Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
spot_img

Giải đáp ‘Quản trị hiệu suất khi WFH’ cùng Lãnh đạo nhà Cáo

Work From Home (WFH – làm việc tại nhà) đang trở thành xu hướng làm việc của các doanh nghiệp. Thế nhưng, việc quản lý và nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên khi WFH không phải là một điều dễ dàng và Webinar với chủ đề “Quản trị hiệu suất nhân viên khi Work From Home” đã giúp các lãnh đạo và CBQL FTEL giải đáp được bài toán này. 

Webinar “Quản trị hiệu suất nhân viên khi Work From Home” do Trung tâm đào tạo FTEL tổ chức có sự tham dự của anh Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FTEL), chị Trần Thị Thu Hồng (GĐ Nhân sự DLS. Inc – Nguyên GĐ Nhân sự Golden Gate Group) cùng với gần 700 BGĐ, TPP CNx và Trưởng, phó đơn vị HO trên toàn quốc. 

Mở đầu chương trình, anh Tiến cho biết “Tất cả các bạn học viên tham gia buổi chia sẻ hôm nay đều là những cán bộ đang quản lý hàng chục, trăm có khi là cả nghìn nhân sự, việc quản lý ít hay nhiều người thì đều khó như nhau. Tôi nghĩ làm việc từ xa là vấn đề khó khăn vì NSLĐ, chất lượng công việc và tinh thần – tâm lý cũng sẽ  gặp ảnh hưởng ngay trong mùa dịch này. Vì vậy, buổi học hôm nay sẽ tạo nên những giá trị thực tế hữu ích các học viên.”

Anh cũng mong rằng trong thời gian tới, FTC sẽ tiếp tục xây dựng thêm những buổi Webinar với nhiều giảng viên đặc biệt, giàu kinh nghiệm trong từng lĩnh vực riêng như Khách mời lần này bởi những giá trị mà buổi học mang lại sẽ giúp ích rất nhiều cho người nhà Cáo trong công việc lẫn tinh thần của mỗi người. 

Diễn giả chính của chương trình – chị Trần Thị Thu Hồng là một chuyên gia có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Quản trị nguồn nhân lực & Quản trị công ty trong những doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn theo nhiều mô hình khác nhau, chị đã mang đến cho các học viên những chia sẻ xoay quanh chủ đề rèn luyện kỹ năng quản lý đội ngũ làm việc từ xa từ sức khỏe tinh thần đến hiệu suất làm việc và đặc biệt là tìm ra hướng đi mới để tạo ra sự đột phá về kết quả. 

Tư duy của quản lý đội ngũ hiệu suất 

Theo chị Hồng, sự khác biệt giữa làm việc trực tiếp – từ xa nằm ở tư duy của người quản lý. Khi việc quản lý dựa vào sự hiện diện của mỗi cá nhân đã không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại thì người CBQL cần tập trung vào kết quả công việc và quản lý quá trình tạo ra kết quả đó. 

Đồng thời, chị cũng cho rằng, “niềm tin” giữa hai bên cũng tạo ảnh hưởng không nhỏ đối với phương án làm việc từ xa giữa người quản lý và CBNV: “Trên cơ sở niềm tin, hành động của chúng ta sẽ thay đổi. Những người được trao đổi niềm tin sẽ có thêm động lực theo nhiều cách thức khác nhau trong quá trình thực hiện công việc của mình.”

Trong đại dịch, có rất nhiều vấn đề thách thức quản trị nhân sự liên quan đến nhu cầu kỳ vọng của CBNV như yếu tố linh hoạt, kỹ năng và cách làm mới; cách thức tuyển dụng khác biệt và quan trọng nhất vẫn là sức khỏe và tinh thần. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, CBQL … mà còn có cả tâm lý, tinh thần làm việc của nhân viên. Vì vậy, xu hướng quản trị nhân sự trong bình thường mới sẽ có nhiều thay đổi khác biệt và mạnh mẽ, bắt buộc người quản lý ít nhiều cũng cần làm mới tư duy và cách thức quản lý của mình từ giao tiếp kết nối, phương thức quản lý hiệu suất, ghi nhận & tạo động lực cho đến các phương tiện hỗ trợ công việc. 

Chị Hồng nhấn mạnh: “Sức khỏe tinh thần trong bối cảnh ‘thời chiến’ là yếu tố quan trọng trong động lực gắn kết và thúc đẩy hiệu suất. Do đó, quản lý và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho nhân viên đã trở thành một phần cấp thiết và quan trọng.”

Chia sẻ về cách thức quản trị sức khỏe tinh thần cho các thành viên đang trong tâm dịch HCM, chị Đinh Hoàng Minh Phương (TP KDDA Vùng 5) cho biết, làm việc tại nhà với quá nhiều mối bận tâm khiến bản thân chị đôi lúc cũng cảm thấy stress vì vừa lo lắng cho đời sống các thành viên đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của đội và cả chuyện cá nhân sau một thời gian nghỉ thai sản. Chị cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của BGĐ, CBQL cần phải động viên và chia sẻ với những nhân sự khó khăn bằng những hành động cụ thể để các bạn và người thân không phải gặp quá nhiều áp lực về việc xoay sở lương thực, thực phẩm trong thời điểm này.

