Sáng kiến Nhà vật lý học quản lý và phát triển hạ tầng ngầm đến từ các tác giả thuộc Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam (INF MN) đã xuất sắc đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi iKhiến.
Trong số tháng 10 chương trình iKhiến 2021, sản phẩm Nhà vật lý học quản lý và phát triển hạ tầng ngầm đã gây ấn tượng cho Ban Giám khảo. Điểm đặc biệt của sáng tạo này chính là sự kết hợp của 4 ý tưởng trong 1 sản phẩm, tạo nên một giải pháp tổng thế đưa vào áp dụng thực tế trong các công trình ngầm hoá của FPT Telecom.
Đây cũng là sự kết hợp của các nhà “vật lý học” đến từ INF MN gồm tác giả Nguyễn Tấn Hưng, Vũ Văn Giáp, Nguyễn Quý Ly và Phạm Đình Trường.
4 ý tưởng được kết hợp vào giải pháp tổng thể bao gồm: sản phẩm Móc mở nắp hầm từ dạng khoen tròn sang dạng hộp có lỗ, sản phẩm Ron cao su vào mặt dưới nắp hầm so với trước đây không có, sản phẩm Măng xông ống chờ để nối ống vào hầm không phải đục hầm như trước đây và cuối cùng là sản phẩm Con lăn kéo cáp ngầm giảm ma sát giữa sợi cáp và thành hầm.
Bài toán cải tiến, nâng cấp hạ tầng ngầm luôn được các thành viên của INF chú trọng. Qua quan sát thực tế, đội ngũ các thành viên INF MN nhận ra nhiều điểm có thể tối ưu.
Từ thực tế việc kết nối ống vào hầm phải đục thành hầm dễ gây hư hỏng và mất thẩm mỹ, kết cấu chất lượng hầm cáp không đảm bảo, nhóm đã đưa ra ý tưởng Măng xông ống chờ và Ron cao su để nối ống vào hầm, giảm thiểu việc đục hầm. Từ đó, INF sẽ không tốn thời gian và nhân công đi khoan đục thành hầm để kết nối ống vào hầm. Ý tưởng giúp tiết kiệm chi phí nhân công và tăng năng suất công việc gấp đôi.
Tại TP HCM, các nắp hầm hạ tầng thường xuyên hư hỏng trong quá trình sử dụng do tác động mở nắp hầm lớn, nắp hầm gập ghềnh, xe cộ thường xuyên qua lại. Các yếu tố trên gây mất an toàn, mất mỹ quan đô thị và tốn chi phí thay thế nắp.
Ý tưởng Móc mở nắp hầm đã được các thành viên INF MN đưa ra từ hiện trạng này. Sản phẩm đem lại kết quả tích cực như giảm tỷ lệ hầm hư hỏng trong vận hành, tiết kiệm chi phí, tăng tuổi thọ nắp hầm và đặc biệt thi công dễ dàng.
Một thực tế khác chính là cáp ngầm hay trầy xước trong quá trình thi công kéo cáp do sợi cáp tiếp xúc trực tiếp với thành hầm. Việc này khiến sợi cáp dễ dàng hư hỏng, mất tín hiện và chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Với sáng kiến Con lăn bảo vệ cáp, nhóm đặt một con lăn vào quá trình kéo cáp, giúp đảm tối đa trầy xước do ma sát gây ra. Nhờ đó, chất lượng sợi cáp được đảm bảo và giúp giảm 50% nhân sự kéo cáp.
Các tác giả đã cùng thảo luận và kết hợp đưa ra giải pháp cho công tác quản lý và phát triển hạ tầng ngầm. Với sự kết hợp “4 trong 1”, sản phẩm Nhà vật lý học quản lý và phát triển hạ tầng ngầm đã đem lại con số hiệu quả ấn tượng. Sáng kiến giúp tiết kiệm chi phí triển khai và vận hành hạ tầng ngầm khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, đảm bảo được mỹ quan đô thị và an toàn hạ tầng, tăng năng suất lao động lên nhiều lần.
Đặc biệt, cũng chính từ bộ 4 ý tưởng này, INF mong muốn có thêm nhiều ý tưởng cải tiến về lĩnh vực hạ tầng ngầm hơn nữa đến từ các CBNV. Liệu trong tương lai có khả năng có một cuộc thi hay một “siêu sản phẩm” khác cho lĩnh vực? Cùng chờ đón nhé!
Bài viết: Siêu Ú
Ảnh: NVCC