Dù bạn là ai, chuyện được rõ ràng minh bạch tại nơi làm việc cũng là một điều quan trọng hơn bất cứ điều gì, cho dù có là chuyện lương thưởng đi chăng nữa.
Năm nào cũng vậy, cứ sau khi nghỉ Tết xong là có nhiều, rất nhiều CV được cập nhật trên trang tuyển dụng và cũng có nhiều, rất nhiều đơn xin việc được rục rịch gửi tới các nhà tuyển dụng, tất cả tạo nên một thị trường tuyển dụng sôi động.
Theo dõi các Chi nhánh tại Vùng Kinh doanh 2 trong dịp đầu xuân Canh Tý 2020, phóng viên FoxNews có dịp được lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, những hiện trạng của chi nhánh đang cần sự hỗ trợ, chỉ đạo từ ban lãnh đạo công ty. Một trong những vấn đề được đa số các đơn vị nêu ra đó là thiếu nhân sự trong đầu năm 2020. Song song cùng với đó, chuyện “công thức lương” cũng đặc biệt được nhắc đến rất nhiều.
Theo nhiều quản lý Chi nhánh cho biết, nếu công thức lương mới giúp cho CBNV các bộ phận có thể “tăng thêm” thu nhập thì chắc chắn anh chị em sẽ hào hứng hơn, làm việc hăng say hơn để tăng NSLĐ cho toàn đơn vị. Trước tình hình nhiều phòng kinh doanh đang gặp biến động lớn về nhân sự dịp đầu năm, đây không chỉ còn là câu chuyện chia sẻ mà là đề xuất cụ thể để có thể đưa vào thực hiện thực tế. Bởi theo đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến nhân sự “rời đi” là do mức lương thưởng chưa đáp ứng được mong muốn và nhu cầu.
Chia sẻ về việc này, các đại diện từ Ban lãnh đạo cho rằng trong những năm qua FPT Telecom luôn liên tục thay đổi và có định hướng chính sách rõ ràng để làm sao mức thu nhập của toàn CBNV có thể tăng lên đều đặn. Đây là câu chuyện đương nhiên và dĩ nhiên phải làm. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu rõ các nguyện vọng của CBNV, để phán đoán và nhận biết liệu có phải lương thưởng là vấn đề chính hay là yếu tố quan trọng quyết định việc tiếp tục gắn bó với công ty. Dù thế nào, chúng ta cũng cần trò chuyện trao đổi cởi mở nhất có thể để tìm ra vấn đề.
“Đúng vậy!”, lương thưởng trong nhiều câu chuyện “chia tay công ty” chỉ được coi là giọt nước tràn ly. Dẫu biết rằng mỗi người đi làm, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ mong mình có thu nhập cao hơn. Đây cũng là một điều hoàn toàn hợp lý, vì chúng ta không thể nào cứ tận lực cống hiến một nếu lương thưởng không xứng đáng với công sức mình đã bỏ ra. Tuy nhiên có những câu chuyện đằng sau mà chẳng ai thấu được.
Gặp gỡ chị N.T.T.H trong buổi chiều mưa phơn phớt của Hà Nội, nhưng nụ cười rạng rỡ ngay khi chạm mặt đã khiến không khí thêm phần vui tươi. Chị H. trước đây là một trưởng phòng Kinh doanh trên địa bàn HNx. Bây giờ, chị đã đảm nhận một vai trò mới ở một đơn vị khác. Tôi muốn gặp chị, bởi ở vị trí trưởng phòng cũ của mình, bản thân chị cũng đã rất hiểu chuyện CBNV rời đi.
“Có những bạn trẻ mới đi làm, họ đặt mục tiêu không vì sự phát triển kỹ năng bản thân mà chỉ chăm chăm đến việc nhận lương thưởng cuối năm xong nhảy việc, kiếm chỗ nào lương cao hơn để làm". Thậm chí, có những trường hợp xin nghỉ việc mà chẳng cần quan tâm đến kế hoạch hay nhiệm vụ của mình hiện tại như thế nào.
Câu chuyện này không mới, mà còn gần như trở thành sự quen thuộc với những người quản lý nhân sự như chị H. Cứ cuối năm là đợi thưởng, sau Tết là báo nghỉ và chuẩn bị tìm việc mới. Nhưng theo chị H, số này rất ít và phần còn đều là do chưa được phân tích rõ hoặc minh bạch thông tin chính sách. Vì vậy, muốn giữ chân được người tài có lẽ điểm quan trọng nhất phải tìm được tiếng nói chung về điều này. Đó là Môi trường làm việc, Lộ trình thăng tiến, Chế độ phúc lợi và tình cảm chia sẻ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa những đồng nghiệp với nhau.
Năm 2020, chiến lược của chúng ta là tăng trải nghiệm cho khách hàng, đó là Amazing Experience, đó là trải nghiệm cảm xúc tích cực. Có lẽ trước khi làm tốt với khách hàng, hãy tự tạo cho nhau những trải nghiệm tuyệt vời tại chính nơi làm việc của đơn vị mình.