Bên cạnh đó, ở phương diện kinh doanh cần xây dựng được nhiều chương trình thi đua thưởng tiền mặt để các bạn có thêm động lực làm việc và có thêm cơ hội chi trả những chi phí cá nhân, phát sinh mùa dịch. 

Giá trị của sức khỏe tinh thần với đội ngũ nhân sự

Đưa ra nhiều ví dụ thực tiễn về quản trị sức khỏe tinh thần của các doanh nghiệp, chị Hồng cũng đề cập đến việc quản lý đội ngũ trong hệ thống nhân sự hơn 17000 người của mình, từ Micro Team đến tương tác 1 – 1, chị đã có những đánh giá cụ thể cho từng cách thức quản trị, để các học viên có thêm kinh nghiệm cho riêng mình.  

Chị Hồng cũng cho rằng, việc truyền thông nội bộ rất quan trọng, nó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đến toàn nhân viên để mọi người an tâm gia tăng tinh thần, năng suất làm việc. 

Chia sẻ cùng Ban lãnh đạo có mặt trong chương trình, anh Đinh Quang Tuấn (GĐ Vùng 8) cho biết: “anh vẫn thường xuyên nhắc nhở các bạn sức khỏe là an toàn nhất. Công ty luôn cung cấp trang thiết bị cần thiết, hỗ trợ tối đa cho CBNV làm việc tại nhà. Hay với những cá nhân xa nhà đã lâu do ảnh hưởng dịch, công ty vẫn có những món quà tặng cho người thân của các bạn. Với những cách làm như vậy, anh em sẽ hiểu được sự lo lắng, quan tâm của BGĐ dành cho các bạn và an tâm làm việc hơn.”

Vê hoạt động kinh doanh, anh Tuấn cho rằng, Công ty đã thay đổi rất nhiều chính sách, không gây sức ép về số, không đặt ra những chương trình thi đua quá nặng nề. Điều này cũng giúp ích cho tâm lý các bạn, từ đó, năng suất của các thành viên cũng tự động tăng cao. 

Ở khía cạnh trung tâm hệ thống thông tin ISC, anh Ngô Trọng Nhân (PGĐ ISC) cho biết, trung tâm đang thực hiện chuyển đổi nhanh, tạo điều kiện cho anh em cải thiện năng suất và thu nhập của mình, tạo môi trường thoải mái cho anh em với những chính sách phù hợp. Ở yếu tố con người, dân công nghệ đa phần trầm tính hơn, Ban lãnh đạo ISC cũng chú trọng ở khâu tương tác vì đây là yếu tố khó nắm bắt về trạng thái tinh thần của anh em khi làm việc từ xa.

Thời gian giãn cách càng lâu, tinh thần mọi người càng dễ giảm sút, áp lực nhiều phía lại tăng lên rất nhiều. Vì vậy, Trung tâm ISC thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động phong trào, mời chuyên gia chia sẻ về những câu chuyện liên quan đến tinh thần để xây dựng nội lực tinh thần của các thành viên.

Phần cuối của chương trình, chị Hồng đã mang đến mô hình nghiên cứu toàn cầu về “lãnh đạo chuyển đổi” đã và đang được ứng dụng thực tiễn trên thế giới sau 30 năm được nghiên cứu và thử nghiệm với nhiều tình huống thành công, thất bại, để cùng phân tích và “mổ xẻ” từng nội dung, phương thức thực hiện mô hình và đánh giá tổng thể. 

Mô hình lãnh đạo chuyển đổi. (nguồn Vitalsmarts)

Đưa ra ví dụ thực tế về những hiệu quả rõ rệt khi ứng dụng mô hình “lãnh đạo chuyển đổi” đối với đội ngũ nhân sự của mình, chị Hồng chia sẻ: “chỉ cần chọn đúng hành vi chủ chốt và dùng đủ 6 nguồn gây ảnh hưởng thì chúng ta có thể tạo ra những kết quả vượt trội.”

Webinar “Quản trị hiệu suất nhân viên khi Work From Home” do Trung tâm đào tạo FTEL tổ chức nhằm mục tiêu giúp các học viên có thêm nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng quản trị làm việc từ xa, duy trì được sức khỏe tinh thần và lý giải mô hình Lãnh đạo chuyển đổi nhằm tìm một hướng đi mới khi quản trị đội ngũ dưới sự dẫn dắt của khách mời là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Những thông tin mà diễn giả mang đến đã thu hút sự quan tâm của các học viên và chắc chắn, sẽ góp phần không nhỏ trong công tác quản lý, xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả dành cho đội ngũ làm việc từ xa dù trong mùa dịch hay bất kỳ thời điểm nào. 

XEM THÊM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

THEO DÕI FOXNEWS

17,207Thành viênThích
5,553Người theo dõiTheo dõi
540Người theo dõiĐăng Ký
spot_img