Nhằm đảm bảo an toàn hạ tầng, nhân lực và giảm thiểu thiệt hại trong kỳ thiên tai năm 2024, chương trình Phòng chống thiên tai được FPT Telecom phát động và triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Mỗi năm, cả nước hứng chịu hàng chục cơn bão, ảnh hưởng không nhỏ tới hạ tầng của FPT Telecom. Nhằm tăng cường an toàn, giảm thiểu thiệt hại đến mức nhỏ nhất, đảm bảo an toàn hạ tầng và nhân lực, công tác phòng chống thiên tai luôn được FPT Telecom chú trọng. Đội ngũ Kỹ thuật, Công nghệ, Hạ tầng của nhà Cáo luôn sẵn sàng các kịch bản ứng phó, khắc phục sự cố nhanh nhất đảm bảo cơ sở vật chất và thông tin tín hiệu thông suốt.
Sau nhiều năm tổ chức Diễn tập Phòng chống lụt bão tại Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa,… (từ 2019 tới 2022) và Phòng chống thiên tai trên hạ tầng (2023), FPT Telecom chính thức phát động chương trình Phòng chống thiên tai năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Chương trình được phối hợp tổ chức bởi các đơn vị INF, PMB, TINPNC, SOC, SCC, CNx và các đơn vị ngành dọc. Ban PCLB được thành lập ở các khu vực miền Nam – miền Bắc với sự chỉ huy của Trưởng ban anh Trần Thanh Hải (Giám đốc Công nghệ), Phó ban chị Vũ Thị Mai Hương (Phó Tổng Giám đốc FTEL), Phó ban anh Nguyễn Thế Quang (Phụ trách Khối Bán hàng và Dịch vụ khách hàng), Phó ban anh Vũ Đức Huy (Phụ trách Khối Bán hàng và Dịch vụ khách hàng) và Ban Giám đốc các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp.
Về công tác chuẩn bị, 100% các đơn vị/Chi nhánh sẽ chuẩn bị sẵn sàng và đảm bảo công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai năm 2024 theo kịch bản đã được phê duyệt. Công tác kiểm tra và đánh giá sẽ được diễn ra sau đó, với 100% các hoạt động chuẩn bị của các đơn vị/Chi nhánh được kiểm tra và đánh giá.
Chương trình tập trung vào công tác chuẩn bị theo chủ trương “3 sẵn sàng – 4 tại chỗ” kết hợp với hoạt động đánh giá trực tiếp từ INF, PMB, TINPNC, cụ thể gồm: 4 tại chỗ – Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ; 3 sẵn sàng – Chủ động phòng tránh, đối phó sẵn sàng, khắc phục kịp thời.
Theo đó, chương trình Phòng chống thiên tai năm 2024 được thực hiện qua việc các đơn vị HO sẽ xây dựng hoàn thiện kịch bản, checklist phòng chống lụt bão chung, phân nhóm Chi nhánh theo mức độ ảnh hưởng thiên tai, sau đó khu vực và Chi nhánh sẽ rà soát, chuẩn bị nội dung các checklist và cụ thể hóa kịch bản phù hợp thực tế địa bàn, hạ tầng của đơn vị.
Trong tháng 5, các đơn vị chủ động rà soát, chuẩn bị theo checklist, xây dựng chương trình PCLB 2024, thành lập PCLB, đội cơ động HO, tổ chức đào tạo, truyền thông và phát động chương trình. Từ đầu tới giữa tháng 6, các đơn vị thực hiện công tác chuẩn bị theo các phụ lục hướng dẫn, tiến hành cập nhật lên hệ thống ICDP, đề xuất vật tư cần thiết, lập kế hoạch và các tiêu chí đánh giá Onsite và Online. Tiếp theo đó, BTC sẽ tiến hành đánh giá thực tế công tác chuẩn bị tại Chi nhánh, báo cáo kết quả. Chương trình dự kiến kết thúc vào cuối tháng 6 với Lễ Tổng kết và trao giải có sự tham gia của toàn bộ Ban Giám đốc, các thành viên Hạ tầng của các Khu vực/Chi nhánh, Ban Giám đốc đơn vị HO và BTC.
Đến thời điểm hiện tại, Ban PCLB đã phối hợp cùng Trung tâm Đào tạo & Phát triển, hoàn thành khóa đào tạo về nội dung và kế hoạch hành động phòng chống thiên tai 2024 nhằm hướng dẫn các thao tác trên ICDP, cảnh báo hiện trạng, trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong công tác PCLB. Ban PCLB cũng chuẩn bị các kịch bản diễn tập ứng cứu trước các trường hợp chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt, mất điện diện rộng… Đại diện Ban PCLB cho biết, năm nay sẽ tập trung mạnh vào việc hậu kiểm rà soát của HO.
Theo phân tích, khảo sát về dự báo bão lũ năm 2024 của Ban PCLB, dự báo khoảng 10 – 12 cơn bão nhiệt đới có thể hình thành và ảnh hưởng đến đất liền. Giai đoạn tháng 6 đến tháng 11 có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh (căn cứ theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia). Do đó, công tác phòng chống thiên tai bão lụt được Ban Chỉ đạo sát sao, nghiêm túc thực hiện nhằm đảm bảo kết nối tín hiệu, hạ tầng xuyên suốt cho Khách hàng.
Những năm vừa qua, sự đổ bộ của các cơn bão lớn tại các khu vực miền Trung – Việt Nam không chỉ ảnh hưởng về con người, tài sản mà còn tác động trực tiếp đến đường truyền Internet của các nhà mạng viễn thông trong khu vực. Tuy nhiên, FPT Telecom luôn được đánh giá là đơn vị có công tác chuẩn bị, phòng chống và khắc phục sự cố nhanh chóng trước những trận thiên tai, bão lũ. Trong đó, các chương trình Tập huấn, đào tạo phòng chống thiên tai – bão lũ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động công việc của đội ngũ hạ tầng, KTV FPT Telecom.
Trong thời gian tới, Ban PCLB sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tuân thủ checklist triển khai giai đoạn 2, 3, chuẩn bị sẵn sàng trước mọi tình huống ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.
Trân Hải