7h sáng, Nguyễn Thị Thu Hồng, FPT Telecom, bắt đầu một ngày với công việc “nhìn mặt bắt hình dong”. 9X hỏi chuyện mọi người xung quanh, nhanh thoăn thoắt điểm qua tình hình hôm trước. Giờ sáng ồn ào qua đi là cả ngày dài đối diện với những ca xử lý phức tạp, đôi khi phải đến tận hiện trường để “cấp cứu”…
Áp lực, đòi hỏi cường độ dày đặc và mang nặng tính kỹ thuật đến nỗi đây dường như là "lãnh địa" của phái mạnh. Thế nhưng, ở Trung tâm Triển khai và Bảo trì số 8 (PNC8), FPT Telecom lại có một cô gái gắn bó với vị trí công việc này đã hai năm. Nguyễn Thị Thu Hồng là nữ kỹ thuật viên điều hành duy nhất của PNC tại TP HCM.
Góc làm việc của Hồng tại PNC8 khá giản dị so với phong cách thường thấy của chị em văn phòng với những đồ vật trang trí, thậm chí cây cảnh, bể cá. Giờ làm việc của Phương Nam bắt đầu lúc 7h sáng, sớm nhất trên toàn "nhà Cáo".
Kỹ thuật viên điều hành là trung tâm đầu mối "trực chiến" của nhà Viễn thông. Từ các trung tâm chăm sóc khách hàng (call center), kinh doanh, thu cước, phòng giao dịch, thông tin được chuyển tới kỹ thuật viên, từ đó phân bổ tới các nhân viên kỹ thuật lắp đặt, bảo trì tại nhà khách hàng sao cho đúng hẹn và làm khách hàng hài lòng nhất. Công việc tưởng chừng đơn giản với vài cú nhấp chuột cùng sự hỗ trợ công nghệ hiện đại hóa ra lại phức tạp hơn rất nhiều vì nghìn khách hàng là nghìn kiểu nhu cầu, sự cố, thậm chí tính cách khác nhau; từng trường hợp lại được phân bổ những thiết bị riêng biệt trong danh sách hàng trăm loại vật tư; cùng với sự phát triển nóng của khu vực Bình Tân, Bình Chánh khiến đầu việc lúc nào cũng dồn dập không ngừng.
Với Thu Hồng, hiện chị phụ trách điều hành hơn 20 nhân viên, tương ứng với 5 tổ kỹ thuật triển khai – bảo trì và 4 tổ onsite (thực địa), chuyên phụ trách các ca "nặng đô". Mỗi ngày, nhóm làm việc của Hồng thực hiện xử lý trung bình gần 100 trường hợp lắp đặt mới truyền hình, Internet FPT và khắc phục sự cố cho khách hàng.
Nhớ lại những ngày đầu hoang mang khi nhận việc, Hồng tự nhận mình đã cứng cỏi hơn nhiều. "Giai đoạn thử việc của tôi rơi ngay vào tháng cao điểm mùa điện lực cắt cáp (EVN tiến hành rà soát, thi công thu dọn các tuyến cáp), lại thêm chiến dịch quang hóa (SWAP) của FPT Telecom nên không khí làm việc cực kỳ căng thẳng, ai cũng cắm cúi gõ phím, điện thoại nóng bừng. Tôi lo lắng không biết "trụ" được bao lâu", Hồng bộc bạch.
Thế nhưng, cô gái mỏng manh ấy (Hồng cao 1,65 m nhưng cân nặng chưa đầy 50 kg) không cho phép mình bỏ cuộc. Hồng "bám riết" lấy các anh để học việc, từ cách xử lý sự cố, giao tiếp với các bộ phận đến "xin xỏ" ra hiện trường để xem tình hình thực tế.
"Hồng xuất hiện nhút nhát, rụt rè bao nhiêu ở buổi phỏng vấn thì lại thể hiện sự thích thú, tò mò bấy nhiêu khi tiếp cận với công việc. Quả thật tôi đã không kỳ vọng nhầm", anh Trần Quốc Việt, GĐ FPT Telecom Tây Ninh, tự hào khi nói về nhân viên cũ của mình. Thời điểm đầu năm 2015, anh Việt là quản lý khu vực của PNC.
