Hai lãnh đạo Viễn thông Quốc tế FPT – anh Lê Viết Thanh Luận và anh Đoàn Đăng Khoa cùng Giám đốc Công nghệ FPT IS – anh Phan Thanh Sơn là những người nhà F trong vai trò diễn giả và người dẫn dắt các phiên thảo luận, chia sẻ của Cloud Day.
Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 (Vietnam Cloud Computing Conference) với chủ đề: “Điện toán Đám mây trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (Cloud in 4th Industrial Revolution)… sẽ diễn ra ngày 22/6 tại Pan Pacific, số 1 đường Thanh Niên, Hà Nội. Hội nghị do VINASA phối hợp với Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore) tổ chức. FPT Telecom và Microsoft Việt Nam là hai nhà tài trợ chính.
Từ phải qua: Anh Phan Thanh Sơn, CTO FPT IS; anh Lê Viết Thanh Luận, PTGĐ FTI; và anh Đoàn Đăng Khoa, PGĐ kinh doanh miền Nam FTI.
Vietnam Cloud Computing 2017 dự kiến thu hút trên 350 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp lớn ứng dụng CNTT, các ngân hàng và doanh nghiệp CNTT cung cấp dịch vụ Cloud trong nước và quốc tế. Tham gia sự kiện có Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Thành…
Anh Lê Viết Thanh Luận, PTGĐ Viễn thông Quốc tế FPT (FTI), sẽ trình bày tham luận "Ứng dụng Cloud trong doanh nghiệp – Lợi ích và thách thức" trước khi cùng các diễn giả khác tham gia bàn tròn "Thực trạng về ứng dụng Cloud tại các doanh nghiệp, tổ chức, các vấn đề và giải pháp" với người điều phối là anh Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ FPT IS.
Trong phiên làm việc buổi chiều, anh Đoàn Đăng Khoa, PGĐ kinh doanh miền Nam của FTI, là diễn giả về "Xu hướng, thách thức, cơ hội cho thị trường Cloud Việt Nam".
Điện toán đám mây (Cloud Computing) đang là xu thế công nghệ tất yếu của thời đại và là một thành phần nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc ứng dụng đám mây trong các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa thực sự mạnh mẽ và sâu rộng.
Theo các chuyên gia, trong bức tranh tổng thể toàn cầu, “khoảng cách số” đang dần lớn khi các nền kinh tế phát triển đạt được nhiều tiến bộ nhờ những đầu tư lớn vào Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), thì nhiều nước đang phát triển vẫn chưa nắm bắt triệt để cơ hội này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh.
Dịch vụ điện toán đám mây được đưa ra lần đầu tiên bởi Amazon vào năm 2006. Sau chưa đầy 10 năm, năm 2015, dịch vụ này đã đảm nhiệm khoảng 75% tổng khối lượng tính toán của các máy chủ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, các doanh nghiệp CNTT đang nỗ lực phát triển dịch vụ Cloud hoàn thiện trên cả 3 loại hình: Dịch vụ hạ tầng (IaaS), dịch vụ nền tảng (PaaS) và dịch vụ giải pháp trên nền Cloud (SaaS).
Theo PGS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), trong ASEAN, Việt Nam là nước có nhịp độ tăng chi tiêu cho đám mây trong giai đoạn 2010-2016 cao nhất (64,4% mỗi năm), cao hơn hẳn mức bình quân của cả khối ASEAN (49,5%). Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines.
Mới nhất, FPT Telecom hợp tác cùng Internet Initiative Japan (IIJ) Nhật Bản đưa ra sản phẩm HI GIO CLOUD dành riêng cho thị trường Việt với tiêu chuẩn Nhật Bản vào giữa tháng 4, với những tính năng nổi bật mà các dịch vụ tương tự hiện tại không cam kết được; góp phần đưa xu hướng ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây nói chung bước lên tầm cao mới.