Như loài chim Phượng Hoàng, mỗi tổ chức khi đạt đến thời kỳ thinh vượng cần có sự lột xác, dám thay đổi để trở thành hình hài mới, sức sống mới.
Từ loài chim huyền thoại bất tử
Truyền thuyết kể rằng, có lần Thần Mặt Trời nhìn xuống trái đất thì thấy có con chim lớn đang tung cánh bay giữa không trung, loài chim này có bộ lông óng mượt màu đỏ tỏa ra những tia óng ánh màu vàng vô cùng đẹp mắt. Thần Mặt Trời mê mẩn và ban cho cuộc sống bất tử. Phượng Hoàng nghe thấy vậy vô cùng hạnh phúc, nó lượn một vòng rồi đập cánh bay vút lên cao, hướng thẳng về phía Thần Mặt Trời mà nói rằng: “Ta sẽ dành tặng tiếng hót trong trẻo này cho Thần, để tạ ơn món quà mà Thần đã ban tặng”.
Thời gian trôi qua, cuộc sống bất tử của Phượng Hoàng cũng trở nên nhàm chán. Chim bị loài người truy đuổi, hòng lấy được bộ lông đẹp tuyệt trần kia. Mệt mỏi vì phải trốn chạy loài người, nó bay theo hướng mặt trời mọc, tìm về phương Đông xa xôi. Một ngày, Phượng Hoàng bay qua nơi sa mạc nắng cháy (vùng Tây Á ngày nay), nơi đây không có loài người sinh sống, nó lại một lần nữa được tự do mà không phải trốn chạy, nó cất tiếng hót trong trẻo làm vui cho Thần Mặt Trời.
Phượng Hoàng sống ở đây, trải qua 500 năm vẫn bất tử nhưng nó đã già đi, tiếng hót không còn trong trẻo và nó không thể bay cao như trước nữa. Nó yếu ớt cầu xin Thần Mặt Trời: “Hỡi Thần Mặt Trời, ngài có nghe ta, hãy cho ta sức khỏe và làm ta trẻ lại như xưa”.
Nhưng cứ gọi mãi, Phượng Hoàng không thấy Thần Mặt Trời lên tiếng, nó buồn chán nên bay về nơi cũ, nơi chứa đầy kỷ niệm của tuổi trẻ. Trên đường quay về, Phượng Hoàng thường đáp xuống những nơi có vỏ cây quế và nhặt nhạnh những mảnh lá khô vương vãi. Đến chặng cuối cùng, Phượng Hoàng đậu trên một cây cọ cao lớn. Trên ngọn cây ấy, nó dùng những mảnh quế khô và lá cây xếp thành hình cái tổ. Sau đó nó đi tìm những dòng nhựa thơm trên thân cây quanh vùng, kết chúng lại thành hình quả trứng rồi đem về đặt lên tổ. Phượng Hoàng nằm trên tổ, cất tiếng hót gọi Thần Mặt Trời: “Thần Mặt Trời, ngài có nghe ta, hãy cho ta sức khỏe và làm ta trẻ lại như xưa”.
Lần này Thần Mặt Trời nghe tiếng, ngài nhìn xuống mặt đất, trên đỉnh núi cao nhất, mọc lên một cây cọ, chú Phượng Hoàng mà ngài từng yêu mến đang nằm đó, khoe bộ lông óng mượt đón lấy những ánh nắng mà ngài ban cho. Đúng lúc đó, một phép màu xảy ra, sau một tia sáng chói lòa, toàn thân Phượng Hoàng bỗng hóa thành vòng tròn lửa, đỏ rực cả vùng trời, ngọn lửa sau tắt dần và Phượng Hoàng cũng theo đó biến mất vào không trung.
Sau khi ngọn lửa vụt tắt, Phượng Hoàng biến mất để lại một đống tro tàn rơi xuống chiếc tổ, đống tro này cuộn vào nhau rồi dần dần tạo thành hình một chú chim nhỏ, chú chim ngày một lớn dần lên cho đến khi thành hình con Phượng Hoàng ngày nào, Phượng Hoàng một lần nữa tái sinh bằng cách đó.
