Cuộc sống đôi khi không cho chúng ta được quyền nói thật và lúc này những “lời nói dối” nhưng chân thành cũng là một giải pháp để có một kết cục tốt đẹp hơn .
Lời nói dối tôi được nghe nhiều nhất thời thơ ấu đó là "Bố không thích ăn thịt đâu, ngày bé bố ăn nhiều đến giờ vẫn ngán đây", hay “mẹ no rồi, các con cứ ăn hết đi, không cần để phần mẹ đâu“. Khi đó những đứa con thơ dại như chúng tôi luôn tin đó là thật và không hề nhận thấy tình thương yêu, hết lòng hy sinh cho con cái từ cha mẹ .
Là lời khẳng định chắc nịch “con tự đi Hà Nội thi đại học, con đã lớn và tự xoay sở được" để bố yên tâm ở nhà chăm em, dù trong lòng khá lo sợ về quãng đường đi về gần 1000 km mà một đứa con gái mười tám tuổi là tôi khi ấy sẽ phải trải qua.
Ngày tôi đi học xa nhà, vì muốn con theo đuổi ước mơ không vướng bận về kinh tế gia đình bố lại nói dối để trấn an: “Con yên tâm, bố mới tăng lương rồi. Con đừng đi làm thêm nhiều tập trung học hành cho tốt để bố yên lòng". Từ đó, ngày làm việc của bố kéo dài hơn, những nếp nhăn nơi vầng trán ngày một hằn sâu .
Có những lời nói dối gây nên những hậu quả không thể lường trước, và từ đó để ta biết chọn lựa khi nào nên nói dối, khi nói đúng hoàn cảnh, nói dối với mục đích tốt . Tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt anh hàng xóm với nỗi buồn sâu lắng ấn chứa trong nụ cười gượng gạo của anh khi lũ trẻ thẳng thắn hỏi: “Sao anh tay to tay nhỏ thế lại cứ lòng thòng, nhìn tay chúng em thẳng thế này mà, anh giơ tay giống em xem nào…”. Lời nói thật lúc này chẳng phải đã gây tổn thương cho người khác lắm sao?
Bạn còn nhớ “Chiếc lá cuối cùng" của O.Henry? đó là lời nói dối rất thiện, đổi được cả sinh mạng cho một con người . Tôi hay nghĩ về những lời nói dối ngọt ngào và sự tổn thương từ những câu nói thật không cảm xúc. Đôi khi ta có thể nói dối một cách vô tư hồn nhiên như trẻ thơ hoặc dùng những lời không trung thực, nhưng luôn cần nhớ rằng tất cả phải xuất phát từ sự chân thành, đồng cảm sâu sắc đó mới chính là những lời nói dối ngọt ngào. Nói dối cũng chỉ là một công cụ, biết dùng đúng lúc nó sẽ trở lên hữu ích hơn. Bạn có cùng suy nghĩ với tôi?