Lượng người dùng của FPT Telecom đang dẫn đầu các doanh nghiệp viễn thông và cao hơn gấp đôi VNPT, đơn vị xếp thứ hai.
Theo số liệu của Trung tâm mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), đầu tháng 7, FPT Telecom đã cung cấp IPv6 cho hơn 1 triệu khách hàng băng rộng cố định, tỷ lệ ứng dụng trong mạng IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 28%, cao gấp 7 lần trung bình cả nước.
Kỹ sư FPT Telecom tại Trung tâm Giám sát và Đảm bảo dịch vụ (SCC).
Cột mốc này của FPT Telecom đạt được khi là đơn vị tiên phong cung cấp IPv6 tại Việt Nam cách nay đúng một năm. Cụ thể, đơn vị chính thức cung cấp IPv6 đến hộ gia đình từ ngày 1/7/2016 và đến tháng 10 năm ngoái, Viễn thông FPT đã có gần 600.000 khách hàng là các hộ gia đình được kích hoạt IPv6.
Theo số liệu của APNIC, tính đến tháng 7, tỷ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 7%, thời điểm cao nhất lên tới 25%; với hơn 3,5 triệu người dùng IPv6, theo thống kê của phòng Lab Cisco. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Malaysia) và đứng thứ 5 khu vực châu Á về kết quả triển khai IPv6, sau 4 quốc gia/vùng lãnh thổ là Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Macao.
Đại diện VNNIC nhận định, tuy có bước đi chậm hơn so với FPT Telecom song tốc độ triển khai IPv6 của VNPT đang có bước nhảy vọt, với khoảng 500.000 khách hàng IPv6, đưa tỷ lệ ứng dụng IPv6 của VNPT đạt khoảng 5%, theo số liệu thống kê của APNIC.
Mức độ sẵn sàng IPv6 của Việt Nam đang được đánh giá ở mức cao trong khu vực và tiếp tục có bước phát triển tốt. Gần đây, hoạt động triển khai IPv6 có những bước chuyển mình rõ rệt với tỷ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu tăng trưởng mạnh.
Đáng chú ý là sau thời điểm ngày 7/11/2016, khi Ban Kiến trúc Internet của IETF (Internet Architecture Board – IAB) thông báo đề nghị IETF không yêu cầu bắt buộc hỗ trợ IPv4 trong các tiêu chuẩn, thủ tục Internet mới và tập trung vào hoạt động với IPv6; hoạt động triển khai IPv6 ở nhiều quốc gia đã có những bước tiến vượt bậc. Thực tế này cho thấy một minh chứng ngày rõ ràng là trong thời gian tới, Internet sẽ hoạt động với IPv6 thay vì địa chỉ IPv4.