Theo PTGĐ FPT Telecom Vũ Anh Tú, 12.000 CBNV đơn vị đang sử dụng các hệ thống/ứng dụng và hằng tháng có khoảng 7 triệu giao dịch nghiệp vụ được thực hiện qua các ứng dụng di động.
Đại hội thế giới ngành công nghiệp di động (MWC) vừa diễn ra ở Barcelona, Tây Ban Nha. Nhóm quản lý cao cấp của Tập đoàn, FPT Software và FPT Telecom đã tham dự sự kiện để cập nhật xu hướng công nghệ. Chungta.vn trao đổi với PTGĐ FPT Telecom Vũ Anh Tú về MWC và những thay đổi trong mảng Công nghệ – Kỹ thuật của đơn vị.
– Giới truyền thông cho rằng, ban đầu là sàn diễn của các sản phẩm mới, gần đây, MWC đã dần trở thành nơi khởi đầu cho công nghệ và xu hướng tương lai. Là người theo dõi sự kiện này trong thời gian dài, anh chia sẻ như thế nào về nhận định này?
– Lần đầu tiên tôi tham gia MWC là năm 2011 với các sản phẩm tiêu dùng trong lĩnh vực viễn thông, lúc đó đa phần là smartphone. Gần đây, và đặc biệt là năm nay, MWC đã chuyển biến thực sự khác biệt, trở thành một sự kiện không chỉ của viễn thông mà là của cả ngành CNTT và Viễn thông.
Các công nghệ ICT chưa bao giờ gắn liền với các ngành công nghiệp khác như năm nay, trong hầu hết các bài trình bày hay demo công nghệ đều có sự hiện diện của một ngành công nghiệp khác như: IBM giới thiệu VR (thực tế ảo) ứng dụng trong ngành hàng không, Intel giới thiệu chipset gắn liền với các ô tô truyền thống cũng như thế hệ xe hơi tương lai. Điều này cho thấy các công ty ICT sẽ phát triển dịch vụ theo các vertical industry (công nghiệp thực tế ảo) để mang lại nhiều giải pháp cho các ngành công nghiệp.
– Tại MWC 2017, trí thông minh nhân tạo (AI) là tâm điểm nhận được sự chú ý. FPT Telecom quan tâm đến xu hướng này như thế nào?
– AI đã đạt được nhiều thành công to lớn gần đây, ví dụ như IBM Watson đã có thể hiểu được ngôn ngữ với tỷ lệ lỗi là 5,5%, tức là nghe 1.000 từ thì có thể nhận ra được tới 945 từ, điều này rất tuyệt vời. Đối với FPT Telecom, việc phục vụ khách hàng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu chúng ta có thể phát triển chatbot hỗ trợ khách hàng dựa trên công nghệ này. Hãy tưởng tượng ngày nào đó bất kỳ comment hay cuộc gọi nào về dịch vụ của FPT Telecom cũng được trả lời ngay tức khắc, khách hàng hẳn sẽ vô cùng hài lòng.
– 5G và AI được nói rất nhiều trong thời gian gần đây? Vậy hai xu hướng này có liên quan thế nào đến FPT Telecom?
– 5G, AI, IoT sẽ cùng nhau tạo ra sự thay đổi hoàn toàn trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, các công ty viễn thông truyền thống sẽ không còn đơn thuần cung cấp các dịch vụ kết nối, mà hơn thế, họ sẽ trở thành nền tảng cho nhiều ngành công nghiệp, hay nói đơn giản là trở thành nền tảng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chẳng hạn xe hơi tự lái sẽ cần có AI để điều khiển xe hoạt động, cần 5G để tương tác với các đối tượng giao thông khác trên đường như xe khác, người, tín hiệu điều khiển giao thông. Hoạt động trong lĩnh vực viễn thông hiển nhiên FPT Telecom luôn luôn có khát vọng đi xa hơn nữa và trở thành nền tảng thiết yếu cho xã hội số (digital) của tương lai.
