Một chiếc tủ POP bị hư hại có thể gây ra tổn thất hàng tỷ đồng cho công ty, cũng như có thể làm tê liệt tín hiệu đường truyền của hàng ngàn Khách hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và hình ảnh thương hiệu FPT Telecom. Bởi vậy, công tác nâng tủ POP trong giai đoạn phòng chống lụt bão đóng vai trò vô cùng quan trọng giảm thiểu thiệt hại về vật chất cũng như đảm bảo quyền lợi cho Khách hàng khi bão về.
Nằm trong chuỗi hoạt động phòng chống bão lũ 2019 được tổ chức lần lượt tại chi nhánh FTEL Khánh Hòa (10/07, 11/07) và văn phòng FPT Telecom Tân Thuận, Quận 7, TP HCM, (15/07, 16/07) những đại diện từ Trung tâm Phát triển và Quản lí hạ tầng (INF) miền Nam kết hợp cùng đại diện lãnh đạo chi nhánh Vùng 5, 6, 7 đã triển khai thực hành tại các trụ POP ngoài trời.
Với tiêu chí nâng cao tinh thần chủ động phòng chống bão, cũng như tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm đối phó thiên tai thực tế với tất cả mọi người, anh em INF miền Nam vừa thực hiện vừa giải thích, thuyết minh rõ từng công đoạn của việc nâng tủ POP, giúp tất cả đại biểu chi nhánh các vùng nắm rõ chi tiết các bước cần có, để khi sự cố xảy ra trong bão thì các thao tác phải thật chuẩn xác, nhanh, gọn và trên hết là đảm bảo an toàn lao động.
Theo anh Vũ Đức Huy, Giám Đốc INF miền Nam chia sẻ, quá trình nâng tủ POP không hề khó khăn nếu như có sự chuẩn bị kĩ càng, công tác hậu cần, vật tư, công cụ cần thiết cũng như tuyệt đối tuân thủ quy định an toàn lao động để tránh gây nguy hiểm không đáng có.
Trước đây, việc nâng tủ POP cần tới 4 – 6 người, thời gian hoàn thành kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, gây khó khăn khi có bão đến khẩn cấp. Do đó, Trung tâm Phát triển và Quản lí hạ tầng (INF) miền Nam đã nghiên cứu ra bộ nâng tủ POP và áp dụng cho toàn hệ thống nhằm tối ưu hoá các công đoạn cũng như tiết kiệm thời gian thực hiện. Nhờ đó thời gian hoàn thành việc nâng tủ POP đã được rút ngắn với yêu cầu tiêu chuẩn chỉ hai kĩ thuật viên.
Trong phòng chống bão, mỗi cá nhân của đội kĩ thuật cần hiểu rõ kiến thức và những “nguyên tắc vàng” để khi thiên tai xảy ra luôn có tâm thế chủ động đối phó với những tình huống xấu nhất. Nếu không chuẩn bị kĩ lưỡng thì các đơn vị sẽ rơi vào thế bị động trong việc ứng phó với bão, từ đó ảnh hưởng đến dịch vụ của Khách hàng.