Bước sang mùa thứ 2, giải chạy hạnh phúc của người FPT với tên gọi Happy Run tiếp tục vấp phải làn sóng phản đối dữ dội của cộng đồng runner trong FPT bởi những chiêu trò gian lận ngang nhiên tồn tại.
Theo thống kê từ Ban tổ chức (BTC), mùa giải Happy Run 2023 có tới hơn 10.000 trường hợp chạy “cheat”: ẩn map, đi xe máy… Mùa giải năm nay, mặc dù chỉ mới khởi tranh từ 29/2 nhưng số lượng người chơi (user) dùng các mánh khoé gian lận để đua top đã lên tới hơn 3.000.
Làn sóng bức xúc, khiếu nại diễn ra khắp nơi, từ phàn nàn trên các kênh truyền thông đến kiện cáo tràn ngập hòm thư của BTC. Nhiều người bông đùa rằng Happy Run đã trở thành “Run Biz” ở FPT với một loạt “drama” không hồi kết.
“Bức xúc và khó chịu vì chạy ảo giống như xem thường nỗ lực của những runner chạy thật. Chẳng hạn, việc chạy thật phải rèn luyện từng ngày một để có thể đạt pace 4-5-6 rồi từ 1-2 km đầu đến 5-7 km tiếp theo. Còn user chạy ảo chỉ cần chọn số pace đều tăm tắp từ đầu tới cuối. Chưa kể có người ngày chạy cả hàng trăm km. Dường như BTC chẳng có động thái về vấn đề này!”- một runner ẩn danh đến từ FPT Software thẳng thắn bày tỏ.
Cũng cho rằng BTC chưa có biện pháp triệt để xử lý các trường hợp gian lận leo top, chân chạy Bùi Văn Chương đến từ đơn vị GPE thuộc FPT Software cho biết người chơi gian lận hay dùng công cụ fake GPS move, hoặc nhờ chạy hộ. Và các mánh gian lận càng ngày càng có xu hướng phức tạp, tinh vi hơn.
Trước tình trạng các chiêu trò gian lận nở rộ, anh Nguyễn Xuân Lực – Cán bộ Ban Hi FPT (thuộc FPT Telecom) thẳng thắn cho rằng: “Việc gian lận trong thể thao nói chung và giải chạy Happy Run FPT là không thể chấp nhận được. Các hành động gian lận cần phải được công khai danh tính, đưa ra ánh sáng và loại trừ thẳng tay để đảm bảo tính công bằng cho những vận động viên chạy thật”.
Trong khi cộng đồng runner chạy thật bức xúc, thì những runner chạy ảo cũng có muôn vàn lý do dẫn đến hành động “cheat”, từ vô tình cho đến cố ý.
Lý giải về việc sử dụng chiêu trò, anh Hà Văn Q. – cán bộ kỹ thuật thuộc FPT Telecom – người từng bị BTC nhắc nhở cho biết, do đi làm bận không có thời gian chạy, bản thân thấy nhiều FPTer “cheat” nên anh cũng thử xem sao. “Đôi khi đi làm việc với khách hàng tiện tay bật app lên, chạy xe máy rồi quên không tắt. Tới lúc nhớ ra thì con số ‘khủng’ quá rồi”, anh Q. chia sẻ. Tuy nhiên điều anh không ngờ là bị phát hiện nhanh thế.
Còn chị Thoa (FPT Software) lại “dí dỏm” trần tình: “Cũng chỉ vì bị áp số km nên tôi mới mạnh dạn ‘cheat’ vài lần. Lâu dần cũng thấy không sao lắm nên cứ thế làm”. Chị cũng cho biết thêm do bản thân không quá đam mê chạy bộ và cũng không có thời gian nên đành phải “chơi chiêu”. “Cũng là bất đắc dĩ thôi, mình gánh số cho cả nhóm nên số khủng, leo top chứ bản thân không ham giải thưởng vì rõ ràng không xứng đáng!” – nữ nhân viên FPT Software than thở.
Người chạy thật bức xúc, người “chạy ảo” thì “tặc lưỡi”, làn sóng bức xúc càng được đẩy lên dữ dội khi phần lớn đều cho rằng BTC đã chưa có hành động triệt để ngăn chặn gian lận.
Anh Nguyễn Thành Hưng – Trưởng ban Văn hóa và Đoàn thể FPT – thừa nhận đây là vấn đề vô cùng nhức nhối và là một bài toán mà BTC đã nỗ lực giải bấy lâu nay. “Mặc dù đã cập nhật hệ thống và luật chơi cải tiến nhiều so với giải đấu năm ngoái, BTC vẫn ghi nhận các trường hợp gian lận hàng loạt. Hàng tuần, chúng tôi vẫn duy trì lịch họp kèm báo cáo chi tiết với tổ giám sát vRace để cập nhật tình hình và xử lý!” – anh Hưng khẳng định.