– Anh ấn tượng nhất xu hướng nào được trình diễn tại MWC?
– Không hẳn một công nghệ mà sự kết hợp của các công nghệ mới là điểm hấp dẫn, Mercedes-Benz có trình diễn về tương lai của xe tải tự lái và kết nối với nhau vô cùng thú vị. Hiện tại, chỉ có 35% thời gian một chiếc xe tải hoạt động trên đường, còn lại là thời gian đỗ 50% thời gian, 5% thời gian để chất hàng… Với việc ứng dụng công nghệ tự lái, hoạt động thành đoàn, phân tích chu kỳ bảo dưỡng, kết nối xe tải với các hạ tầng khác, sẽ đem lại hiệu quả vượt trội của phương thức vận tải này. Chẳng hạn, việc đi thành đoàn có kết nối tối ưu sẽ làm giảm 7% nhiên liệu và hiển nhiên bảo vệ môi trường hơn.
– MWC cũng tập trung rất nhiều nhà mạng lớn. Đâu là thương hiệu khiến anh dành nhiều thời gian nhất?
– Gian hàng của NTT Docomo với các demo về 5G, sử dụng 5G cho xe tự hành, nông nghiệp thông minh… là điểm đến hấp dẫn với nhiều người, trong đó có tôi và các đồng nghiệp FPT. Họ cho thấy xu hướng phát triển của các công ty viễn thông vượt ra ngoài phạm vi truyền thống và phát triển trở thành platform (nền tảng) cho nền kinh tế số.
– CEO FPT Telecom từng chia sẻ rằng điều anh tự hào nhất là các ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý/kinh doanh; và đây cũng là thế mạnh của đơn vị. Anh có thể chia sẻ vài điểm/hệ thống nổi bật?
– Một vài ví dụ là gần đây toàn bộ đội ngũ kinh doanh, kỹ thuật, hỗ trợ khách hàng đã hoạt động hoàn toàn trên thiết bị di động (mobile) và thông qua các hệ thống số, từ khâu ký hợp đồng đến triển khai, thu cước đều là các quy trình số hoá, không dùng tiền mặt và hoàn toàn không giấy tờ (paperless). Hiện tại, có 12.000 nhân viên đang sử dụng các hệ thống/ứng dụng này và hằng tháng có khoảng 7 triệu giao dịch nghiệp vụ được thực hiện qua các ứng dụng di động.
– Định hướng chiến lược công nghệ của đơn vị năm nay tập trung vào các hướng nào, thưa anh?
– Các hướng IoT (Vạn vật kết nối Internet), Cloud (Đám mây), Truyền hình, Security (An ninh) là mảng sẽ tập trung nhiều nguồn lực và nghiên cứu nhất trong 3 năm tới.
– Cách đây gần một năm, FPT Telecom lần đầu bổ nhiệm 2 PGĐ chi nhánh phụ trách kỹ thuật. Chia sẻ dịp đó, anh nói rằng công ty sẽ tìm kiếm, lựa chọn những cán bộ tốt nhất bổ sung vào Ban giám đốc các chi nhánh để quản lý mảng Công nghệ – kỹ thuật. Vậy sau một năm, kế hoạch này hiện thế nào?
– Nhân sự cho mảng này còn rất thiếu. Hiện tại đã có 3 PGĐ chi nhánh phụ trách kỹ thuật. Dự kiến trong quý 1 năm nay sẽ bổ sung 4 vị trí quản lý mảng này.
– FPT Telecom cũng có lò khởi nghiệp nội bộ với Ban dự án Start-up. Chiến lược về mảng này trong thời gian tới ra sao, thưa anh?
– Các dịch vụ Online, IoT sẽ là mảng đơn vị này tập trung nhiều nhất. Thời gian gần đây, việc phát triển các dịch vụ Truyền hình, Âm nhạc cũng có nhiều chuyển biến tích cực về nội dung, hành lang pháp lý, người dùng. Ban Dự án sẽ có tăng trưởng đột biến trong năm 2017.