Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 22, 2024
spot_img

Lưu lượng IPv6 khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh

Việt Nam đã vươn lên đứng trong Top 5 quốc gia có tỉ lệ triển khai IPv6 tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng với Ấn Độ, Nhật, Malaysia và Saudi Arabia; Top 3 khu vực ASEAN cùng với Malaysia và Singapore.

Thông tin nêu trên vừa được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ và Ứng dụng Internet khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APRICOT 2017) diễn ra trong 4 ngày từ 27/2 đến 2/3/2017 ở TP.HCM.

 

Sự kiện công nghệ lớn của khu vực châu Á – Thái Bình Dương quy tụ tới hơn 700 đại biểu đến từ 60 quốc gia trên thế giới, trong đó có khoảng 150 đại biểu từ cộng đồng Internet Việt Nam.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, năm 2016 vừa qua, không gian địa chỉ IPv4 ngày càng cạn kiệt ở tất cả các khu vực trên toàn cầu. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hoạt động hỗ trợ cấp phát địa chỉ IPv4 cho các tổ chức, doanh nghiệp chỉ mang tính hỗ trợ giai đoạn chuyển giao sang một thế hệ địa chỉ mới IPv6. Trước xu thế Internet vạn vật (Internet of Things), hoạt động triển khai IPv6 ngày càng trở thành chủ đề được cộng đồng Internet quan tâm.

Để bảo đảm sự phát triển của Internet toàn cầu trước xu thế Internet vạn vật, IPv6 được xem là giải pháp công nghệ cho sự phát triển của Internet. Không gian địa chỉ IPv6 bảo đảm cho các thiết bị kết nối Internet.

Theo thống kê của Trung tâm thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), tỉ lệ triển khai IPv6 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng tốt trong năm 2016 và tăng trưởng mạnh nhất vào khoảng cuối năm 2016, đầu năm 2017. Kết quả này có được là do sự cộng gộp hoạt động triển khai IPv6 của các nước trong khu vực.

Tại Diễn đàn APRICOT 2017, đại diện của một số quốc gia tiêu biểu cũng đã có những chia sẻ thú vị về hoạt động triển khai IPv6 cùng các kết quả mà mình đã đạt được. Trong đó, Ấn Độ hiện là nước có bước tiến lớn nhất trong hoạt động triển khai IPv6 trong khu vực. Sau thời gian dài với chỉ số lưu lượng IPv6 chỉ đạt khoảng 1 – 2 % vào đầu năm 2016, đến nay Ấn Độ đã vượt Nhật Bản để trở thành quốc gia có chỉ số triển khai IPv6 cao nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với khoảng 20%, một con số được nhận định là rất ấn tượng. Theo sát Ấn Độ, kết quả triển khai IPv6 của Nhật cũng tăng trưởng tốt, đạt khoảng 18%.

 

Kết quả triển khai IPv6 của khu vực đã tăng trưởng mạnh trong năm qua, báo hiệu những đột phá mới trước xu thế về công nghệ Internet vạn vật. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các diễn giả tham dự APRICOT 2017, hoạt động triển khai IPv6 hiện chưa đồng đều. Chỉ số triển khai IPv6 ở mảng nội dung và các ứngdụng IPv6 còn thấp. Đây là vấn đề chung trong công tác triển khai IPv6 của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Vấn đề này sẽ được các quốc gia trong khu vực tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh thông tin về tình hình triển khai, những chia sẻ công nghệ về chuyển đổi IPv6 cũng nhận được sự quan tâm, chú ý của các đại biểu dự APRICOT 2017. Đến với Diễn đàn Công nghệ và Ứng dụng Internet khu vực châu Á – Thái Bình Dương, FPT Telecom đã có bài chia sẻ về công tác triển khai thành công các dịch vụ trên nền tảng IPv6 cho mạng dịch vụ của FPT Telecom.

Theo đại diện FPT Telecom, doanh nghiệp viễn thông này đã triển khai cung cấp cho hơn 818.000 khách hàng băng rộng cố định với lưu lượng tốt, thời điểm cao nhất lên tới 477 Gbps với tỉ lệ lưu lượng IPv6 đạt khoảng 24%. Hiện FPT Telecom là doanh nghiệp đứng thứ 16 toàn cầu về kết quả triển khai IPv6, tính đến ngày 11/1/2017 theo kết quả đo kiểm của World IPv6 Launch.

Thông qua kết quả triển khai IPv6 của các tổ chức, doanh nghiệp, kết quả triển khai IPv6 của các quốc gia đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian vừa qua. Bên cạnh Ấn Độ, Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia có những bước tiến rõ rệt trong việc triển khai IPv6.

Cụ thể, sau chỉ một năm, tỉ lệ triển khai IPv6 của Việt Nam tăng trưởng từ 0,05% lên khoảng 6%, hiện Việt Nam vươn lên và đứng trong Top 5 quốc gia có tỉ lệ triển khai IPv6 tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương cùng với Ấn Độ, Nhật, Malaysia và Saudi Arabia; Top 3 khu vực ASEAN cùng với Malaysia và Singapore.

Các chuyên gia cho rằng, trước sự cạn kiệt tài nguyên địa chỉ IPv4 và xu thế phát triển Internet vạn vật, hoạt động triển khai IPv6 là điều tất yếu và ngày càng tăng trưởng rõ rệt. Mặc dù có những bước đi chậm hơn so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, tuy nhiên khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ngày một tăng tốc trong việc triển khai IPv6 và dự kiến sẽ là khu vực nhộp nhịp về hoạt động triển khai IPv6 trong thời gian tới.

Triển khai IPv6 quyết định tương lai của Internet

Trong phát biểu khai mạc APRICOT 2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã nhận định, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, cộng đồng người sử dụng Internet cũng đang đứng trước những thách thức toàn cầu. Một trong các vấn đề đó là sự cạn kiệt IPv4 và yêu cầu chuyển đổi sang sử dụng thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6. Theo Thứ trưởng, nhận thức về vấn đề này từ khá sớm, năm 2008, Việt Nam đã chính thức ban hành Chỉ thị về việc thúc đẩy sử dụng đia chỉ Internet thế hệ mới IPv6, khởi đầu cho việc thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng kế hoạch chuyển đổi IPv4-IPv6 tại Việt Nam. Trong năm 2016 vừa qua, công tác thúc đẩy phát triển IPv6 của Việt Nam đã đạt được những kết quả thực sự khởi sắc với khoảng 6% người sử dụng Internet Việt Nam có kết nối thông qua IPv6.

Cùng với việc khẳng định Việt Nam sẽ là thành viên tích cực của cộng đồng Internet khu vực và thế giới vì một môi trường Internet phát triển đa dạng, ổn định và an toàn, Thứ trưởng Phan Tâm cũng đã cho biết: Việt Nam mong muốn cộng đồng tích cực hơn nữa trong việc chuyển đổi sang sử dụng IPv6 trên phạm vi toàn cầu vì một lẽ đơn giản: triển khai IPv6 quyết định tương lai của Internet”.

 

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img