Chi tiết hơn, anh Nguyễn Hoàng Vũ – quản trị dự án vRace – trần tình từ năm ngoái khi có tình trạng gian lận xảy ra, BTC đã thành lập ngay Ban Giám sát gồm 6 người, luôn hoạt động với tần suất 24/7, chia ca theo ngày để kiểm tra các trường hợp có nghi vấn. Qua quá trình theo dõi, Ban Giám sát vRace phát hiện hầu hết các đơn vị đều xuất hiện các trường hợp gian lận ở tỷ lệ từ 10-20%, trong đó FPT Software, FPT Telecom chiếm phần lớn. Các đơn vị còn lại không có hoặc rất ít, và nếu có thì Ban đã nhanh chóng rà soát và có biện pháp kịp thời khi có dấu hiệu nghi vấn.
Cũng theo đại diện Ban Giám sát vRace, BTC thường xuyên âm thầm xử lý các trường hợp gian lận chứ không thờ ơ như các ý kiến chung đang phản ánh. Tuy nhiên việc thành lập Ban Giám sát và cách thức xử lý chưa được công khai chính thức. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của cộng đồng chạy.
Ban Văn hóa và Đoàn thể FPT cùng đại diện Ban Giám sát vRace đã từng có các cuộc trao đổi để xử lý gian lận. Tuy nhiên, mọi nỗ lực ngăn chặn dường như “chẳng thấm vào đâu” vì gian lận cứ như “nấm mọc sau mưa”, rất khó để xử lý triệt để.
Để giảm thiểu tối đa các các trường hợp gian lận, anh Nguyễn Hoàng Vũ đã đưa ra một số cách thức như chỉ xét duyệt các chỉ số Pace đã áp dụng cho từng Split (từng quãng trong 1 hoạt động của user) phải nằm trong khoảng quy định của BTC cho người dùng Starva và Garmin. Đối với các trường hợp sử dụng công cụ trên ứng dụng Strava để cập nhật và xử lý quãng đường của mình, các CTTV cũng đã phối hợp với BTC để gom các user này vào danh sách “đen”. Nếu các trường hợp “cheat” kéo dài, BTC sẽ quyết định loại ra khỏi giải. “Để giảm thiểu các hoạt động ‘cheat’ như đi xe đạp, xe máy, các CTTV cũng nên ưu tiên và khuyến khích các thành viên của mình chuyển qua sử dụng tính năng record vRace Connect”, anh Vũ khuyến nghị.
Trong khi đó tại các CTTV, phụ trách tổ chức giải chạy của các đơn vị cũng phải xoay sở đủ mọi cách để xử lý và phòng chống gian lận. Đơn cử như tại FPT Telecom, hàng loạt các hoạt động tuyên chiến với các cheater được đưa ra. Quy trình của tổ giám sát FPT Telecom được thống nhất từ đầu về cách làm. Cụ thể, tổ giám sát nhận các thông tin kiện cáo với đầy đủ ID, hình ảnh chứng minh, check ID và Strava cùng các tracklog chạy của runner. Sau cùng, tổ sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp hoặc online (BTC gọi điện hoặc livestream để runner cầm điện thoại chạy chứng thực, quãng đường tối thiểu 5 km).
Thậm chí, anh Chu Hùng Thắng – Phó Tổng giám đốc FPT Telecom cho biết có nhiều trường hợp trọng tài đã phải về tận địa phương, chi nhánh chạy cùng vận động viên để xác minh tính hợp lệ. “Chúng tôi dùng nhiều cách khác nhau để phát hiện trường hợp ‘cheat’ nhưng đôi lúc cũng không soát được vì hầu hết đều làm bằng tay, hệ thống không tự tính được”, chị Nguyễn Thị Ngân Giang – Cán bộ Văn hóa và đoàn thể FPT Telecom tỏ ra bất lực khi xử lý gian lận “không xuể”.
Để làm trong sạch Happy Run, hầu hết lãnh đạo và CBNV khi được hỏi đều nhất trí cần làm mạnh tay, kiên quyết loại bỏ kết quả của các trường hợp gian lận ra khỏi cuộc thi. Thậm chí, chị Nguyễn Thị Thanh Lê – Giám đốc Chi nhánh Synnex FPT HCM còn đề xuất “nếu phát hiện 1 lỗi là cho ‘out’ luôn khỏi cuộc thi”.
Nhiều ý tưởng thú vị giúp làm trong sạch Happy Run được người FPT đưa ra như “cứ rủ hết một lượt những vận động viên thuộc diện ‘nghi ngờ’ chạy cùng thần tượng chạy bộ nào đó ở FPT là lộ có ‘chân tài thực lực’ hay không ngay” hay “trong top 10, chỉ cần trước khi trao giải đưa họ ra chạy offline với nhau”…
Có thể thấy, BTC giải chạy ở Tập đoàn hay ở đơn vị, thậm chí lãnh đạo các CTTV đều nhất trí “mạnh tay” đối với các trường hợp gian lận. Tuy nhiên, mọi nỗ lực sẽ trở thành “công cốc” nếu những hành vi tiêu cực này vẫn cố tình tiếp diễn. Làm trong sạch Happy Run, trả lại tên gọi cho giải chạy hạnh phúc một cách đúng nghĩa, phụ thuộc vào ý thức của người tham gia. Mỗi runner FPT cần hiểu đúng, nhận thức đúng và kiên quyết nói không với gian lận.
Hãy để chạy bộ phát huy được giá trị của nó: Chạy để rèn luyện sức khỏe và để cuộc sống hạnh phúc hơn!
Theo Chungta.vn