Như để khẳng định sự quyết tâm và niềm đam mê cho công việc kỹ thuật viên, Hồng sẵn sàng thực hiện những công việc vốn được coi là "sở đoản" của nữ giới và là một trong những yếu tố ngăn cản các "bóng hồng" khác đến với công việc này là đi thực địa. Không chỉ để quan sát công việc của các nhân viên bảo trì, triển khai hay trò chuyện để hiểu về nhu cầu của khách hàng mà Hồng còn "chạm trán" với những việc khó nhằn hơn như kiểm soát hạ tầng, hỗ trợ việc đặt tụ điểm, "kích" cho quá trình quang hóa diễn ra đúng tiến độ. "Và tranh thủ xóa "mù" đường nữa", Hồng bổ sung.
Thực tế, tại khu vực 8 của PNC (địa phận quận Bình Tân, Bình Chánh, TP HCM), tìm đường theo địa chỉ là một "cực hình". Số nhà, con hẻm không mang ý nghĩa gì nhiều nếu không biết các "điểm mốc" để định vị. Chính bởi những lần thực địa toát mồ hôi, Hồng nắm rõ hơn bản đồ khu vực và có thêm kinh nghiệm điều hành.
Ra hiện trường, cô gái cũng "thấm" được sự vất vả của các nhân viên kỹ thuật. "Làm việc tại văn phòng, thấy khối lượng công việc của mình rất áp lực nhưng trực tiếp xuống hiện trường, thấy các anh leo trụ dưới cái nắng gần 40 độ của mùa hè, người mồ hôi đầm đìa nhưng vẫn tươi cười với khách hàng, tận tình hướng dẫn cài Hi FPT app khi xong việc, thực sự có nhiều lúc tôi cảm thấy rất 'đau lòng'”, Hồng nói.
"Chỉ sau vài tháng, Hồng đã bắt nhịp rất tốt và thực hiện khối lượng việc ngang ngửa với các kỹ thuật viên khác", anh Việt chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Dũng, quản lý khu vực PNC8, cũng khẳng định, hiện tại trong công việc không có sự "ưu tiên" nào cho nữ giới với minh chứng về số tổ điều hành và số ca xử lý trong ngày.
Đối với kỹ thuật viên điều hành, khách hàng không chỉ là người sử dụng dịch vụ của nhà Viễn thông FPT mà còn là chính các nhân viên kỹ thuật do mình phụ trách, với công việc hệt như một "tiểu" cán bộ nhân sự. Đồng nghiệp nam thường kết thân với các anh nhân viên kỹ thuật bằng những chầu bia sau giờ làm trong khi đây là điều "bất khả" với Hồng.
Hồng tâm sự, lúc đầu sự kết nối cũng khá khó khăn, liên tục bất đồng quan điểm bởi chị phải làm việc với các anh lớn tuổi hơn nhiều và đã có thâm niên tại PNC.
"Lợi thế mềm dẻo của nữ giới thì ai cũng biết nhưng Hồng còn làm được hơn thế, đó là chăm sóc tinh thần cho anh em", anh Việt bật mí. Tinh tế quan sát vào mỗi buổi sáng gặp gỡ để bàn giao vật tư, Hồng chủ động hỏi thăm các anh em. Chị còn đến thăm vợ, con của nhân viên kỹ thuật khi bị ốm.
Sự sẻ chia này không chỉ được đền đáp bằng cảm tình cho nữ kỹ thuật viên mà còn tạo nên bầu không khí cởi mở, đoàn kết tại trung tâm PNC8. Mọi thành viên chịu khó hỏi thăm, động viên nhau hơn. Đặc biệt, trước đây các tổ tại trung tâm thường làm việc độc lập trên "mảnh đất" của mình thì nay các tổ hỗ trợ qua lại nhau, khiến công việc dễ "xoay xở" hơn khi có người nghỉ phép, ốm đau.
"Đến giờ, anh em trong đội coi nhau như gia đình", nữ điều hành khẳng định. Vượt qua những quan niệm và cả sự bỡ ngỡ của bản thân, Hồng tâm niệm: "Không có ngành nghề cần phân biệt giới tính. Hãy cứ đam mê và làm công việc mình yêu thích".