Sau buổi khảo sát địa hình và họp rút kinh nghiệm ngày 25/06, từ 5h30 sáng 80 anh em kỹ thuật miền Bắc đã sẵn sàng chống bão.
5h00 sáng: Bình minh trên thành phố Vinh ló rạng. Mặc dù mới sáng sớm nhưng thời tiết vẫn khá “gắt gỏng” với nền nhiệt khoảng 30 độ. Tuy không đổ lửa như hôm qua nhưng hôm nay TP. Vinh xuất hiện nhiều cơn gió xoáy lốc. Anh Đức (Nhân viên INF CN Vinh) chia sẻ: “Ở đây nhiệt độ tuy không cao nhưng sẽ khiến nhiều người khó chịu vì có kèm theo các cơn gió Lào hầm hập, nắng dù không gắt nhưng vẫn khiến hoạt động ngoài trời của anh em khó khăn, nhất là khi phải leo trèo, lao động dưới nắng lâu”.
5h30: “Phát súng” đầu tiên do anh Nguyễn Hoàng Điệp đứng đầu đã xuất phát. Nhiệm vụ của cả team hôm nay là Ứng cứu Metro POP mất điện. Đây là một trong những hạ tầng trọng yếu của TP. Vinh, bởi lẽ nếu chỉ một sự cố xảy ra tại điểm này cũng khiến hơn 60.000 khách hàng không thể sử dụng mạng.
5h45 sáng: Chiếc máy phát điện nặng gần 900 kg được đưa đến bằng xe tải. Anh em Team 2 nhanh chóng tháo dỡ và chuẩn bị các vật tư cần thiết như kìm, dây nối, băng dính cách điện.
6h00: “An toàn bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu”, đây cũng chính là chỉ thị từ Ban lãnh đạo. Vì vậy trước khi thực hiện bất kỳ thao tác nào anh Điệp cũng nhắc nhở thành viên trong team phải kiểm tra chắc chắn.
6h15: “Để ý nhiệt độ! Để ý nhiệt độ” – Tổ trưởng Nguyễn Hoàng Điệp nhắc nhở trong bộ đàm với một thành viên đang túc tực trong phòng thiết bị. Nhiệt độ lý tưởng của môi trường điện tử là 18-20 độ, vì vậy anh em phải thường xuyên kiểm tra để tránh tình trạng nhiệt quá cao dẫn tới các thiết bị down, lag.
6h25: Máy phát điện và POP đã đấu nối xong, chờ lệnh từ đội trưởng.
6h30: Sự cố bất ngờ xảy đến! Do một vài lý do mà máy phát điện đầu ra không đủ, toàn bộ quá trình phải thực hiện lại từ đầu. Không những thế, cả team phải chờ thêm 40 phút để làm mát các thiết bị, tránh tình trạng chập cháy.
Cùng lúc đó, tại điểm diễn tập Ứng cứu POP có nguy cơ bị ngập nước, anh em team 4 do anh Trịnh Ngọc Kỳ làm trưởng nhóm đã sẵn sàng cho nhiệm vụ nâng POP.
6h35: Trước khi thực hiện, anh Kỳ với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề đã đưa ra phương án phân công rõ ràng nhiệm vụ từng cá nhân trong team.
“Trước khi làm anh em phải kiểm tra xem đồ đầy đủ hay chưa. Dù bất kỳ tình huống nào xảy ra cũng phải ghi nhớ đảm bảo an toàn tuyệt đối”, anh Kỳ quán triệt tinh thần.
6h45: Người tháo dây đai đang luồn ống dây điện, người kiểm tra an toàn để chuẩn bị nâng POP. Khi nâng, 1 người kéo ba lăng, 4 người giữ xung quanh pop để đảm bảo pop nâng, 2 người tháo bulong xquanh POP. Nâng đến đâu đảm bảo cân đủ pop đến đấy. Khi đã đến điểm an toàn, bắt chặt bulong và kiểm tra lần cuối. Khi kiểm tra chắc chắn phải tháo ba lăng xích, chốt định vị toàn bộ đai giữ, ống luồn dẫn cáp vào POP. Đó là toàn bộ các bước của quá trình nâng POP ưng cứu trước nguy cơ bị ngập nước.
7h00: Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng công việc này cần sự đoàn kết, đồng lòng và phối hợp nhịp nhàng cùng lúc của các anh em trong team. Đến 7h sáng, kíp thực hiện đã hoàn thành 2/3 nhiệm vụ.
7h15: Sau hơn 30 phút nâng, kéo và cố định, POP đã được “giải cứu”, cách 30 cm so với mức ban đầu, đảm bảo cao hơn mặt nước ít nhất 10 cm.
7h30: Tình huống nguy cấp hơn khi mực nước ngày càng lên cao. “Gửi Ticket cho SCC xin chỉ đạo di dời POP đến địa điểm an toàn!”, anh Trịnh Ngọc Kỳ ngay lập tức ra quyết định.
