Trước tình hình mưa giông kéo dài tại cả miền Bắc và miền Nam, người nhà Cáo tại nhiều tỉnh thành đang nỗ lực khắc phục sự cố, đồng thời chuẩn bị các phương án bảo đảm an toàn cho hạ tầng của FTEL.
Trong những ngày đầu tháng 8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp được thiết lập nên vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa và to, nhiều nơi xảy ra giông lớn. Đặc biệt tại tỉnh Quảng Ninh vào tuần vừa qua đã ghi nhận tình trạng ngập úng tại một số khu vực do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài. Các tỉnh khác như Hưng Yên, Nghệ An cũng xảy ra mưa giông cục bộ.
Tại tỉnh Nghệ An, vào cuối tuần vừa qua có mưa lớn kéo dài từ sáng tới đêm. Vào tối đêm ngày Thứ Bảy (1/8), các thành viên Kỹ thuật Chi nhánh nhận thông tin sự cố cháy cáp đang treo tủ POP. Sự cố diễn ra đúng lúc trời mưa rất to, và tại khu vực không đủ nhân lực để ứng biến, khắc phục, do đó, các thành viên Kỹ thuật tại Văn phòng chính của Chi nhánh đã di chuyển 70 cây số giữa trời mưa để đến giúp sức.
Do mưa quá lớn nên hơn 1 giờ đồng hồ sau các thành viên Kỹ thuật mới tiếp cận được điểm sự cố và ngay lập tức bắt tay xử lý trong đêm. Đến 3h30 sáng ngày 2/8, chờ cho thời tiết ổn định hơn, các thành viên mới treo cáp lại lên cột điện, việc sửa chữa mới được hoàn tất.
Trong sự cố lần này, có tổng cộng 3 thành viên Kỹ thuật phụ trách khu vực và 5 thành viên di chuyển 70 cây số từ văn phòng tới ứng cứu. Dù trời mưa dữ dội, nhưng các “chiến binh” vẫn hết mình nỗ lực khắc phục sự cố, đồng thời ưu tiên yếu tố đảm bảo an toàn lên trên hết.
Theo anh Nguyễn Dương Bình – Trưởng phòng Kỹ thuật CN Nghệ An cho biết, từ cuối tháng 7, các thành viên Kỹ thuật đã tiến hành rà soát hết các vị trí trọng yếu của tỉnh, ưu tiên các POP có số lượng khách hàng lớn, điều này sẽ giúp đảm bảo an toàn, hạn chế sự cố xảy ra khi xảy ra mưa lớn. Ngoài ra, các vật tư cần thiết cũng được phân về từng đơn vị nhỏ tại địa phương, sẵn sàng đưa vật tư ra hiện trường nếu cần thiết. Chủ động – đây là ưu tiên hàng đầu mà anh em Kỹ thuật Chi nhánh hướng tới.
Trước tình hình ngập úng, nước dâng cao tại nhiều khu vực, các thành viên Chi nhánh Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị phương án rà roát lại các điểm, tại các điểm trọng yếu sẽ nâng thiết bị lên cao để đảm bảo an toàn. Tuần vừa qua, Chi nhánh cũng ghi nhận sự cố, đặc biệt sự cố diễn ra ở điểm Cẩm Phả bị ngập úng sâu, do đó không đủ an toàn để xử lý. Các thành viên đã theo dõi và đợi tới khi nước rút, đủ điều kiện an toàn làm việc để khắc phục.
Tại các tỉnh miền Trung, miền Nam cũng ghi nhận tình trạng mưa lớn kéo dài, một số nơi có giông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Anh Nguyễn Chí Cường – PGĐ Chi nhánh Đà Nẵng chia sẻ: “Trước khi nghe thông tin áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão, Chi nhánh Đà Nẵng – Quảng Nam đã tiến hành rà soát tất cả hạ tầng và các vật tư ứng cứu dự phòng để xử lý sự cố khi bão đổ bộ. Rất may bão không đi vào khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam, do đó không có thiệt hại gì về hạ tầng và khách hàng trong khu vực.”
Mưa và giông lớn cũng diễn ra tại các tỉnh Nam Bộ. Tối 2/8, Áp thấp nhiệt đới gây mưa giông liên tục đã khiến cây lớn trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Trà Vinh) bật gốc, gây mất kết nối tuyến cáp Ring kết nối TVHP003 – TVHP004. Đây là tuyến đường chính đi vào KCN Long Đức, nơi tập trung dân cư sinh sống. Mặc cho mưa gió vẫn không ngừng trút xuống, đội ngũ kỹ thuật vẫn quyết định sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, triển khai xử lý nhanh chóng, làm thế nào để không ảnh hưởng đến đường dây điện trong thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn đảm bảo kết nối lại tuyến cáp cho các hộ gia đình.