Mỗi năm, hợp đồng điện tử giúp FPT Telecom tiết kiệm chi phí in ấn, bảo quản 6 triệu trang giấy, giảm nguồn lực, nâng cao năng suất bán hàng.
Hình thức hợp đồng giấy đã được duy trì trong suốt nhiều năm nhưng đến nay đã cho thấy những hạn chế khi quy mô doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hơn về các yêu cầu giao dịch với khách hàng cũng như không tận dụng được những lợi ích của việc số hóa các quy trình quản trị và giao dịch đang được triển khai mạnh mẽ ở FPT Telecom.
Nhìn thấy bất cập của hợp đồng giấy trong hoạt động bán hàng, nhóm tác giả Lê Đình Phúc, Nguyễn Y Bình và Trần Quan Giàu đã nghiên cứu và xây dựng Hợp đồng điện tử.
Thay vì hợp đồng giấy tốn nhiều chi phí trong việc in ấn và bảo quản, với hợp đồng điện tử, chỉ với thiết bị di động nhỏ gọn, salesman và khách hàng đã có thể ký kết nhanh chóng và dễ dàng. Ảnh: NVCC
Áp dụng từ tháng 3/2017, Hợp đồng điện tử đã cho thấy sự "lợi hại" khi giúp FPT Telecom tiết kiệm về chi phí, thời gian triển khai dịch vụ, tối ưu hóa nguồn lực, tăng doanh thu đáng kể.
Mỗi năm, sáng tạo giúp tiết kiệm gần 6 triệu trang giấy, tức khoảng 600 triệu chi phí in ấn, kho bãi bảo quản. Bên cạnh đó, việc giảm dùng giấy sẽ góp phần bảo vệ môi trường xanh, tiết kiệm tài nguyên, mực in.
Với cách thực triển khai này, saleman giảm 31-37 giờ triển khai dịch vụ cho khách hàng, tương ứng với việc tăng một lượng doanh thu đáng kể cho công ty.
Về nguồn lực, công cụ sẽ tối ưu hóa và tiết kiệm nhân lực quản trị, kiểm soát, hành chính; đồng thời tăng năng suất lao động của đội ngũ salesman FPT Telecom tương ứng mức 1 ngày làm việc/tháng, tức là tăng 12,5% mỗi tháng.
Thông qua đó, Hợp đồng điện tử tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm cho FPT Telecom.
Với sáng tạo Hợp đồng điện tử, FPT Telecom là đơn vị tiên phong trong các ISP áp dụng thành công hình thức này với việc thuyết phục và có được sự ủng hộ của Cục ANTT và Bộ chủ quản.Ngoài ra, khách hàng được trải nghiệm công nghệ và giao dịch số thuận tiện, nhanh chóng hơn trong mọi khâu. FPT Telecom cũng nỗ lực trong việc tiên phong định hướng hành vi và điều chỉnh thói quen số cho người dùng, góp phần trong chiến lược quốc gia số.