Nhiều người cho rằng “sáng tạo” và “kỷ luật” là 2 phẩm chất không thể song hành, bởi họ cho rằng sự kỷ luật chính là nguyên nhân giết chết khả năng sáng tạo trong công việc. Còn bạn nghĩ sao? Liệu bạn có thể sáng tạo dưới áp lực của công việc và kỷ luật không?
Kỷ luật liệu có kìm hãm Sáng tạo?
Dù là trong công việc hay trong cuộc sống, kỷ luật luôn là điều tiên quyết cho sự thành công. Một doanh nghiệp không thể đi xa nếu không có tổ chức, không có kỷ luật. Nhưng đặt trong bối cảnh môi trường công sở hiện đại, nhiều bạn trẻ đang cho rằng kỷ luật đem đến sự gò bó, ép buộc và áp đặt, khiến họ bí bách và không thể nào sáng tạo được. Liệu có đúng không?
Thật ra, các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi ta tập trung cao độ vào giải quyết một vấn đề, bộ não con người sẽ vào cuộc sử dụng cơ chế tập trung với số ít tế bào thần kinh tại một vùng tập trung của não bộ được huy động. Nghiên cứu nhận thấy mức độ chất cortisol trong người lao động tăng cao đáng kể vào bài kiểm tra buổi sáng, khi làm việc đúng giờ, tập trung và có kỷ luật. "Cortisol đóng vai trò quan trọng trong cơ thể," Yujiro Yamanaka, giáo sư từ Đại học Hokkaido ở Nhật Bản nói. "Cortisol là loại hormon chính liên quan đến cơ chế phản vệ chiến đấu, kích thích não bộ hoạt động nhanh và hiệu quả trong những tình huống cần quyết định quan trọng."
Bạn thấy sao? Chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại các cách giải quyết vấn đề và khó lòng thoát ra khỏi bế tắc, dẫn đến sự thiếu sáng tạo. Thay vì cứ nghĩ là mình đang phải “chịu đựng” sự kỷ luật, tại sao chúng ta không tìm cách tận hưởng nó? Những ý tưởng mới mẻ đều phải dựa trên nền tảng vững vàng, khuôn khổ và những nguyên lý chung. Sự dễ dãi sẽ giết chết sáng tạo còn nhanh hơn cả áp đặt, gò bó. Do đó, kỷ luật chính là một nền tảng vững chắc để “ép” não của bạn hoạt động hết công suất, từ đó những ý tưởng mới sẽ ra đời.
Làm thế nào để biến kỷ luật thành nền tảng thúc đẩy sự sáng tạo?
Trước tiên, bạn cần xác định kỷ luật không phải “gông cùm” não bộ. Định nghĩa “kỷ luật” ban đầu là một sự cam kết (agreement) với bản thân và giữ một thói quen lặp đi lặp lại. Đơn giản chỉ như vậy thôi. Vấn đề là chúng ta thường phức tạp hóa vấn đề lên và thực hiện quá nhiều cam kết mà không có khả năng biến tất cả thành thói quen, hoặc một số cam kết trở nên mâu thuẫn với nhau, tạo nên sức ép lên bản thân. Vì thế, bạn hãy dành 10 phút để gạch ra những sự cam kết bạn có thể thực hiện được và duy trì thành thói quen lâu dài. Khi ấy, bạn đã chắc chắn tạo được một nơi an toàn (comfort zone) cho chính não bộ của mình để phát huy sáng tạo.
Ví dụ:
– Cam kết 1: Thực hiện đúng giờ => Thói quen 1: Dậy sớm, đi làm, đi họp đúng giờ, đảm bảo thực hiện việc đúng deadline.
– Cam kết 2: Tuân thủ nhận diện thương hiệu Tập đoàn => Thói quen 2: Mặc đồng phục trong những ngày quy định, và đeo thẻ xuyên suốt thời gian làm việc.
– Cam kết 3: Có trách nhiệm => Thói quen 3: Trả lời email trong ngày, hoặc phản hồi nhanh nhất về thời gian sẽ xử lý công việc.
Từ những thói quen đó, bạn hãy tiếp tục áp dụng “Luật 50/10”, tức là cứ sau 50 phút làm theo thói quen và kỷ luật thì hãy dành ra 10 phút để suy nghĩ một hướng làm khác đi. “Nghĩ khác đi” chính là tiền đề đầu tiên của việc sáng tạo và làm ra sản phẩm, ý tưởng mới!
Sáng tạo và kỷ luật là những phẩm chất tổ chức luôn mong đợi ở các ứng viên, nhân viên. Khi tuân thủ kỷ luật, chúng ta sẽ loại bỏ những thói quen xấu, rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp và khám phá thêm được nhiều tiềm năng vốn có của bản thân mình. Ngược lại, thiếu đi kỷ luật, sự dễ dãi, hài lòng và thỏa hiệp sẽ cản trở lòng kiên trì, sự cố gắng, thậm chí là mất đi niềm tin và lý tưởng sống của bản thân mình.
Kỷ luật sẽ giúp chúng ta rèn luyện thói quen hành động logic, có mục tiêu, định hướng rõ ràng. Sáng tạo giúp bạn tạo ra bứt phá trong công việc, gây ấn tượng với mọi người và thể hiện năng lực bản thân. Có sáng tạo và có kỷ luật nghĩa là bạn đang đầu tư cho bản thân của mình để gặt hái thành công, mang lại nhiều giá trị bền vững!