Nhưng khát khao chinh phục, khẳng định bản thân đã giúp anh Phan Thế An (Giảng viên đào tạo, Trung tâm Đào tạo FTEL – FTC) sớm tìm lại được động lực và hoàn thành xuất sắc OKR quý 1. Chàng trai sinh năm 1994 cũng là một trong 34 cá nhân xuất sắc được khen thưởng OKR 3 tháng đầu năm.
Với không ít người, thiết lập OKR như một cuộc chơi đầy thăng hoa bởi mê lực đến từ những thách thức. Nhưng cũng có những thành viên, họ chọn cách làm mới mình, trở thành phiên bản tốt hơn từng ngày qua các mục tiêu cá nhân, vượt lên chính mình.
Dù ở cấp độ cảm xúc nào, OKR đã trở thành hơi thở của FTEL, giúp nhiều thành viên vượt qua giới hạn của bản thân để vươn lên, chinh phục các đỉnh cao mới.
Foxnews đã có cuộc trò chuyện với anh Phan Thế An, 27 tuổi, giảng viên trẻ nhất thuộc biên chế của Trung tâm Đào tạo FTEL, xoay quanh quá trình chàng trai này tiến tới danh hiệu cá nhân hoàn thành OKR xuất sắc nhất quý 1/201.
Khao khát chinh phục là chìa khóa vượt thách thức
– Xin chào anh An, cảm xúc của anh như thế nào khi là một trong số 11 CBNV của khối BO nhận danh hiệu OKR xuất sắc nhất quý 1/2021?
– Nói cảm xúc của mình, có lẽ tôi xin phép được mượn một câu nói đang khá trend trên mạng xã hội, đó là “bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa”. Tôi thực sự vui sướng, xúc động và tự hào khi nỗ lực của bản thân đã được ghi nhận và đánh giá cao.
– Các O (Objective – mục tiêu) của anh đều hướng tới trải nghiệm học tập tuyệt vời, anh đặt các O và KR (kết quả then chốt) xuất phát từ cảm hứng nào?
– Tại hội nghĩ lãnh đạo FPT Telecom năm 2019, khẩu hiệu “Amazing Experience” đã được Ban Điều hành lựa chọn và lấy làm kim chỉ nam cho chặng đường phát triển 3 năm tiếp theo (2020-2022).
Theo quan điểm của Ban điều hành, tinh thần “Amazing Experience” không chỉ là đối với Khách hàng, mà cũng là nhiệm vụ trọng tâm với chính tất cả cán bộ nhân viên FPT Telecom”. Từ tinh thần đó, tôi luôn tâm niệm học viên của FTC là những Khách hàng quan trọng mà mình cần phải “phục vụ”. Tôi có trách nhiệm khiến họ hài lòng thông qua những trải nghiệm tuyệt vời khi tham gia học tập. Từ đó, giúp CBNV luôn hứng thú với mỗi chương trình đào tạo, không ngừng học hỏi để hoàn thiện và nâng cao năng lực bản thân.
– Trong quá trình thực hiện OKR, với anh đâu là điều khó khăn nhất?
– Giai đoạn đầu khi thực hiện, những kết quả đạt được không như kỳ vọng khiến cảm hứng làm việc của tôi đã có lúc tưởng chừng như không thể tồi tệ hơn. Bủa vây là cảm giác lo sợ không đạt được mục tiêu, thậm ch,í nghi ngờ về chính năng lực và quyết định thiết lập OKR của mình.
Có lẽ đó là thời điểm khó khăn nhất với tôi. Tuy nhiên, khao khát chinh phục, khẳng định bản thân luôn thôi thúc. Từng bước, tôi tìm lại được động lực cho mình để tiếp tục hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tôi dành nhiều thời gian hơn để xem từng phản hồi của học viên, xin ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp. Ngày nào cũng vậy, cuốn sổ tay của tôi kín chữ vì những thông tin liệt kê, phân tích điều làm tốt, làm chưa tốt để có thể cải thiện và đi đúng hướng.
– Ba tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, điều này có ảnh hưởng quá trình thực hiện OKR của anh không, có khiến anh phải thay đổi Objective ban đầu đặt ra?
– Thực sự tình huống 3 tháng đầu năm khá khó khăn vì hàng loạt lớp offline phải chuyển đổi hình thức đào tạo sang live-learning. Đi kèm với đó, tôi buộc mình phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cả về công cụ, nội dung, thiết kế bài giảng sao cho phù hợp, đảm bảo học viên tiếp thu đầy đủ kiến thức mà vẫn cảm thấy thích thú dù không được trao đổi, giao tiếp trực tiếp như trên lớp.
Nhưng đây không phải lần đầu tiên các lớp học chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp. Trong kế hoạch và lộ trình phát triển của FTC, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đã có những định hướng giúp chúng tôi nắm chắc “con thuyền”, “hải trình” của mình.
Với tôi, việc thay đổi, hạ thấp mục tiêu đề ra là điều không được xảy ra trong quá trình thiết lập OKR.
Và thật tuyệt, thông qua quá trình CFR với cấp trên, tôi đã được hướng dẫn, tích lũy rất nhiều điều bổ ích, từ đó tìm ra giải pháp cách khắc phục tốt nhất mà không cần thay đổi OKR ban đầu đã đặt ra.
