Người già để lại bóng

12/2/2016 – Năm nay, ngày 30 sẽ không có ông lên nhà ăn cơm Tất niên và rằm tháng Giêng cũng không có ông chỉ huy cả họ về ăn Tết và chả ai lấy “ông Phúc” ra mà dọa nữa. Nhưng mọi việc đã vào nếp, con cháu chắc cũng sẽ vẫn vui vầy và yêu thương nhau. Người già trong nhà vẫn để lại bóng. Con cháu sẽ nhìn vào đó mà sống.

Ông đã nằm lại đất làng, đúng ở nghĩa trang nơi ông đã vất vả đưa ông bà nội con và bố con về xây cất mộ tử tế.

Ông nội có hai em trai là ông Phúc và ông Hậu, hai người mình vô cùng yêu quý. Ông nội và bố mất, Sơn còn bé nên từ bao năm nay ông Phúc là "đại tướng" trong nhà.

Thông lệ, hằng năm, cứ 23 Tết là ông lại chỉ đạo con cháu mang quất, mang đào về quê, lau dọn ban thờ các cụ, tảo mộ mời các cụ về ăn Tết. Năm nào ông cũng đích thân về, năm nay, ông mệt nhưng vẫn bắt em trai, bắt con trai, bắt cháu dâu trưởng tự tay lau ban thờ. Mọi người theo lệnh ông, còn chưa kịp từ quê ra thì ông đã đi. Ăn cơm trưa xong, ông đi ngủ và ngủ mãi. Không nằm bệt ngày nào, con cháu họ hàng ai cũng sốc nhưng ông dường như đã chuẩn bị sẵn mọi thứ cho mình, ngay kể cả việc ông sẽ nằm đâu mãi mãi.

Họ hàng, ai cũng sợ ông, chả ai dám trái ý. Ngày giỗ chạp, khi ông lên nhà tức là bữa cỗ bắt đầu. Các bà cô trong họ thích thì thào nói này nói nọ ở đâu chứ trước mặt ông là im thít. Ông bảo về quê ngày nào là cả họ về ngày đó. Trước còn khó khăn, nên họ hàng thường hẹn nhau cùng thuê một chiếc ô tô to về ngày rằm tháng giêng, ngày hội to nhất trong năm của làng Ước Lễ. Giờ dù nhà nào cũng có xe riêng nhưng lệ thuê một xe to vẫn tiếp diễn. Mấy giờ xuất phát, mấy giờ rút quân là "đại tướng" quyết. Ngày 30 hằng năm tập trung ở nhà bác trưởng, tức nhà mình. Mùng một là nhà ông Phúc, mùng hai là nhà ông Hậu, khỏi cãi. Cũng có người ý này ý nọ nhưng không ai dám làm khác. Ông chẳng bao giờ nói to với ai nhưng ai trong họ cũng sợ.

Họ nhà mình còn có lệ đám cưới là phải đến trước một ngày, dù giờ cưới nhà hàng, nhàn tênh, nhưng tối trước ngày đón dâu, cả họ bao giờ cũng có mặt, tập trung, rôm rả. Ngày giỗ, ngày Tết con cháu phải tới nhà mời ông đi ăn giỗ chứ không gọi điện được. Nghiêm khắc tới nghiệt ngã nhưng nhà ai có việc, ông cũng huy động mọi người xúm vào, mỗi người một chân một tay. Thậm chí không có việc gì, ông cũng bắt tới sớm cho "có người". Ông luôn là đại diện đằng trai, đằng gái tất cả các đám cưới trong họ.

Bố mình là trưởng, lúc tai nạn mất quá trẻ, cả nhà sốc, hai ông chú rất yêu quý cháu cũng sốc, cùng xúm vào lo cho anh chị, cho cháu dâu và hai cháu bé. Ơn ý mẹ con mình cả đời không bao giờ quên được. Ông bà nội cùng đau ốm, ông lên chăm sóc, lo từng đơn thuốc, mũi truyền. Bà nội mình lúc sắp mất còn bảo mẹ: "Mẹ thấy người khác lắm, con gọi chú Phúc lên đi". Mọi việc hậu sự ông cùng chỉ đạo và lo chu toàn. Ngày giỗ của ông bà nội năm nào ông cũng lên, dù ngoài 80 tuổi.

Có những lệ nhà nhiều khi con cháu cũng thấy rắc rối rườm rà, có đôi khi cũng vùng vằng, làm cho xong, nhưng khi cây đại thụ nằm xuống, chả ai bắt, chả ai nạt lại thấy trống trải lạ lùng. Năm nay, ngày 30 sẽ không có ông lên nhà ăn cơm Tất niên và rằm tháng Giêng cũng không có ông chỉ huy cả họ về ăn Tết và chả ai lấy "ông Phúc" ra mà dọa nữa. Nhưng mọi việc đã vào nếp, con cháu chắc cũng sẽ vẫn vui vầy và yêu thương nhau. Người già trong nhà vẫn để lại bóng. Con cháu sẽ nhìn vào đó mà sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây