Bụi đường của mảnh đất Tây Nguyên, lênh đênh trên những chiếc thuyền miền Tây sông nước, dầm mình giữa cái nắng gay gắt của ven biển miền Trung… cán bộ Hope School đang đến từng gia đình, kết nối với từng em nhỏ không may mất cha, mẹ trong đại dịch Covid về với ngôi trường mang tên Hy vọng.
Hành trình đi dọc đất nước
Trên chiếc xe máy mượn của đồng nghiệp FPT Telecom, Giám đốc Trường Hy Vọng Hoàng Quốc Quyền lật tìm từng địa chỉ, len lỏi từng ngõ ngách của TP HCM. Anh không thể nhớ hết mình đã tới bao nhiêu gia đình, đi qua bao nhiêu con đường, gặp tổng cộng bao nhiêu hoàn cảnh… Anh gọi đây là hành trình của sự yêu thương, mang “mầm xanh” hy vọng lan toả. Vì vậy, mỗi nơi cán bộ Hope School đi qua, sẽ là “tin vui” cho những em nhỏ, cho những gia đình đang chịu nỗi đau của đại dịch để lại.
Nhìn con hẻm nhỏ chỉ vừa chiếc xe máy, ngoằn nghèo và chật hẹp, anh Quyền quyết định sẽ đi bộ vào nhà của N. – căn nhà nằm sâu trong khu tập thể Đường sắt Sài Gòn. Thậm chí, ứng dụng bản đồ (google map) cũng không thể định vị chính xác địa chỉ, mẹ của N. phải ra tận nơi để đón vào. Một con hẻm siêu siêu nhỏ, hai người đi gặp nhau thì phải nghiêng người mới đỡ va vào. Mẹ N. đã khóc vì sự tử tế, sự chia sẻ và động viên tận nơi của Hope School. Đây cũng là trường hợp đầu tiên mà trường tiếp cận, mở đầu cho chặng đường nhiều chông gai ở phía trước.
22h tại một con hẻm khác, anh Quyền suýt thì bật khóc vì hạnh phúc. Anh đã đi hơn 8 km để tìm ra địa chỉ, vừa đi vừa lo lắng giờ này cả nhà đã ngủ. Nhìn căn nhà sáng đèn, cửa mở, có cả tiếng tivi … anh biết bao công sức của mình không phải “đổ sông đổ bể”. Thêm một em nhỏ có cơ hội đến với Trường Hy Vọng – đó là động lực lớn nhất để anh bước tiếp.
Nhìn chiếc xe đã lấm bụi đường, anh Phạm Ngọc Bắc, cán bộ Hope School, nhẩm tính cũng vừa tròn 21 ngày tạm xa gia đình cho chuyến công tác khắp các tỉnh miền Tây. Anh nghỉ ngơi tại một quán nước khi đôi chân đã mỏi nhừ và cả người ê ẩm. 5 món quà của người FPT đã đến với 5 gia đình, 5 em nhỏ không may mồ côi trên địa bàn Tiền Giang trong hôm nay. Nhưng chừng ấy là chưa đủ. Còn một hàng dài danh sách đang đợi anh.
Tự nhận mình là một người hướng thiện hay tham gia các hoạt động xã hội, Hồ Thị Mai Phương khi biết đến ý tưởng xây trường nuôi dạy trẻ không may mất cha, mẹ do Covid của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình thì đã rất hào hứng. Từ đó, cô nàng hằng ngày đều theo dõi sát các thông tin về ngôi trường đặc biệt này. Đến Hope School bằng tình yêu và cả tấm lòng, Mai Phương xem việc đến với gia đình các em là một sự kết nối, mang lại những hy vọng mới. Cô nàng sinh năm 1993 kể, có những ngày đi bộ mỏi nhừ cả chân nhưng cứ nghĩ đến hoàn cảnh của các em là lại quên hết mệt nhọc.
“Nơi có những anh chị lớn luôn bao bọc các em nhỏ tuổi hơn. Nơi có cán bộ trường Hy Vọng luôn là chỗ dựa vững chắc, đồng hành cùng các em như gia đình. Nơi các em sẽ có cuộc sống mới, làm dịu đi những mất mất, đau thương…. Tôi nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn cho các em. Đó là động lực để chúng tôi có thêm sức mạnh, ý chí và quyết tâm cho mỗi chuyến đi”.
