“C” là gì? mà tại sao lại nhận được nhiều sự quan tâm của người FPT Telecom trong thời gian gần đây. Foxnews đã tổng hợp nhiều nguồn thông tin và đưa ra kết quả, sẽ có nhiều loại “C” khác nhau để ứng biến với từng hoàn cảnh, mang lại kết quả tốt nhất.
Ngày hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu mô hình “5C” hướng đến sự ổn định tăng trưởng của một tập thể. Đây là các yếu tố của một người dẫn dắt, Commander (Nhà chỉ huy), Co-creator (Người cùng kiến tạo), Coach (Nhà huấn luyện), Collaborator (Người hợp tác) và Communicator (Người truyền thông).
Đi cùng với cách mạng công nghệ 4.0, xu thế và tốc độ thay đổi của thời kỳ mới đang diễn ra rất nhanh chóng và mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi để thành công trong thời kỳ nhiều biến động, người dẫn dắt tạo đột phá giờ đây không còn thuần tuý là người chỉ tay năm ngón mà cần hướng tới hình mẫu hoàn toàn khác.
Nhà chỉ huy (Commander)
Chắc chắn rằng, khi là một nhà dẫn dắt, bạn phải có năng lực chỉ huy và giám sát công việc của nhân viên. Một nhà chỉ huy giỏi cần có tầm nhìn dài hạn và tư duy bức tranh lớn trong mọi quyết định của mình.
Trong thời kì công nghệ phát triển, một nhà lãnh đạo ưu tú sẽ ra quyết định dựa vào phân tích data và ứng dụng nền tảng số vào tổ chức và truyền lửa cho nhân viên. Qua đó, có thể đảm bảo rằng mọi quyết định của các “sếp” là công bằng và chính xác – điều sẽ giúp nâng cao uy tín người lãnh đạo.
Người cùng kiến tạo (Co-creator)
Không chỉ là một “sếp lớn” chỉ tay năm ngón, nhà lãnh đạo cần phải cùng tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch và mục tiêu công việc. Với việc trực tiếp đóng góp vào quá trình lên kế hoạch công việc, nhà lãnh đạo sẽ đảm bảo được đội ngũ của mình đang đi đúng hướng trên con đường thực hiện chiến lược lớn của công ty.
Ngay cả khi đưa ra các chiến lược tổng thể, người dẫn dắt cũng có thể huy động trí tuệ tập thể để tiết kiệm thời gian và giải quyết vấn đề nhanh hơn.
Nhà huấn luyện (Coach)
Một người dẫn dắt không cần phải là Mr. Biết Tuốt nhưng rõ ràng, một người lãnh đạo ưu tú phải có kinh nghiệm trong việc huấn luyện và phát triển đội ngũ – có kỹ năng đào tạo hiệu quả.
Việc huấn luyện trong nội bộ doanh nghiệp không chỉ đẩy mạnh sự gắn kết giữa các lãnh đạo và nhân viên, mà còn định kỳ nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ. Từ đó, hiệu quả công việc cũng tăng lên rõ rệt.
Người hợp tác (Collaborator)
Dù rằng người lãnh đạo có vai trò vô cùng lớn trong công ty nhưng bên cạnh đó, sức ảnh hưởng của đội ngũ nhân viên cũng là không hề nhỏ. Vì vậy, là một người lãnh đạo, điều quan trọng nhất là xây dựng được các nhóm hợp tác hiệu quả cũng như xây dựng đội ngũ thấu hiểu và phối hợp qua nhiều kênh.
Thêm vào đó, lãnh đạo phải có khả năng giải quyết xung đột nhanh chóng và hiệu quả bằng cách luôn sẵng sàng lắng nghe đội ngũ với sự hợp tác. Nếu các lãnh đạo cố tình lờ đi xung đột họ đang tạo điều kiện phát triển cho một “quả bom nổ chậm” – mất đoàn kết nội bộ trong chính doanh nghiệp mình.
Nhà truyền thông (Communicator)
Người dẫn dắt giỏi cần trau dồi cho mình các kỹ năng trong giao tiếp và tương tác với đội ngũ. Việc này bao gồm truyền thông và giao tiếp đa kênh hiệu quả, tương tác đa chiều để giúp cho công việc luôn chạy “mượt”.
Chỉ khi tập thể đều hiểu được hết của ý lãnh đạo và tin tưởng vào định hướng, quyết định đó thì nhân viên mới một lòng một dạ cống hiến cho công việc và công ty.
Trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều biến động như hiện nay, việc trang bị “5C” không chỉ cần đối với mỗi lãnh đạo mà ngay cả mỗi cá nhân, CBNV cũng cần chủ động trau dồi. Đây chính là bước đi hiệu quả cho sự ổn định tăng trưởng của một tập thể.
HUYNHNT7
(Tổng hợp)