8h04: Hơn 34 phút vận lộn trong thời tiết khắc nghiệt, quả POP nặng khoảng 300kg đã được thu hồi và đưa lên cano về vị trí an toàn.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng (INF CN THA) phụ trách kíp tháo bulong, lắp giá cho tời chia sẻ: “Mỗi anh em đều đã được phân công rõ ràng, hết nhiệm vụ của người này là tới người khác, vì vậy để nhịp nhàng mỗi cá nhân phải ý thức được trách nhiệm của mình, thao tác dứt khoát và tuyệt đối đảm bảo an toàn”.
08h15: Lúc này tại điểm Ứng cứu POP do đứt cáp quang Ring, anh em kỹ thuật đã dựng xong lều tạm thời và tìm ra nguyên nhân gây ra đứt cáp quang Ring.
Trưởng nhóm của team thực hiện Module là anh Nguyễn Xuân Đức. Tình huống X giả định khiến 2 tuyến cáp quang bị đứt làm 5 POP bị down đồng thời.
Chia sẻ về các “đề bài” được đưa ra trong buổi diễn tập, anh Trần Hữu Sơn (GĐ INF) và anh Phan Văn Khoa (PGĐ INF) cho biết, đây là các tình huống bao quát nhất có thể xảy ra khi lũ lụt đến. An toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu, tất cả vì mục tiêu hỗ trợ tối đa và nhanh nhất cho khách hàng.
8h30: Nền nhiệt TP Vinh đã lên tới 41 độ. Với tinh thần như Ban lãnh đạo đề ra, trước khi “giải cứu” đường cáp quang, team phải chia một nửa phân tích đánh giá mức ảnh hưởng để đưa ra biện pháp nhanh nhất. Đồng thời, các vật dụng, nguyên tắc bảo hộ lao động cũng được tuân thủ tuyệt đối.
Trong khi đó, ngày từ 6h sáng team phụ trách Ứng cứu POP mất điện diện rộng do anh Phạm Văn Thịnh đứng đầu cũng đã hoàn thành xong nhiệm vụ được giao.
Tình huống giả định được đưa ra: dưới ảnh hưởng của bão số 7, 20 POP của chi nhánh bị mất điện kéo dài. Do số lượng và quy mô lớn nên team phải đối mặt với những POP nằm ở xa, bị nước lũ bao vây.
Ngay sau khi xác định tình hình, anh Thịnh và các anh em đã điều động cano để “giải cứu” các POP đang bị cô lập. Phương án này đòi hỏi sự chính xác, tập trung và thao tác cực nhanh vì điều kiện trên mặt nước. Yếu tố an toàn lao động lúc này cũng được các thành viên ghi nhớ, quán triệt ngay từ đầu để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
10h20: Nhiệm vụ ứng cứu POP cho cáp quang Ring hoàn thành. Các anh em team 3 tập trung về chi nhánh và tiếp tục họp báo cáo, rút kinh nghiệm. Đây là đội phải thực hiện với thời gian lâu nhất do có những thiết bị được đặt tại nhà dân, nằm rải rác.
11h45: Kết thúc buổi họp rút kinh nghiệm giữa Ban lãnh đạo và các team tham gia diễn tập.
Là một trong những người theo sát hành trình của 80 con người từ khi lên xe khởi hành tới lúc hoàn thành nhiệm vụ, Trần Thanh Hải (GĐ Công Nghệ FTEL) đánh giá cao tinh thần đoàn kết, hiệp đồng tác chiến và hết mình hoàn thành công việc được giao của anh em kỹ thuật.
Anh Trần Hữu Sơn (GĐ INF) chia sẻ lý do chọn Nghệ An là địa điểm thực hành đầu tiên vì đây là địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, tình hình bão lũ ngày càng khó đoán và mức ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng. Anh Sơn cũng cho biết thời gian tới chương trình đào tạo sẽ đến các địa phương khác như vùng núi cao hay một số tỉnh sát biển.
Nói về mục tiêu của chương trình Diễn tập phòng chống bão lụt 2019, anh Phan Văn Khoa nhấn mạnh: “Thứ nhất, hoàn thiện kịch bản ứng cứu chi tiết từng tình huống cụ thể. Từ 4 kịch bản hôm nay diễn tập có thể bóc tách thành 14 – 16 kịch bản chi tiết, từ đó anh em chủ động tối đa trước mọi sự cố. Thứ hai, sau khi trải qua kinh nghiệm thực tế, khi có bão tới mỗi cá nhân có mặt trong chương trình này sẽ là một hạt nhân nhân rộng cho 24 tỉnh thành, 38 đơn vị INF. Thứ ba, giúp FTEL khép kín chu trình ứng cứu phòng chống bão hoàn chỉnh. Để mục tiêu cao nhất là khách hàng được phục vụ tốt nhất, kịch bản ứng cứu hoàn thiện nhất có thể”.
Với sự có mặt của anh Trần Thanh Hải (GĐ Công nghệ) và anh Nguyễn Công Toản (GĐ CS) chương trình Diễn tập Phòng chống bão lụt năm nay sẽ là bước đệm để tối ưu hoá quy trình, vì mục tiêu một năm OKRs Lengkeng.
Được biết đây là chương trình Diễn tập diễn ra thường niên. Ban Lãnh đạo cũng chia sẻ sang năm sẽ mở rộng quy mô và phạm vi để nhân rộng hoạt động này tới từng cá nhân, từng bộ phận, từng tỉnh thành.