Những em nhỏ đầu tiên…
8h sáng 6/1, chuyến bay từ TP HCM chở theo những em nhỏ đầu tiên đến nhập học Trường Hy Vọng hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng. Đỗ Hoàng Bích Lê Ny – cán bộ Hope School – đã đợi sẵn ở cửa ra vào trước đó 1 giờ. Trên chuyến bay cũng có anh Phạm Ngọc Bắc, cán bộ nhà trường, đi cùng hỗ trợ. Các em được chào đón trong vòng tay yêu thương, chu đáo của những người FPT và cán bộ Trường Hy vọng.
Anh Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Hope School, bế xốc cô bé Ngọc Diệp (7 tuổi) lên tay, ấm áp như đón những đứa con phương xa lâu ngày trở về. Cô bé nhỏ tuổi nhất của trường ngơ ngác nhìn ‘ngôi nhà mới’, to và rộng hơn nhiều căn nhà em đang ở.
Cận kề với Tết, anh và cán bộ nhà trường vẫn làm việc không nghỉ, chuẩn bị mọi thứ chu đáo để đón các em ngay dịp năm mới. Từ chăn, gối cho đến đèn học… tất cả đều được sắp xếp ngăn nắp.Theo anh Quyền, Tết Nhâm Dần là cái “Tết đặc biệt”. Đúng như tên gọi của trường, đó là sự chờ đợi của một điều kỳ diệu, từ ý tưởng nuôi dưỡng các em nhỏ không may mất cha, mẹ trong đại dịch đã trở thành hành động cụ thể.
Thay vì sẽ nghỉ Tết theo lịch công ty, cô nàng Từ Thị Việt Linh, nhân viên FPT Software, quyết định đổi vé xe, trở về Đà Nẵng sớm hơn dự định. Linh vui vẻ góp sức bằng một bài hát trong chương trình đón các em nhỏ tới Trường Hy Vọng. Band nhạc của đêm diễn cũng chính là những kỹ sư phần mềm FPT Software, tình nguyện rút ngắn kỳ nghỉ Tết để làm nên một ngày đặc biệt ý nghĩa cho các em.
An tâm với ngôi trường mới
Chị T. (đang sinh sống ở Bình Dương) cho biết, trước đây hai vợ chồng đi làm công nhân. Tháng 8/2021, chồng chị không may nhiễm Covid và qua đời. Chị ở nhờ nhà người họ hàng và nghỉ làm để ở nhà trông con, tranh thủ bán hàng online kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Khi được cán bộ Trường Hy vọng tìm đến, chị ban đầu còn đắn đo, vì “không nghĩ sẽ có một nơi tốt như thế”. Tuy nhiên qua những lần nói chuyện, tìm hiểu và nhiều người khuyên nên gửi cháu ra, chị đã đồng ý gửi hai con lớp 1 và lớp 5 nhập học tại trường.
“Tận mắt chứng kiến các thầy cô chăm sóc, sắp xếp điều kiện ăn ở cho các con tôi rất yên tâm và vui cho các con. Thực sự nếu không Trường Hy Vọng tôi cũng không đủ sức chăm sóc các con”, chị nói.
Chị N., phụ huynh của học sinh lớp 6 vừa được chuyển đến phấn khởi: “Cơ sở vật chất ở đây thật tuyệt. Cháu đến nhận phòng ở nội trú mà sạch đẹp như khách sạn. Quân tư trang sắp xếp gọn gàng như trong quân đội, tôi vui lắm”.
“Giờ chỉ còn ba mẹ con, tôi rất biết ơn Tập đoàn FPT đã giúp đỡ để cháu đầu có được nơi ở, ăn, học đáng mơ ước”. Cũng theo chị, sang năm cháu thứ hai vào lớp 1 chị sẽ liên hệ với nhà trường để xin cho con theo học, vừa giảm bớt gánh nặng cuộc sống, vừa có môi trường đảm bảo cho các con.
Dự án Hope School được nhà F khởi động trước những đau thương, mất mát của đại dịch Covid. Hiện nay, các khối Tiểu học, THCS, THPT của Trường Hy Vọng đã đón các em học sinh đầu tiên nhập trường từ ngày 7/2/2022. Dự kiến trong năm học đầu tiên, nhà trường sẽ đón nhận 300 em học sinh và sẽ tiếp tục tiếp nhận theo kế hoạch nuôi dưỡng 1.000 em. Ngôi trường được xây dựng tại Khu đô thị FPT City Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) nhằm nuôi dưỡng, đào tạo các học sinh mất cha mẹ vì đại dịch với mong muốn chia sẻ, yêu thương, nâng bước trưởng thành cho các em nhỏ. |
Theo Chungta.vn