– Anh thích đặt những mục tiêu thách thức, thăng hoa, khiến người xung quanh phải “wow” hay OKR tự vượt lên chính khả năng của bản thân mình?
– OKR là phương pháp quản trị bằng Mục tiêu và các kết quả chính/kết quả then chốt.
Có hai kiểu mục tiêu khi thiết lập OKR: Mục tiêu Tham vọng và Mục tiêu cam kết. Mục tiêu tham vọng thì chỉ cần đạt được 60 hay 70% đã là tốt rồi. Còn với mục tiêu cam kết thì cần thống nhất với nhau rằng sẽ phải đạt được 100% mới là tốt.
Thông thường chúng ta sẽ đặt những mục tiêu cam kết trông giai đoạn đầu thực hiện OKR để có thể đạt được kết quả mà không quá sức. Sau đó khi đã dần quen thì có thể đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, đi kèm theo khi đó sẽ là “thách thức, thăng hoa hay tự vượt lên chính khả năng của bản thân mình”.
Vậy nên, với tôi, việc lựa chọn mục tiêu tham vọng hay cam kết sẽ tùy từng thời điểm, dựa trên việc đánh giá được “sức mạnh” và sự sẵn sàng của bản thân mỗi nhân viên.
Hành trình đến với “nghề giáo”
– Anh là giảng viên trẻ nhất của FTC, hành trình của anh tới con đường giảng dạy, đứng lớp như thế nào?
– Đúng là tính đến thời điểm hiện tại, tôi đang là giảng viên trẻ nhất thuộc biên chế Trung tâm Đào tạo FTEL.
Ở đại học, tôi theo đuổi chuyên ngành Tổ chức và quản lý nhân sự. Niềm đam mê trong lĩnh vực phát triển con người cũng được nuôi dưỡng từ những tháng ngày sinh viên đó.
Năm 2016, khi ra trường, làm việc ở vị trí quản lý nhân sự trong 3 năm, tôi chính thức đi theo con đường đào tạo chuyên nghiệp (từ năm 2019). Trong hành trình ấy, tôi vô cùng may mắn khi có sự gợi ý, tạo điều kiện thay đổi vị trí, chuyên môn từ chị Khánh Linh (FHR), sự đồng hành, truyền cảm hứng từ chị Thùy Nhung, chị Hạnh Dung, anh Quang, anh Vũ, anh Thịnh và sự hỗ trợ hết mình từ các anh chị em đồng nghiệp tại FTC cũng như các đơn vị khác tại FTEL.
Chính điều đó là ngọn lửa cổ vũ tôi tiếp tục bước con đường mình yêu, mình đam mê dù có khó khăn đến mức nào.
– Thách thức, cơ hội mà anh cảm nhận được khi đứng lớp là gì?
– Với tôi, thách thức thường xuất hiện trước khi đứng lớp, nó nằm ở bước thiết kế chương trình đào tạo. Tôi luôn đau đáu phải làm sao để khóa học thỏa mãn được tối đa kỳ vọng của đơn vị, mong muốn của học viên. Để có được điều đó, người đứng lớp nào cũng cần dành thời gian nghiên cứu học viên kỹ càng, chắt lọc nội dung để “đóng gói” thành những kiến thức, kỹ năng gần gũi và sát nhất với công việc thực tế. Kết quả đạt được là sau khóa học, học viên có thể biết, hiểu và áp dụng được ngay.
Nhưng thách thức luôn đi liền cơ hội. Tôi yêu công việc này bởi tôi luôn được lắng nghe những chia sẻ của anh chị em đồng nghiệp. Thông qua việc trao đổi, tôi hiểu hơn về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện công việc của học viên để từ đó có thể thảo luận và đưa ra những giải pháp giúp thực hiện công việc hiệu quả và đạt năng suất cao hơn.
Tôi vẫn nhớ chuyến công tác đào tạo tại Chi nhánh Lào Cai cho đội ngũ nhân viên thu cước. Trong lớp có một học viên rất lớn tuổi nhưng vô cùng tích cực và hăng hái phát biểu.
Trước khi về hưu và làm việc cho FTEL, cô giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện. Sau buổi học, cô ngồi lại tâm sự thêm cùng tôi về công việc và dành tình cảm ngưỡng mộ với thế hệ trẻ của FTEL bởi sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết. Cô cũng rất mong muốn con trai sau khi ra trường sẽ có cơ hộ làm việc tại FPT để “được giống như anh”.
Giây phút ấy, tôi thực sự rất vui, cảm thấy trân quý công việc của mình nhiều hơn và yêu FPT, FTEL nhiều hơn.
– Sau thành tích của quý 1, anh đặt mục tiêu như thế nào cho những quý tới?
– Chắc chắn tôi sẽ “thừa thắng xông lên”!
Kết quả quý 1 sẽ là động lực rất lớn để tôi có thêm sự tự tin đặt ra OKR với những mục tiêu tham vọng, thách thức hơn, khó khăn hơn, đòi hỏi nỗ lực cố gắng tiến bộ không ngừng.
Và nỗ lực đó sẽ không chỉ dành riêng cho cá nhân tôi mà còn dành cho cả những học viên trong các chương trình đào tạo nữa.
Xin cảm ơn anh An về những chia sẻ này!