng ngày để cùng có đáp án tốt nhất”, anh Dân nhấn mạnh.

Đơn vị anh Dân gặp nhiều áp lực về kinh doanh, nên cũng có ý kiến cần giảm bớt áp lực từ quản lý, tập trung vào cách giải quyết vấn đề hơn là soi xét. Mọi người cũng đề xuất ra ngoài picnic định kỳ để tái tạo tinh thần, năng lượng và gắn kết. Đơn vị đã thực hiện việc này và giúp CBNV vượt khó, tự tin đáp ứng công việc.

Tuy nhiên, anh Dân cũng chỉ ra những khó khăn. Có thể nằm ở thái độ, “tâm thế lắng nghe nhiệt tình” của cấp trên, hay nội dung câu chuyện, cách nói thẳng thắn của nhân viên bên dưới. Nếu không linh hoạt sẽ dễ sa vào tiêu cực, mâu thuẫn. “Mọi sự thẳng thắn đều dựa trên tinh thần tôn trọng”, anh Dân nói. Để việc nói thẳng trở nên nhẹ nhàng, anh Dân cũng chia sẻ, có những ý kiến chỉ nên ngồi riêng để tâm sự thay vì nói trong cuộc họp. Anh thường gọi điện thoại riêng để trao đổi khiến cấp dưới có thể nói ra được nhiều hơn.

Trân trọng quan điểm của cấp dưới

FPT Telecom có khá nhiều kênh lắng nghe nội bộ để CBNV bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, điển hình là FoxVoice. Tuy nhiên, “hầu hết mọi người chỉ góp ý những việc nhỏ, chưa đúng với ý nghĩa của việc thẳng thắn đóng góp. Thậm chí các chương trình đánh giá 360 ẩn danh, CBNV cũng ngần ngại việc góp ý chân thành”, chị Vũ Thanh Hải – Trưởng phòng Kế hoạch, Trung tâm Giám sát và Đảm bảo dịch vụ FPT Telecom – chia sẻ. Theo quan điểm của chị, CBNV hiện chưa thực sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành vi về việc “nói thẳng, nói thật”.

Chị Hải đề cao tuyệt đối việc ủng hộ nhân viên nói thẳng và xử lý các vấn đề CBNV góp ý. Trước đây, khi công tác ở đơn vị cũ, nhóm chị Hải được giao một dự án tương đối “khoai” với thời gian gấp gáp. Sếp cũ của chị trong buổi họp dự án liên tục khẳng định “việc này dễ mà”. “Câu nói này trong lúc dự án đang căng thẳng làm cả nhóm cảm thấy không hài lòng vì thật sự mọi thành viên đang phải bỏ rất nhiều công sức. Mọi người không nói trực tiếp mà xì xào sau lưng: ‘Dễ thì sếp đi mà làm’. Sau cuộc họp, tôi có gọi thẳng cho sếp, trình bày việc sếp nói như vậy làm anh em phật lòng và cảm giác không được ghi nhận. Nếu sếp muốn động viên thì có thể nói là ‘Anh tin với năng lực của cả nhóm, mọi người hoàn toàn có thể làm được’”, chị Hải nhớ lại. Việc trở nên nhẹ nhàng khi sếp khi đó của chị là một người rất lắng nghe, cầu tiến sau lời góp ý. Về phía nhóm triển khai, mọi người đều nỗ lực. Kết quả, dự án nhận được nhiều thành tích sau khi hoàn thành.

Nữ trưởng phòng cho rằng khi bày tỏ quan điểm, cần có những nguyên tắc để FPT thật sự xây dựng được văn hóa thẳng thắn, chân thành chứ không phải nhân danh sự thẳng thắn để công kích cá nhân. “Nói cách khác, cần làm rõ và khẳng định sự khác biệt giữa thẳng thắn không vì lợi ích cá nhân với sự phá hoại hẹp hòi”, chị Hải nhấn mạnh. Bên cạnh đó, góp ý thẳng thắn cần đi kèm sự sẵn sàng đón nhận phản hồi. 3 yếu tố “Nói thẳng – Văn minh – Lắng nghe” sẽ tạo nên một tập thể cầu tiến, cải thiện đáng kể kết quả công việc, tạo dựng mối quan hệ tin tưởng trong đội ngũ.

Chị Hải cũng chia sẻ cảm hứng từ truyện ngụ ngôn Bộ quần áo mới của hoàng đế: “Càng lên cao trong tổ chức, bạn càng ít nhận được phản hồi, và càng có nguy cơ ‘đi làm mà không mặc quần áo’”. Nhân viên thường ngại góp ý về CBQL vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân. Trong khi đó, CBQL nếu không sẵn sàng nhận góp ý thẳng thắn thì có thể khiến nảy sinh tâm lý tiêu cực.

Trong đơn vị của mình, chị Hải luôn định hướng cho nhân viên phản hồi theo hướng tích cực để người nhận góp ý có tâm thế làm tốt hơn. Song song, người nhận ý kiến cần thể hiện sự trân trọng và nghiêm túc xử lý vấn đề nếu quan điểm có ích cho bản thân và công ty.

