INF miền Nam đã triển khai kế hoạch rà soát lại toàn bộ hạ tầng (đài trạm, mạng ngoại vi…) để chuẩn bị cho mùa nóng và mùa mưa 2018.
Theo chu kỳ thông thường, khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 là vào các đợt cao điểm nắng nóng và bắt đầu mùa mưa; các cơn bão, lũ lụt thường đổ vào Việt Nam khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hoặc kéo dài sang tháng 12. Công tác chuẩn bị hạ tầng của FPT Telecom đã được thực hiện để đối phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết sắp đến. Ngay sau Tết Âm lịch, Ban lãnh đạo FPT Telecom đã yêu cầu INF rà soát hạ tầng chuẩn bị cho mùa nắng nóng và mùa mưa bão năm 2018.
Hàng loạt chiến dịch được Trung tâm Phát triển và quản lý hạ tầng (INF) miền Nam triển khai. Cụ thể, INF phát động phong trào thi đua POP khỏe mùa nóng từ tháng 4. Đây là phong trào thi đua đảm bảo tình trạng hoạt động của POP, dịch vụ trong mùa nắng nóng.
INF miền Nam đã rà soát toàn bộ hạ tầng để đối phó với mùa cao điểm về thời tiết.
Giám đốc Trung tâm Phát triển và quản lý hạ tầng (INF) miền Nam – anh Vũ Đức Huy cho hay, ngay từ đầu tháng 4, toàn bộ đơn vị INF vùng 4,5,6,7 đã chủ động rà soát 100% POP tại khu vực. Cụ thể, các đơn vị đã đo kiểm đánh giá hệ thống accu, kiểm tra hệ thống điện – nguồn, xử lý lỗi tồn đọng, kiểm tra hệ thống máy lạnh, tản nhiệt tại POP; rà soát, phân tích tối ưu, thu hồi các thiết bị dư thừa.
INF cũng đặc biệt chú ý các POP nằm trong khu vực có khả năng ngập lụt, nhất là các tỉnh miền Trung. Sau khi rà soát có 12 POP nằm trong khu vực có nguy cơ và từng xảy ra ngập lụt, INF đang lên phương án chủ động xử lý. Song song, trung tâm đang hoàn thiện kế hoạch đào tạo, quy trình xử lý, hướng dẫn trong công tác phòng chống bão.
Trong công tác chuẩn bị hạ tầng phòng tránh thiên tai năm nay, INF miền Nam rút những kinh nghiệm gì từ những năm trước. Anh Vũ Đức Huy cho biết một số kinh nghiệm của INF là nắm bắt chu kỳ chung về diễn biến của thời tiết khí hậu; theo sát và cập nhật thường xuyên các diễn biến về tình hình thời tiết, khí hậu; có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng như: rà soát hạ tầng, chuẩn bị trước các kịch bản, quy trình ứng cứu, nguồn lực (công cụ dụng cụ, nhân sự, các phương án điều động nhân sự…).
Anh Huy đánh giá, công tác chuẩn bị là rất quan trọng, chuẩn bị càng kỹ càng giảm thiểu các rủi ro ảnh hưởng đến hạ tầng và khách hàng. Đồng thời, thời gian khôi phục dịch vụ cũng sẽ nhanh hơn, đặc biệt đối với các tình huống bão, lũ lụt.
Đi cùng với quá trình rà soát hạ tầng, công tác bảo trì, bảo dưỡng vận hành cũng được coi trọng. Theo đó, 100% POP được bảo trì theo đúng quy trình, quy định về thời gian, tần suất, quy cách. Đối với các chi nhánh nằm trong vùng nóng, một số POP đã đẩy số lần bảo trì lên 3-4 lần/tháng (quy định tối thiểu 2 lần/tháng) nhằm đảm bảo thiết bị vận hành ổn định. Hệ thống ghi nhận các chi nhánh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, các chi nhánh Vùng 4 đã chủ động thực hiện việc này. Ngoài ra, INF cũng sáng tạo các phương thức chống nóng hiệu quả như quạt tản nhiệt, miếng dán cách nhiệt, chuẩn hóa hệ thống giám sát nguồn.
Nhờ triển khai sớm chương trình rà soát hạ tầng, các cơn mưa gần đây ở miền Nam không ảnh hưởng đến hạ tầng của FPT Telecom.