Phượng Hoàng bèn mổ vỡ quả trứng mà nó từng làm từ những giọt nhựa thơm, rồi vun số tro tàn còn sót lại trên tổ vào quả trứng và hàn nó lại. Nó cất cánh bay lên không trung và cất tiếng hót vang trời. Khi tiếng hót của Phượng Hoàng cất lên, bầu trời bỗng trong xanh, cây cối đâm trồi nảy mộc, gió lên thổi mát vạn vật, thời tiết bỗng chốc trở nên dễ chịu vô cùng. Muôn loài chạy ra khỏi nơi trú ẩn như muốn hòa mình vào ánh sáng mặt trời và hát theo.
Vua của những loại chim đập cánh bay vút lên, nhằm về phương Đông, tới vùng sa mạc. Ngày nay, người ta tin rằng Phượng Hoàng là loài chim sống ở phương Đông. Cứ mỗi 500 năm, nó sẽ trở nên già yếu và bay về phương Tây, nơi có cây cọ và ngọn núi cao nhất, làm tổ từ những mảnh quế và đắp một quả trứng từ những giọt nhựa thơm, cứ như vậy, Thần Mặt Trời sẽ giúp nó tái sinh.
Truyền thuyết này đã tồn tại hàng nghìn năm, bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Roman cổ đại. Chính vì sự bất tử và tái sinh kỳ lạ mang màu sắc thần thánh đó mà Phượng Hoàng Lửa trở thành biểu tượng bất hủ.
Đến quyết định sống còn của doanh nghiệp
Bước qua hai năm đại dịch Covid-19, hàng nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Nền kinh tế mở ra một trang mới với đầy biến động và cơ hội. Đây cũng là lúc người đứng đầu mỗi tổ chức cần có những bước đi táo bạo, mạnh mẽ.
Qua đợt dịch, các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc, và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp. “Cơn bão” Covid-19 giúp sàng lọc cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, và doanh nghiệp ở TP.HCM là “thấm nhất” trong trải nghiệm này.
Một số chi phí từng được các nhà lãnh đạo cho là cố định thì nay lại là chi phí biến đổi (ví dụ: chi phí thuê văn phòng). Trong khi đó, một số năng lực vốn được xem như kiến tạo khác biệt thì giờ đây đã trở thành điều kiện tối thiểu trong vận hành doanh nghiệp (ví dụ: tự động hóa và công nghệ giúp phối hợp làm việc).
Việc tái cấu trúc là chuyện nên làm và là câu chuyện trọng tâm hậu Covid-19. Thực tế đã chứng minh nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới sau khi tái cấu trúc đã thu được nhiều thành quả lớn, nhảy vọt về thương hiệu và chỉ số kinh doanh.
Năm 2011, Facebook tuyên bố tái cấu trúc lần đầu tiên, lý do được đưa là mong muốn phù hợp hơn với sự tăng trưởng và hợp lý hóa quy trình phát triển sản phẩm của công ty. Khi đó, Facebook đã trở thành website được truy cập nhiều thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Google.
Năm 2018, Facebook công bố cơ cấu bộ máy tổ chức mới. Một lần nữa, quyết định này lại chứng minh tính đúng đắn của nó khi Facebook gia nhập thị trường mới mang tên blockchain và thu về sự tăng trưởng chưa từng có.
Cùng năm, sau màn “lột xác”, giá cổ phiếu của Tesla lao ngược trở lại đường đua và các nhà phân tích thị trường dự đoán công ty sẽ sớm đạt được các mục tiêu về sản lượng và dòng tiền.
Thế giới đang “sống chung với Covid-19”, bước vào bình thường mới nhiều cơ hội xen lẫn thách thức. Trải qua biển lửa Covid-19, đây là lúc doanh nghiệp cần có những thay đổi táo bạo trong quản trị, để lột xác trở thành Phượng Hoàng lửa.
K.T