Nói thẳng là kim chỉ nam phát triển kinh doanh

Với đặc thù đơn vị tập trung kinh doanh, anh Đặng Đình Khoa – GĐ Trung tâm kinh doanh thương mại điện tử FPT Retail – tổ chức họp hằng tuần để ghi nhận ý kiến, đóng góp của CBNV. Bên cạnh các kết quả công việc, anh Khoa tập trung lắng nghe mọi ý kiến của nhân viên: công việc, mối quan hệ giữa các đồng nghiệp, các đề xuất lên cấp cao, nguyện vọng mới… Mọi ý kiến đều có trong biên bản cuộc họp gửi Ban Giám đốc trung tâm, trưởng phòng để tham gia xử lý nếu có vấn đề.

Anh Khoa quản lý hơn 80% nhân sự là nữ, nên việc thường xuyên lắng nghe, giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong đơn vị thực sự cần thiết. Tại mỗi cuộc họp, anh cố gắng tạo không khí thoải mái để khơi gợi “tâm chia sẻ” của mọi người, từ đó tập trung lắng nghe, cẩn thận giải quyết từng vấn đề.

Nhân viên bày tỏ quan điểm thẳng thắn là văn hoá bắt buộc phải có, phải tồn tại và là tôn chỉ hàng đầu ở khối Kinh doanh eCom. “Vì nếu không có các ý kiến của ‘nhân dân’, là những người tiếp xúc với khách hàng 365 ngày không ngừng nghỉ, thì khối Kinh doanh eCom không thể phát triển, nâng cao trải nghiệm khách hàng khi mua hàng online cũng như tạo môi trường, văn hoá làm việc tốt hơn”, anh Khoa nhấn mạnh.

Ghi nhận ý kiến ở mọi nơi

Tại FPT Smart Cloud, hoạt động trao đổi cởi mở 2 chiều giữa CBNV và lãnh đạo được thiết lập từ những ngày đầu và tiếp tục duy trì tới hiện tại. Với các chủ đề về môi trường làm việc, thắc mắc chiến lược công ty, chế độ chính sách… CBNV đều có thể góp ý qua chương trình Power-up monthly. Tại đây, Ban Tổng giám đốc sẽ trực tiếp giải đáp các thắc măc của CBNV. Bên cạnh đó, các hoạt động trao đổi thông 2 chiều giữa CBNV hoặc giữa các phòng ban luôn được khuyến khích và duy trì.

Là người phụ trách nhân sự của công ty, chị Phan Thu Hà – Trưởng phòng Nhân sự FPT Smart Cloud – luôn sẵn sàng với những góp ý thẳng thắn. “Tôi tin rằng nói thẳng giúp duy trì môi trường cởi mở, minh bạch, rõ ràng, góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, tạo nên trải nghiệm tích cực của nhân viên trong công ty và góp phần tăng cường gắn kết của nhân viên với tổ chức”, chị Hà chia sẻ.

Theo chị Hà, việc bày tỏ quan điểm thẳng thắn phụ thuộc vào cá tính của từng cá nhân. Việc tạo ra môi trường và điều kiện để nói thẳng sẽ giúp thúc đẩy việc này. Mỗi ý kiến đóng góp của CBNV đều là “đầu vào” cho việc xây dựng chính sách, môi trường làm việc tích cực, phù hợp đại chúng. Tuy nhiên, chị Hà cũng lưu ý bất cập về nguồn nhân lực – không phải lúc nào cũng sẵn để giải quyết mọi ý kiến, cần thực hiện theo thứ tự ưu tiên.

iNghe giúp xây dựng văn hoá thẳng thắn

Hiện tại, Tập đoàn đã triển khai kênh iNghe – đón nhận và lắng nghe những đóng góp của CBNV toàn cầu. Điều này nhận được sự đón nhận tích cực từ cấp cán bộ quản lý trong FPT. “Kênh iNghe là hành động cho thấy sự minh bạch, rạch ròi của FPT. Đây là nơi không chỉ ghi nhận tiếng nói của người FPT mà các sếp cũng thỏa mái bày tỏ quan điểm cá nhân”, anh Đặng Đình Khoa bày tỏ.

Còn chị Phan Thu Hà nhận định kênh ghi nhận ý kiến đóng góp là một công cụ tốt. Tuy vậy, chị mong muốn có những ví dụ cụ thể về việc ý kiến gửi lên kênh được xử lý hiệu quả, kịp thời, tạo ra ảnh hưởng đối với CBNV, đảm bảo các yếu tố về xử lý dữ liệu cá nhân… Điều này sẽ có tác động tốt hơn và thúc đẩy CBNV gửi ý kiến lên kênh này nhiều hơn.

Đối với chị Vũ Thanh Hải, iNghe là bước đi đầu tiên để xây dựng văn hóa thẳng thắn ở FPT. “Với quan điểm cá nhân, đã là thẳng thắn thì nên góp ý trực tiếp. Thông qua kênh iNghe sẽ phù hợp với những góp ý mà CBNV không thật sự biết nói với ai”, chị Hải bày tỏ. Bên cạnh đó, chị Hải cũng hy vọng, Tập đoàn có những hướng dẫn cụ thể để khuyến khích mọi người góp ý trực tiếp cho nhau.

Theo anh Nguyễn Hoàng Dân, thời gian tới, iNghe sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho cả cá nhân và cho tổ chức, để các bên hiểu nhau hơn. Ở góc độ của đơn vị anh, việc này sẽ giúp các sản phẩm công nghệ mới được góp ý đầy đủ, hoàn thiện và sớm phục vụ tốt nhất các nhu cầu từ khách hàng, giải quyết được nhiều vấn đề của thị trường kinh doanh.

Theo Chungta.vn

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img